
09:04 - 26/12/2019
Đồ nhà quê lên tiếng
Hôm nọ Gia Bảo, một đứa em rất thân đang định cư ở Úc, về thăm nhà, tôi nhìn quanh, ráng kiếm một món gì đó để tặng. Và với những người xa quê như Bảo, những sản phẩm công nghiệp chắc là chẳng để làm gì.

Không bao giờ cái mũi khoa học của robot có thể hiểu được cái tinh tuý của mùi hương quê nhà trong những giỏ quà xuân.
Gói một chai tinh dầu chiết xuất từ những trái quít héo, quít giập không bán được của nông dân Đồng Tháp. Bảo hít hà mê say, và muốn mang nhiều hơn cái mùi hương quê nhà này sang kinh doanh ở Úc…
Ngược chiều tương lai
Tôi làm việc ở một công ty đào tạo những thứ được gọi tên là “kỹ năng tương lai”. Dựa trên các nghiên cứu thống kê cẩn thận của thế giới, lo sợ rằng những công việc chân tay, thâm dụng lao động sẽ dần bị thay thế bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo, nên sẽ nhiều người mất việc, nếu không tự tái đào tạo chính mình những năng lực mới. Chúng tôi hay nói đùa với nhau, là thôi ráng chút, để mai mốt con cháu mình ra đường không bị robot bắt nạt…
Mỗi ngày, đối diện với những mớ kiến thức có phần đáng sợ về điện toán đám mây, về công nghệ nano, về máy học… tôi hay nghĩ: nếu mai mốt cái gì cũng có robot làm hết, thì mình sẽ có thời giờ đọc sách, nghe nhạc và chắc chắn sẽ xách ba lô lên đi cho hết những nơi muốn đi. Và một trong những nơi đó, là xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, nơi có vợ chồng trẻ người dân tộc Tày tên là Điện, vẫn hàng tháng gửi quà quê về phố. Lúc thì họ gửi khô gà rang với lá và quả mắc mật. Lúc thì họ gửi một chai rượu ngô nhà tự ủ. Khi thì họ cẩn thận gói một ít thịt trâu gác bếp… Mỗi món, là rất nhiều câu chuyện, rất nhiều thành ý của những người cũng chỉ vô tình gặp trên đời, nhưng thương yêu mình rất thực.
Gần tết, Điện bảo, để mang xuống ít thịt lợn, mà phải là thứ lợn từ nhỏ tới lớn không biết mùi cám công nghiệp là gì, thì thịt mới thơm và ngọt được. Người Tày vốn thật thà, nên chắc là bạn muốn gửi thịt xuống thật, chứ chẳng phải để nhắc nhở việc tôi hứa sẽ ngồi vẽ lại bao bì, nhãn hiệu và giúp kể câu chuyện về nước xốt mắc mật của Điện.
Tự thấy áy náy lương tâm, xách ba lô sang Trà Quế Studio, để nhờ các bạn hoạ sĩ ở cái nơi treo biển “làm kinh doanh sáng tạo bền vững” này vẽ giúp cho Điện. Thấy các bạn đang cắm mặt soạn hàng hoá cho giỏ quà tết. Nhóm khác thì mải mê cắt dán thủ công mớ bao lì xì đỏ rực. Cô hoạ sĩ đang có bầu thì ngồi xoay xoay cây bút chì, mải mê nghĩ về cái biểu tượng mới của nước mắm Khải Hoàn, một trong những nhà thùng làm nước mắm ở Phú Quốc, đang muốn mang hương vị quê nhà đi xa.
Tự dưng, nghĩ là sẽ không bao giờ cái mũi khoa học của robot có thể hiểu được cái tinh tuý của nước mắm mà một người gắn cả cuộc đời với món này như cô Liên, chủ thương hiệu Khải Hoàn này có thể làm được. Vì ngửi, không chỉ là để phân tích thành phần, cấu tạo, mà còn là để đồng cảm với con cá, hạt muối và mồ hôi của những người thợ thùng làm nước mắm nữa…
Đâu phải cứ “tương lai” là phải công nghệ cao.
Đi tìm cái gốc
Mấy năm nay, Trà Quế Studio theo đuổi việc hỗ trợ các nghệ nhân làng nghề, các cơ sở đặc sản khởi nghiệp với tài nguyên bản địa làm marketing hiện đại. Chị Xuân Yến, nhà sáng lập của Trà Quế, nói rằng đó là “mặc áo mới cho đặc sản nhà quê”. Bài bản và lớp lang, nghiên cứu cẩn thận, áp dụng những tiêu chí về thiết kế hiện đại, nhưng có vẻ nó vẫn giữ được cái gene của một “cô hàng xén” muốn gom góp những thứ ngon lạ và lành cho đẹp, để đem đi tặng nhau… Yến gọi đó là “phát triển tài nguyên bản địa”.
Ông Trân, chủ thương hiệu mỹ phẩm Thorakao nghe vậy, cười: “Muốn hiểu bản địa, phải tra gốc Hán Nôm, và nghiên cứu thêm về phong thuỷ với kinh dịch nữa”. Rồi ông nói về chữ “bản” – là chữ Mộc có thêm cái nét ở phía dưới, hàm nghĩa về cội rễ của một cái cây. Chữ “địa”, thì ứng với một trong 64 quẻ Dịch với nhiều biến đổi huyền ảo để nuôi sống muôn vật. Sa vô câu chuyện này, đúng là một mê trận phiền não, chỉ nhớ được điều quan trọng nhất, là muốn phát triển bản địa, thì cần hiểu sự cân bằng âm dương, và đặt con người vào trọng tâm của câu chuyện.
Tôi hỏi Yến: “Sao khảo sát thì khách hàng đều nói tôm khô rừng Cà Mau mắc quá. Mà cuối cùng giỏ quà vẫn phải có?”. “Vì đó là món ngon nhất mà bạn kiến trúc sư Thành Phạm bỏ phố về quê có thể mang đến cho mỗi người. Yến luôn muốn tặng cho gia đình mình, bạn bè mình thứ tôm khô ngon này, nên cứ để vô giỏ quà Mùa bội thu. Ai đã ăn thử rồi, sẽ biết là món đồ nhà quê này nó tự kể được câu chuyện lạ lùng của thứ tôm sống ở rừng ngập mặn, tự lớn lên mà chẳng cần con người nuôi bằng thức ăn công nghiệp, thuốc bảo vệ các loại bệnh cũng công nghiệp…”. À, ô kê.
Chúng tôi thống nhất với nhau: mỗi món trong giỏ quà tết, mình nhìn vô phải biết ai là người làm ra nó. Từ cái giỏ lùng của một bà cụ cuối cùng còn làm cái nghề cực khổ này ở Cần Thơ, mớ mãng cầu sấy là của một chàng trai trẻ tên là Lucas Đặng ở Đồng Tháp, tinh dầu quế vị hay quít là của cô kỹ sư hoá nhiều năng lượng nhất trái đất, rồi da cá trứng muối là của một bạn mới tham gia cộng đồng, rồi mứt sơ ri, đậu phộng mật ong… Món nào cũng chứa đựng biết bao tâm huyết và công khó của người n hà quê muốn làm để giữ cái nghề, và quảng bá cái món ngon của vùng đất mà họ sinh ra.
Nhắn tin cho một người bạn, anh bảo, nhớ kèm theo giỏ quà tết một ít nhang làm từ cây quao của cô giáo Song Đào ở Bến Tre. Anh thích câu chuyện cô giáo cấp 2 ở vùng quê nghèo Mỏ Cày Nam này lụi cụi nghiên cứu nhiều năm trời, để tạo ra dòng nhang sinh học vừa thơm, vừa tốt cho sức khoẻ. Sản phẩm tốt tới mức, người Nhật sang mua với đơn vị tính bằng tấn, và bộ Khoa học và công nghệ cấp luôn bằng sáng chế cho cô giáo này. “Đồ nhà quê xứ mình hay quá, mà ít có người chịu xắn tay áo lên mà phụ làm thị trường, phụ bán hàng, nên cứ trầy trật hoài chưa có tiếng nói đàng hoàng tử tế với người tiêu dùng”, anh động viên, để tiếp thêm chút năng lượng cho một lựa chọn con đường chẳng mấy ai đi…
Trần Bung (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này