10:17 - 05/10/2023
Kinh tế cải thiện nhưng tâm lý dè sẻn vẫn bao trùm người tiêu dùng
Kantar dự báo, dịp tết năm nay, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu mua sắm nhiều như những năm trước, họ sẽ có xu hướng mua sắm cầm chừng và cân nhắc mua sản phẩm vừa đủ dùng, thiếu thì mua thêm.
“GDP tăng trưởng nhưng từ đây đến Tết tâm lý bi quan đâu đó vẫn còn”, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao công ty nghiên cứu thị trường Kantar WorldPanel Việt Nam nhận định tại hội thảo “Biến động thị trường và Cơ hội kinh doanh mùa cuối năm” do Hội DN HVNCLC và Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức ngày 4/10.
Bình luận của bà Nga đưa ra sau khi dữ liệu kinh tế Việt Nam quý 3 có nhiều chuyển biến tích cực, với GDP tăng 5,33% so với cùng kỳ 2022, theo Tổng cục Thống kê. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 4,24%.
“Hai quý gần đây, mối quan tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm giảm nhẹ trong khi lo lắng về thu nhập, chi phí và việc làm ổn định tăng nhanh. Ba điều này ảnh hưởng đến mức độ chi tiêu của người tiêu dùng”, bà Nga cho biết.
Theo bà Nguyễn Phương Nga, trong khoảng hai năm gần đây có nhiều sự thay đổi về kinh tế vĩ mô, dẫn đến điều kiện tài chính của các hộ gia đình bị ảnh hưởng, khiến người tiêu dùng Việt Nam hiện nay có cái tâm trạng lo lắng nhiều hơn.
Sự khó khăn này, theo bà Nga, bắt đầu từ khoảng nửa cuối năm 2022 cho tới thời điểm hiện nay, tình hình kinh tế có nhiều sự biến động (tích cực và tiêu cực).
Biến động này ảnh hưởng nhiều tới tâm lý người tiêu dùng, trong đó đặc biệt là sự phân hóa, phân ra hai nhóm. Đầu tiên là nhóm người tiêu dùng vẫn có sự lạc quan, là người có điều kiện, thu nhập cao. Thứ hai là nhóm người có thu nhập thấp, người lao động chân tay bị ảnh hưởng, họ bi quan hơn rất nhiều.
Nhóm bị ảnh hưởng này theo những nghiên cứu từ Kantar Việt Nam, họ cắt giảm chi tiêu, hoặc tìm một phương án chi tiêu tối ưu nhất có thể để có thể vẫn đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng của gia đình.
Từ những phân tích trên, bà Nguyễn Phương Nga cho rằng, “bối cảnh đặt cho doanh nghiệp một bài toán khó trong thời điểm hiện nay. Đó là làm thế nào thỏa mãn được nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau”.
“Tôi nghĩ rằng, thứ nhất doanh nghiệp cần suy nghĩ tới việc cân đổi danh mục sản phẩm của công ty mình, để vẫn có những sản phẩm thu hút người tiêu dùng, cho người ta vẫn chi tiền, sản phẩm cần thiên về tốt cho sức khỏe, thêm nhiều giá trị và có tính cá nhân hóa cao hơn.
Ngoài ra, vẫn phải có những hoạt động kích cầu, có những sản phẩm để duy trì người tiêu dùng lúc họ khó khăn, để tiếp tục giữ họ là một khách hàng trung thành trong tương lai”, bà Nga phân tích.
Vấn đề thứ hai, theo bà Phương Nga, phải có những chương trình kích cầu trong ngắn hạn để giữ chân khách hàng trong thời điểm khó khăn này. Về tương lai lâu dài, sẽ vẫn là những hoạt động liên quan tới xây dựng thương hiệu
Xét riêng về nhóm người tiêu dùng vẫn có khả năng chi tiêu nhiều sản phẩm cao cấp, xanh, sạch, theo bà Nga, “cái mà người ta cần đó là sự rõ ràng về thông tin, để họ tin sản phẩm mua là thật sự xanh, tốt cho sức khỏe. Nếu người tiêu dùng nhóm này không nhận được những thông tin rõ ràng, minh bạch, họ sẽ không sẵn sàng trả tiền. Bởi dù họ không bị ảnh hưởng về thu nhập, nhưng khi môi trường xung quanh có nhiều người bị ảnh hưởng, họ cũng có sự lo lắng nhất định, lỡ đâu, ngày mai họ bị ảnh hưởng”.
Chia sẻ thêm về việc dự báo tình hình mua sắm, sức mua trong mùa cao điểm dịp Tết 2024 này, bà Nga nhận định rằng: “Người ta sẽ không chi tiền ào ạt giống như những mùa Tết trước đây. Chẳng hạn mọi năm khoảng 3-4 tuần trước Tết, người tiêu dùng đi siêu thị mua sắm đầy trên những chiếc xe đẩy. Dự đoán như vậy, bởi theo quan sát của Kantar Việt Nam, trong mùa Trung thu vừa qua, người ta chi tiêu một cách cầm chừng, mua từ từ, thiếu thì mua thêm chứ không mua nhiều, họ cân nhắc, mua sản phẩm nào cũng vừa phải”.
Thực tế, khảo sát của Kantar Việt Nam cho thấy, có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính, điều này tạo ra biến động trong xu hướng tiêu dùng, nhất là giai đoạn cuối năm.
Linh động phương thức bán hàng
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – Tổng giám đốc Sông Hương Foods, một đơn vị bán những sản phẩm đặc sản Việt Nam, từ cà pháo, mắm cà pháo, đến các sản phẩm về kiệu, bánh nậm, bánh lọc cho biết, “trong năm vừa qua, Sông Hương Foods đang đẩy mạnh hơn việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, cụ thể mạnh nhất là Tiktok, bản thân ông Tuấn có tháng bán trên kênh Titok của mình doanh số 1 tỉ đồng”.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, mùa Tết thì kiều bào xa quê rất mong muốn, tìm đến những sản phẩm quê hương, Sông Hương Foods biết được điều đó và đáp ứng được những sản phẩm này, “chúng tôi đã cấp đông nhiều sản phẩm để đem qua Mỹ cho người Việt dùng bất cứ khi nào, nhất là dịp Tết. Do đó, đây cũng là một kênh phân phối quan trọng của Sông Hương Foods, bên cạnh hệ thống siêu thị hiện đại”.
Chia sẻ kinh nghiệm giữ vững và phát triển thị trường, ông Lương Vạn Vinh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho hay, hiện sản phẩm của công ty luôn hiện diện ở trong hệ thống hiện đại, nhưng ở các cửa hàng truyền thống vẫn là chủ yếu. Đưa hàng vào siêu thị gặp nhiều khó khăn hơn nên Mỹ Hảo đầu tư mạnh cho thị trường truyền thống. Trong việc làm thị trường truyền thống, quan trọng nhất vẫn là con người và hệ thống quản lý của mình, nghiêm túc, có hệ thống, có giải pháp về độ phủ… để mọi việc chạy một cách dễ dàng.
Bên lề hội thảo, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh cho rằng, cần nắm rõ sự thay đổi của thị hiếu, thói quen và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, để cùng với đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp thì kết hợp với nhau làm mới sản phẩm theo xu hướng “xanh” từ bao bì đến thành phẩm…
“Năm nay, các sản phẩm giỏ quà tết của chúng tôi giảm giá khoảng 40% nhưng chất lượng sẽ không đổi. Ví dụ như giỏ quà 4 mùa, trước đây Phúc Sinh bán khoảng hơn 500 nghìn đồng nhưng năm nay chỉ bán hơn 300 nghìn đồng”, ông Thông nói.
Nghiên cứu của Kantar cũng chỉ ra 40% ngành hàng trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) không thể giữ chân người tiêu dùng. Không chỉ ngành hàng nhỏ mà ngay cả những ngành hàng lớn cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.
49% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ tham khảo nhiều cửa hàng khác nhau để tìm kiếm chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đồng thời so sánh giá sản phẩm giữa các nhà bán lẻ để tìm sản phẩm có giá tốt nhất.
Bài, ảnh Trần Quỳnh/BSA Media
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này