
13:24 - 12/02/2018
Chuyện lý thú về một người kiên định làm thuê
Mặt mày sáng sủa đẹp trai, thông minh, hóm hỉnh, bạn bè đều khen Khoa rất thành công trên đất Mỹ. Nhưng tìm hiểu những gì Phạm Quốc Đăng Khoa làm và theo đuổi, tôi thấy anh toàn… làm ngược thiên hạ.
Tò mò, tôi làm cuộc trò chuyện với Khoa. Rất lý thú và riêng tôi, tôi thấy mình học được nhiều điều…
– Này nhé, khi thiên hạ rần rần khởi nghiệp, thi nhau mở doanh nghiệp, làm giám đốc thì Khoa kiên định… làm thuê. Khi đang làm việc ở Apple, là người Việt Nam duy nhất làm việc ở tổng hành dinh với công việc khá quan trọng, Khoa lại ra đi. Chuyên môn sâu về lập trình và phân tích dữ liệu, Khoa lại chuyển nghề đi làm tiếp thị. Suốt ngày gặp Khoa trên “phây” thì chỉ thấy đang đi du lịch hay đang ăn uống. Vậy mà sao anh làm thuê ở đâu cũng được trọng vọng? Mang chừng ấy câu hỏi nói với Khoa rồi nghe anh nhẩn nha trả lời mới thấy, anh chàng kiên định làm thuê.
– Tôi là một chàng trai tỉnh lẻ, Cần Thơ. Lên Sài Gòn, học khoa Công nghệ thông tin trường đại học Khoa học tự nhiên. Ra trường, tự nhận biết thế mạnh của mình là chuyển đổi những ý tưởng thành quy trình thực hiện, tôi tìm học bổng qua Mỹ học MBA.
– Sao Khoa ở lại Mỹ tìm việc khi nước Mỹ đang ở đỉnh cao khủng hoảng kinh tế năm 2009?
– Tôi tự tin là mình vượt qua được khó khăn đó bằng cách thực hiện những điều cơ bản một cách kiên trì: xây dựng mối quan hệ (networking), nhấn mạnh vào các điểm mạnh của bản thân như khả năng phân tích dữ liệu để xây dựng các mô hình hỗ trợ quyết định, và đặc biệt là thái độ làm việc chăm chỉ, khả năng làm việc nhóm, và mong muốn được học và tìm hiểu thêm (intellectual curiosity). Thế là tìm được việc.
– Tức là miễn mình biết mình là ai và mình muốn gì? Anh trôi tới Silicon Valley như thế nào?
– Với background lập trình và khả năng hiểu về công nghệ thì tự nhiên là mình bị cuốn hút, bởi Silicon Valley là nơi mà những phát minh công nghệ diễn ra nhanh chóng và thường xuyên, và thay đổi cách con người sống, tương tác và làm việc. Tôi nhận được lời mời phỏng vấn và vào làm ở Apple năm 2011 ở bộ phận hoạch định nhu cầu và cung cấp toàn cầu (worldwide supply and demand planning) cho các sản phẩm của Apple. Đó là bài toán tối ưu hoá – làm sao để sản xuất và phân phối hàng chục triệu sản phẩm công nghệ mỗi quý để thu về tối đa lợi nhuận, trong khi phải giữ bí mật sản xuất mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng (customer satisfaction). Bạn thử tưởng tượng, do nhu cầu tăng trưởng cực lớn của Apple, họ tìm người giải quyết được vấn đề dưới sức ép thời gian, và có thể đưa ra các quyết định hợp lý nhất ngay khi không đủ dữ liệu hoặc các biến số quyết định còn rất mù mờ.
Tôi học được nhiều trong hai năm rưỡi ở Apple, điều học được lớn nhất là phải cẩn thận với từng chi tiết nhỏ, và phải làm việc hiệu quả dưới sức ép.
– Hay quá, sao anh lại bỏ đi?
– Thì cũng giống như tốc độ thay đổi của công nghệ, những người trẻ ở Silicon Valley luôn tự bắt buộc mình phải liên tiếp học và nâng cao bản thân. Do đó, mọi người thường chuyển đổi công việc mỗi 18 tháng đến hai năm, hoặc chuyển để học về một ngành (industry) mới, hoặc để học các kỹ năng mới.
Mình cũng nằm trong luồng chảy đó. Sau thời gian ở Apple, khi việc học hỏi từ công việc bắt đầu chậm lại, mình muốn tiếp tục thử thách mình. Sau một thời gian lựa chọn, mình chọn làm vị trí tiếp thị sản phẩm cho VMware, vừa là một ngành mới (phần mềm cho các công ty và điện toán đám mây – enterprise software and cloud computing), vừa là một vị trí mới (product marketing), nên sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi.
– Qua nơi mới, thấy anh đi chơi nhiều, thưởng thức toàn đồ ăn ngon?
– Nghề tiếp thị đi nhiều và còn phải nuôi cảm hứng luôn tươi mới. Đó là lý do mình có nhiều chất liệu viết “phây”.
– Đã bốn năm ở đây. Sau 30 tuổi, nhìn bạn bè đã đi khá xa, anh định làm gì?
– Những người thời đầu của thế hệ thiên niên kỷ (millennials) như mình nay đã ngoài 30, và nhiều người trong số họ đã đạt được những vị trí xã hội nhất định. Có người trở thành những nhà khoa học trong các trường đại học lớn, có người làm quản lý ở những tập đoàn đa quốc gia, cũng có nhiều bạn làm startup thành công ở Việt Nam hay các nước. Ở tuổi 30 khi vị trí xã hội đã tương đối ổn định, và các kỹ năng tích luỹ tạm đủ cho công việc, tôi cũng như không ít bạn bè, nghĩ về giai đoạn trưởng thành. Những câu hỏi tuy trừu tượng, như “điều gì làm mình hạnh phúc”, và “di sản mình để lại cho cuộc sống là gì” khiến mình đi tìm câu trả lời là nền móng cho một bước ngoặt phát triển khác của cuộc đời. Nhiều người bắt đầu suy nghĩ về đất nước, về gia đình, về những gì cụ thể mình có thể làm được để giúp đỡ quê hương và những người xung quanh. Thời gian này bề ngoài có vẻ lãng phí – nhưng là sự lãng phí có ích (time well wasted).
– Còn chưa chịu khởi nghiệp làm giám đốc, anh tiếp tục làm thuê, anh chiêm nghiệm được thêm điều gì mới?
– Bên cạnh những điều mình biết rõ mình như làm việc chăm chỉ, thái độ ham muốn học hỏi và tiếp cận cái mới, làm việc nhóm, biết chọn lựa ưu tiên công việc v.v. mình thấy điều ít người đề cập là “tìm kiếm sự đồng cảm” (being authentic and vulnerable) tức không che giấu những khuyết điểm của mình, mà thường nhờ đồng nghiệp giúp mình khắc phục những điểm yếu đó và đó cũng là kinh nghiệm để được nhiều người giúp đỡ.
Thử tò mò một chút xem tiếp thị công nghệ là làm gì?
Tiếp thị sản phẩm công nghệ tương đối khác biệt với tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng, vì nó là sự kết hợp giữa sự chuyên sâu về công nghệ của sản phẩm và thấu hiểu về khách hàng, để ra chiến lược tiếp cận thị trường (go-to-market strategies and executions), bao gồm các mặt như:
– Định vị và thông điệp.
– Định giá và đóng gói (pricing and packaging).
– Kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận.
– Quản lý kênh phân phối trực tiếp (bán hàng – sales) và gián tiếp (đối tác – partners).
– Nghiên cứu thị trường và nghiên cứu khách hàng.
– Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh – và đặc biệt tiếp cận những công nghệ mới có thể làm cho sản phẩm của mình lỗi thời.
Tiếp thị sản phẩm là một mảng rất lớn, và mỗi công đoạn đều thú vị và đòi hỏi đầu tư nhiều tâm huyết và công sức – nên mình ở lại công việc này gần bốn năm – lâu hơn thời gian thông thường ở một vị trí. Tuy nhiên, trong bốn năm đó mình lại chuyển đổi làm chuyên sâu từng công đoạn ở nhiều thời điểm khác nhau.
Kim Hạnh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này