09:17 - 21/11/2019
Ăn chay để kìm giá thịt heo?
Bộ NN&PTNT đang cố gắng kiểm soát thị trường thịt heo, không để giá mặt hàng này liên tục “lập kỷ lục”.
Ở nhiều địa phương các tỉnh phía Bắc, các tuần đầu tháng 11/2019, giá heo hơi lên 80.000 đồng/kg, trong khi thịt heo bán lẻ cũng lên “ngang ngửa thịt bò”, mức cao nhất trong lịch sử. Dự báo tình hình tăng giá sẽ chưa dừng lại, vì nguồn cung ngày càng thiếu hụt nặng thêm, trái với số liệu thống kê của bộ NN&PTNT.
“Mệnh lệnh cứng, mệnh lệnh mềm!”
Chiều 18/11, đích thân bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và các địa phương, nhằm đánh giá đúng tình hình thực tế và tìm giải pháp phù hợp, sớm ổn định nguồn cung thịt heo. Chưa biết bộ NN sẽ đưa ra giải pháp cụ thể nào sau cuộc họp này, nhưng phải thừa nhận thực tế giá heo cả nước đang tăng cao, hoàn toàn không phải giá ảo, mà do lượng heo nuôi trong dân đã cạn kiệt. Có nơi, như tỉnh Đồng Nai, giá heo hơi xuất chuồng trong tuần thứ 2 của tháng 11 đã lên tới 71.000 – 73.000 đồng/kg, là do tổng đàn heo đã giảm trên 40%, từ 2,5 triệu con xuống còn 1,4 triệu con sau bảy tháng xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF), theo thống kê của sở NN&PTNT. Trong đó, các doanh nghiệp FDI chiếm gần 1,3 triệu con, lượng heo trong dân chỉ còn hơn 100.000 con. Nghĩa là, hiện nay heo ở Đồng Nai, địa phương có tổng đàn lớn nhất cả nước chỉ còn tập trung vào các doanh nghiệp FDI, nuôi nhỏ lẻ trong dân đã giảm khoảng 80%.
Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền cục trưởng cục Chăn nuôi, vẫn khẳng định nguồn cung không thiếu, theo ông, việc giá heo hơi liên “tục lập kỷ lục” những ngày qua là do thông tin chưa đầy đủ, cơ sở thu mua giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được nguồn thịt của trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, nên giá nào cũng chấp nhận. Không hiểu vì lý do gì mà đến giờ cục Chăn nuôi vẫn không thừa nhận thực tế đàn heo Việt Nam đã giảm mạnh (nhiều địa phương báo cáo giảm 30 – 50%, cá biệt có nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long giảm 60%). Nguồn cung giảm, nên giá tăng là hoàn toàn theo quy luật. Không ai có thể thao túng, đầu cơ được giá heo, vì thị trường đã thông nhau từ trong Nam ra ngoài Bắc, hơn nữa Việt Nam cũng đã mở cửa cho thịt ngoại từ nhiều năm nay, nên giá heo nội địa tăng hay giảm phải chịu áp lực cạnh tranh, chứ không thể một mình một chợ.
Trong vài tuần gần đây cũng xuất hiện tình trạng giá heo của một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn chỉ dao động 66.000 – 68.000 đồng/kg, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung là 75.000 – 80.000 đồng. Thị trường cũng râm ran thông tin là do tác động của cục Chăn nuôi ép không cho doanh nghiệp tăng giá. Trả lời báo chí, dù ông Nguyễn Xuân Dương đã phủ nhận thông tin can thiệp vào giá heo hơi bán ra của các công ty, nhưng lại thừa nhận “chúng tôi chỉ kêu gọi các công ty cố gắng bình ổn giá ở mức 65.000 – 66.000 đồng/kg”. Thị trường thừa hiểu với vai trò quản lý nhà nước, chỉ cần Bộ đưa ra “một lời kêu gọi bằng cách nhắn tin, gọi điện” cho các doanh nghiệp với thiện chí “mong muốn hợp tác giữ giá”, cũng đủ để doanh nghiệp ngầm hiểu đó là chỉ đạo từ… trên rồi. Còn nhớ cũng vào tháng 4 năm ngoái, khi giá heo vừa rục rịch tăng chút đỉnh sau gần hai năm giảm dưới giá thành nuôi, bộ NN cũng họp khẩn để kiểm soát, “kêu gọi” các doanh nghiệp “giữ giá heo ở mức dưới 45.000 đồng”. Sau cuộc họp, giá heo đang đà tăng đã… bị chặn lại. Tuy nhiên, năm nay khác với năm ngoái, là đàn heo bị tác động từ bệnh ASF đã giảm rất sâu, nên những mệnh lệnh hành chính (nếu có lặp lại) dự báo sẽ khó mang lại hiệu quả.
Để thị trường tiêu dùng điều tiết
Một doanh nghiệp chăn nuôi ở Đồng Nai khẳng định, để giữ được mức giá thấp họ cũng phải giữ lượng bán ra ổn định chứ không bán ồ ạt, vì bán ra bao nhiêu thương lái đều thu gom hết bấy nhiêu. Theo doanh nghiệp này, chênh lệch tại kho của nhà máy với giá bên ngoài lên đến 7.000 – 10.000 đồng/kg, nên thương lái đổ xô vào gom, sau đó sang tay kiếm lời cả triệu đồng mỗi con heo 100kg. Đây là thực tế đang diễn ra, cho thấy những điều hành của bộ NN nếu can thiệp vào giá heo, không cho doanh nghiệp tăng giá, sẽ không mang lại hiệu quả. Thịt heo bán lẻ trên thị trường sẽ không giảm, người dùng không được hưởng lợi; mà ngược lại, còn vô tình tiếp tay cho thương lái đầu cơ, trục lợi.
Nhìn qua Trung Quốc, đàn heo hơn 300 triệu con của họ cũng bị ASF hồi đầu tháng 8 năm ngoái, ước thiệt hại hơn 1/3, điều này khiến giá heo hơi có thời điểm tăng lên 150.000 đồng/kg. Hiện nay, giá đã giảm về 120.000 – 130.000 đồng, và Trung Quốc cũng đang tích cực tìm kiếm thêm nguồn thịt heo, thịt gà nhập từ Mỹ, EU, đặc biệt là họ đang tìm thêm nguồn thực phẩm khác thay thế. Quy mô đàn heo Trung Quốc gấp mười lần Việt Nam, thói quen tiêu dùng cũng thiên về sử dụng thịt heo nhiều trong bữa ăn như Việt Nam, nhưng họ không điều hành thị trường bằng cách can thiệp vào giá heo, mà để tăng tự do. Quy luật chung, khi thị trường thịt được thả nổi, nghĩa là để cung cầu tự điều tiết, khi giá tăng quá cao, người tiêu dùng sẽ tự biết cách lựa chọn các thực phẩm thay thế có giá rẻ hơn. Thời gian qua, trong khi thịt heo tăng quá cao, thì hàng loạt mặt hàng thực phẩm như thuỷ hải sản, nhất là sản phẩm gia cầm (thịt gà, thịt vịt, trứng các loại), lại giảm khá mạnh. Đây là nguồn thực phẩm có thể bổ sung tốt nhất cho lượng thịt heo đang khan hiếm lúc này. Lẽ ra, thay vì tìm cách hạ nhiệt giá heo, bộ NN nên ngồi lại với bộ Công Thương, bộ Y tế đưa ra khuyến cáo để người dân chuyển qua ăn nhiều hơn trứng, thịt gà, thuỷ hải sản. Còn nếu bộ vẫn duy ý chí, tìm cách giảm giá heo hơi, nhằm kéo giá thịt xuống, sẽ càng kích thích tiêu dùng. Giá thịt rẻ, người dân ăn nhiều thịt hơn, khi đó nguồn cung vốn đã giảm càng thiếu nhiều hơn. Trong khi, nhiều dự báo khẳng định trong một vài năm tới, chăn nuôi heo ở Việt Nam không thể duy trì lại mức bình thường.
Việc nhập khẩu thịt gà thời gian qua dù có tác động, nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu làm tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, theo khẳng định của bộ Công Thương trong một thông báo được phát hành vào ngày 29/10. Dù thừa nhận trong chín tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 215.700 tấn thịt gà các loại (tăng 49% so với cùng kỳ), với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD (tăng 46%), nhưng bộ Công Thương cho rằng nguồn cung thịt gia cầm trong nước cũng tăng khá nhanh. Tính đến hết tháng 9/2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng 13,5% so với cùng kỳ, trong khi tỷ lệ này trong giai đoạn 2015 – 2018 là 5,6%. Riêng quý 3/2019 đã tăng 19,2%. Riêng tại Đồng Nai, tính đến hết tháng 9/2019, tổng đàn gà trên địa bàn tỉnh này đạt hơn 24,8 triệu con, tăng 16,8% so với tháng 4/2019. Giá thịt gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam bộ đã giảm 30% so với cùng kỳ, do các hộ chăn nuôi đang ồ ạt bán tháo cắt lỗ.
Bảo Anh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này