09:38 - 17/10/2019
Hàng Tết 2020: hợp ‘gu’ mới bán được
Mỗi ngày bán hết 1.000 đòn bánh tét đã oải, chị Hai Lý (Mai Hoàng Lý), ở Cầu Ngang, Trà Vinh, khoe mới ký được hợp đồng xuất khẩu bánh tét, bánh chưng, bánh ít đi Mỹ. Ông xã là Việt kiều từng định cư tại Mỹ, nên đây cũng là lợi thế để Hai Lý đưa hàng vào Mỹ…
Người khôn – của khó
Với thị trường nội địa, hiện sản lượng bánh tiêu thụ của Hai Lý đã cao nhất làng Trà Cuôn, chưa kể năm nào chị cũng nhận được hợp đồng cung cấp cho siêu thị. Tuy nhiên, nói về kế hoạch sản xuất hàng tết sắp tới, chị lai băn khoăn nguyên liệu đang là thách thức, khi nguồn thịt sạch đang có giá rất cao, hay nhiều khi gió to cũng khiến lá chuối không đủ dùng, trong khi chị muốn giữ nguyên giá như năm ngoái.
Bánh tét Trà Cuôn bây giờ được tiếng và đâu đâu cũng nghe bánh tét Trà Cuôn, nên một quầy ven đường bán bậy bạ cũng có thể làm cho cả làng Trà Cuôn bị ảnh hưởng. Hiểu được mối lo này, chị Hai Lý nói cơ sở của mình phải chú ý tới việc công khai nguồn gốc xuất xứ, sửa lại nhà xưởng, sẵn sàng mời khách tham quan cơ sở để mọi người yên tâm khi chọn lựa bánh tét Hai Lý.
Chị Hai Lý nói: “Hy vọng món ngon từ nếp sáp truyền thống qua tới Mỹ, mang theo thông điệp Hai Lý làng Trà Cuôn, sẽ góp mặt trong giỏ quà tết của người viễn xứ, không ai quên bà con mình đâu”.
Làm hàng tết, ngày càng phải cạnh tranh nhiều hơn. Bây giờ người khôn, của khó, chính vì vậy, theo chị Hai Lý, các cơ sở làm hàng đặc sản phải biết liên kết từ người cung cấp nếp, chuối, đậu, thịt, trứng muối, chuối, lá chuối và cả dây lác nữa. Quan trọng nhất vẫn là người gói.Chỉ cần hở một khâu là ảnh hưởng cả dây chuyền.
Liên kết nguồn lực
Ngày nay, người dùng có xu hướng chơi tết nhiều hơn là ăn tết, nên hàng tết muốn bán được phải tinh tế, độc đáo, sắc sảo và điều đó đòi hỏi khoản đầu tư không hề nhỏ. Ông Đinh Công Minh Thông, giám đốc công ty Đinh Gia Foods, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ, nói từ cuối tháng 9, hầu như các doanh nghiệp đã vô mùa làm hàng tết. Cơ sở nào cũng tập trung lo nguyên liệu, nhân công, và đặc biệt là nguồn vốn lưu động. Đinh Gia Foods có xưởng ở Long Tuyền, năm nay kéo điện hạ thế, xưởng được mở rộng và ý tưởng mới là kết hợp combo đặc sản các loại hạt (đậu phộng, hạt điều, đậu nành, mắc ca…) với một số loại đặc sản đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Thông, dù đã lên ý tưởng nhưng để chắc ăn, công ty phải chờ thông tin phản hồi đầy đủtừ các nhà phân phối, mới tiến hành sản xuất.
Anh Nguyễn Trọng Thế, giám đốc hợp tác xã (HTX) sơ ri Bình Ân, Gò Công Đông, Tiền Giang, từng nghĩ tới việc làm kẹo, mứt, xi rô, rượu từ giống sơ ri Brazil, kết hợp với những bạn bè làm dòng sản phẩm từ hạt. Hiện nay, HTX sản xuất theo đơn đặt hàng. Tới cuối năm phải giao đủ 2,5 – 3 tấn nữa. HTX bao tiêu sơ ri Brazil với giá 6.500 đồng/kg chế biến thành mứt, các siêu thị, cửa hàng đặc sản lấy hàng của HTX về đóng giỏ quà tết. Năm nay, HTX đầu tư thêm máy làm kẹo, máy đóng gói (khoảng 300 triệu đồng).
Đổi mới cho bớt… quê
Nhiều bạn trẻ học ngành thiết kế mỹ thuật, khi xuống các doanh nghiệp, cơ sở tham gia hoạt động thiện nguyện góp ý không phải chúng ta không có người, nhưng cái chính là các chủ cơ sở đã định dạng theo kiểu làm logo với “2 bông lúa, nửa bánh răng cưa”, slogan dài như thể “nhiệt liệt hoan hô người tiêu dùng” thì tụi em không thể góp ý, thay đổi được quan niệm của họ. Như cơ sở Kim Huê của ông Lê Phước Lộc, chuyên làm khô cá lóc ở Chợ Mới, tỉnh An Giang, dù đã kiểm soát chất lượng theo chương trình HACCP, thời điểm này có mối mang lấy 5 tấn hàng tết, nhưng ông thừa nhận, khách hàng mua khô về muốn làm gì tuỳ ý, chứ cơ sở chưa chú ý tới chuyện làm nhãn mác để tạo thương hiệu, nâng cao giá trị hơn nữa.
Một Việt kiều về Cần Thơ chia sẻ cách làm hàng qua Mỹ, giới thiệu kho bãi, nhãn mác, quy chuẩn… và cách gởi hàng qua đầu mối được giới thiệu, chia lời theo doanh số, nhưng nhiều cơ sở thừa nhận: “Thà mua đứt bán đoạn chứ làm vậy cơ sở nhỏ không có vốn gối đầu, tái sản xuất mở rộng rất khó khăn!”
Dù vậy, cũng có nhiều cơ sở đã bắt nhịp được nhu cầu thị trường tết, họ đang nỗ lực để sản phẩm được chỉn chu hơn. “Cẩm Thiều đang thay đổi bao bì theo hướng thân thiện môi trường, cách tân kiểu cọ cho “tây” hơn, sang hơn theo ý khách hàng”, anh Dương Minh Trung, công ty Cẩm Thiều, Ngã Năm, Sóc Trăng, nói. Công ty mạnh dạn thuê đội ngũ làm thị trường, thiết kế mẫu, chạy quảng cáo, làm online. Năm nay, theo anh Trung, Cẩm Thiều làm hàng tết với nhiều combo. Ngoài ra, công ty liên kết với các cơ sở, công ty làm đặc sản khác như hồng sấy, trái cây sấy Đồng Tháp… để đóng giỏ quà tết.
Ngày tết, nhang là sản phẩm không thể thiếu trong đời sống văn hoá tâm linh của người Việt. Bà Ngô Song Đào, giám đốc công ty TNHH SX TM sản phẩm Thiên Phúc, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, nói hiện nay thị trường nhang lạm dụng hoá chất, mùi rất khó chịu. Nhang sinh học làm từ cây quao nước, từng là sản phẩm tham dự cuộc thi khởi nghiệp của cô giáo Ngô Song Đào, được ưa để dùng xua muỗi, vừa đo thời gian.Các chùa chiền đặt hàng nhang cúng Phật xua muỗi, phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.
Theo bà, cơ sở đã sản xuất được khá nhiều hàng tết, khoảng hai tuần nữa sẽ giao theo đặt hàng của các nhà phân phối ở Bến Tre, TP. HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hà Nội, Nghệ An, Gia Lai.
Vân Anh – Bích Ngọc (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này