
10:56 - 19/09/2019
Mekong Connect 2019: Giải pháp cho suy giảm xuất khẩu
Năm 2018, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2017, sang thị trường ASEAN đạt 24,74 tỷ USD, tăng 13,9%, Nhật Bản đạt 18,85 tỷ USD, tăng 11,8% và Hàn Quốc đạt 18,2 tỷ USD, tăng 22,8%.
Xuất khẩu gặp khó đầu năm
Còn trong năm tháng đầu năm nay, theo số liệu thống kê của tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá năm tháng đầu năm ước tính đạt 202,02 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 100,74 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 19% và 17,5% của năm tháng đầu năm 2017 và 2018. Cán cân thương mại hàng hoá tháng 5 đã thâm hụt 1,3 tỷ USD và tính chung năm tháng Việt Nam nhập siêu khoảng 548 triệu USD. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm mạnh về số lượng và giá trị so với cùng kỳ các năm trước như: gạo, cao su, cà phê.
Tình hình khó khăn xuất khẩu những tháng đầu 2019 xuất phát từ nguyên nhân gì ? Có thể kể:
Thứ nhất là, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới, bên cạnh tính chu kỳ thì còn chịu tác động của các nhân tố khác, đặc biệt là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Thứ hai, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào khu vực FDI, và trong khu vực FDI thì phụ thuộc nhiều vào một số tập đoàn lớn như Samsung. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các tập đoàn này hiện giảm mạnh. Cuối cùng là suy giảm xuất khẩu của nông nghiệp.Khác hẳn với hai năm vừa qua, năm nay xuất khẩu nông nghiệp khó khăn hơn rất nhiều, một số mặt hàng sụt giảm cả về lượng và giá, có số chỉ sụt giảm về giá.
Nếu nói riêng về nông nghiệp
Tám tháng đầu năm, mặc dù có sự nỗ lực chung của toàn hệ thống và các bộ ngành, nhưng xuất khẩu nông thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc vẫn bị sụt giảm hơn 7%. Con số sụt giảm này có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân khách quan là tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng siết chặt hàng rào kỹ thuật liên quan đến kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân chủ quan mà chúng ta làm chưa tốt. Ví dụ, công tác mở cửa thị trường mặc dù đã làm, nhưng chưa đẩy nhanh tốc độ, nên xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường, trong đó có Trung Quốc còn chậm. Bên cạnh đó, việc tổ chức lại sản xuất để đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh cũng còn chậm. Chưa kể, một lượng lớn nông thuỷ sản sang Trung Quốc giai đoạn trước kia là theo phương thức tiểu ngạch, nay đã bị siết chặt, nên sản lượng bị sụt giảm.
Hiện tại, Việt Nam có 1.300 mã truy xuất nguồn gốc và hơn 1.435 mã cho các cơ sở đóng gói.
Trái cây Việt Nam phải đáp ứng các quy trình – bao gồm giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu kỹ thuật và chứng nhận kiểm dịch thực vật – để được xuất khẩu sang Trung Quốc. Thực tế, Việt Nam đã xuất khẩu chín loại trái cây tươi sang Trung Quốc, măng cụt và các sản phẩm sữa mới đươc hai bên ký, thống nhất vào ngày 26/4. Tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc thông tin chính sách mới yêu cầu trái cây Việt Nam xuất khẩu phải có mã truy xuất nguồn gốc và mã các cơ sở đóng gói. Chưa có nhiều loại trái cây đáp ứng được đòi hỏi.Trái sầu riêng và dừa là một trong số đó.
Trên toàn quốc, khoảng 47.000ha đất được sử dụng để trồng sầu riêng. Năm ngoái, 1ha sầu riêng với năng suất trung bình khoảng 20 tấn có thể mang lại hơn 1 tỷ đồng (43.000 USD) cho một hộ gia đình. Trước đây, sầu riêng Việt Nam hầu hết được xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm nay, thị trường Trung Quốc đòi hỏi tiêu chuẩn xuất khẩu cao hơn, nên sầu riêng gặp khó. Nếu họ quy định, thậm chí nghiêm ngặt hơn, họ có thể sẽ nói không với tất cả các chứng chỉ và mã do Việt Nam cung cấp, thì lúc đó còn khó hơn nữa.
Làm gì trong tình hình hiện nay?
Mới đây, trong hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đưa ra các giải pháp hợp lý về năm việc cần thực hiện:
1/ Theo chiến lược xuất khẩu bền vững mà Chính phủ ban hành, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành khác đôn đốc thực hiện chương trình xuất khẩu trong tình hình rất đặc biệt hiện nay.
2/ Bộ sẽ phối hợp cung cấp thông tin cụ thể về thị trường, đặc biệt là tập quán kinh doanh, cũng như nhu cầu, dung lượng và cơ hội thị trường. Đặc biệt chú ý xây dựng mối quan hệ với những đầu mối về phân phối lớn tại thị trường Trung Quốc. Các thông tin thị trường cần nắm vững gồm có: thông tin về thể chế và pháp luật của nước sở tại, nguyên tắc thương mại quốc tế, trong đó có quan hệ thương mại với Việt Nam, để các bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch, chiến lược thị trường mang tính bền vững.
3/ Phối hợp các bộ ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức xây dựng, quy hoạch các ngành sản xuất, đảm bảo nguồn hàng, các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì đáp ứng các yêu cầu hàng rào kỹ thuật của thị trường Trung Quốc.
4/ Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục đôn đốc, tổ chức mở cửa thị trường; hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp sản xuất để có chứng nhận, hiệp định và thoả thuận về kiểm dịch động thực vật, cũng như các thủ tục cụ thể để mở cửa thị trường cho các nhóm ngành hàng, sản phẩm cụ thể như: rau quả, trái cây, sản phẩm chăn nuôi…
5/ Triển khai các hoạt động hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp trong công tác tiếp cận thị trường sau khi thị trường đã mở, xây dựng thương hiệu cũng như xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp thương mại…
Tóm lại, việc nông sản có tiêu chuẩn và chất lượng, số lượng chỉ mới là điều kiện cần, còn phải đáp ứng điều kiện đủ là vai trò Nhà nước và doanh nghiệp: làm sao thâm nhập được vào các kênh phân phối và đứng vững, phát triển được là một chặng đường dài gian nan. Nhưng dẫu khó, không tập trung làm thì không thể thay đổi tình hình “giải cứu liên miên” và suy giảm đều đều hiện nay.
Vũ Khánh Thọ (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này