10:36 - 19/09/2019
Mekong Connect 2019: Sống tốt nhờ thị trường ngách
Lần đầu tiên sau hơn mười năm, gạo 5% của Việt Nam quay đầu về mức giá 325 – 330 USD/tấn (tháng 11/2007). Đây là mức giá gần như thấp nhất trong lịch sử ngành lúa gạo, và nên nhớ, giá thành sản xuất mặt hàng này 2007 thấp hơn nhiều so với 2019, chắc chắn không những nông dân, mà doanh nghiệp cũng đang chịu lỗ nặng.
Trong cái khó ló cái khôn, nhiều doanh nghiệp không ỷ vào Trung Quốc, họ sống tốt nhờ bán gạo vào phân khúc thị trường ngách…
Vùng an toàn
Ông Trần Ngọc Trung, tổng giám đốc công ty Vinh Phát, cho biết gạo đồ là thế mạnh thứ hai của Vinh Phát, luôn phải cạnh tranh với nhà cung cấp Ấn Độ, Thái Lan – vốn rất mạnh ở thị trường các nước Hồi giáo. Cách đây trên mười năm, ông Trung đã nhìn ra thị trường gạo đồ và đầu tư 11 triệu USD vào nhà máy ở Phú Tân, tỉnh An Giang. Tới nay, từ con số một nhà máy, Vinh Phát có thêm ba nhà máy làm gạo đồ và một nhà máy gạo liên doanh với Singapore tại Long Xuyên, An Giang. Thị trường gạo đồ, theo đánh giá của ông Trần Ngọc Trung, cũng sôi động không kém gạo trắng, vì nhu cầu phân khúc này có hơn 1 tỷ dân Hồi giáo có nhu cầu sử dụng. Công ty Vinh Phát là khách hàng của HALAL Certification Agency (HCA). Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, giám đốc tiếp thị HCA Vietnam, thị trường này đòi hỏi nhiều yếu tố: tạo dựng lòng tin, hiểu rõ văn hoá kinh doanh… mới có thể kinh doanh tốt. Và Vinh Phát đã đáp ứng được các tiêu chí này để đang xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn gạo đồ sang các nước Hồi giáo.
“Văn hoá Hồi giáo còn khá xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam, nên doanh nghiệp cần tiếp cận và tìm hiểu nhiều hơn về văn hoá của họ. Chứng nhận HALAL là chìa khoá để tiếp cận thị trường Hồi giáo, nhưng nếu doanh nghiệp tiếp cận mà không hiểu về văn hoá, sở thích của họ, cũng khó mà bán được hàng”, bà Hằng nói.
Ngày 12/9, HCA tổ chức hội thảo về HALAL tại TP.HCM, để gia tăng nhận thức cho các doanh nghiệp khi những quốc gia Hồi giáo ban hành quy định và danh sách các tổ chức HALAL được chấp thuận. Những quốc gia Hồi giáo hoặc không theo Hồi giáo thường dựa vào danh sách này để chấp nhận, cũng như ký thoả thuận lẫn nhau giữa các quốc gia. Những mặt hàng nông sản của Việt Nam như thuỷ sản, trái cây, gạo, thực phẩm, đường… đều là những mặt hàng tiềm năng cho thị trường Hồi giáo. Để thâm nhập thị trường này, bà Hằng nhấn mạnh: các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ những quy định nơi mình muốn xuất khẩu thông qua các cơ quan chức năng, các thương vụ đại sứ quán tại nước mình muốn xuất khẩu hoặc đối tác. Ngoài việc được chứng nhận HALAL – công nhận quốc tế – các doanh nghiệp nên tìm hiểu thị trường qua những chuyến đi hội chợ, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, cũng như xác minh kỹ thông tin đối tác,
nhất là với thị trường UAE.
Hiện nay, doanh nghiệp Malaysia, Singapore dễ tiếp cận hơn UAE, đặc biệt khi Việt Nam là thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đủ lực khai thác và nghiên cứu thị trường, thì UAE là thị trường cực kỳ tiềm năng mà hầu như mọi doanh nghiệp trên thế giới đều mong muốn khai thác, theo bà Hằng.
Làm khác số đông
Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc công ty TNHH sản xuất – thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long) cho biết: nhờ bắt mạch trúng thời điểm Trung Quốc thay đổi chính sách đối với mặt hàng lúa gạo, nên công ty đã chủ động tìm kiếm thị trường khác thay thế. Công ty ký sáu hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippines, Đài Loan và thị trường Trung Đông, với hơn 300.000 tấn gạo. Công ty Phước Thành IV đã có nhà phân phối và đang đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền Gạo Phước Thành IV tại Trung Quốc và Philippines, dù thị trường Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10%, thay vì 65% như trước đây. Trong khi đó, Philippines chiếm khoảng 50%, Hong Kong 25% còn lại là Trung Đông, Đài Loan, Úc… Công ty đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 10 triệu USD trong năm 2019, tới nay đạt hơn 60%.
Phước Thành IV hiện có hơn 60 sản phẩm, trong đó nổi bật là gạo Tài nguyên, gạo Jasmine, gạo IR64, gạo thơm Lài, gạo thơm Gò Công…. “Philippines chuộng gạo thơm và rất thích ST21”, ông Thành bật mí.
Cũng tại Vĩnh Long, không dựa quá nhiều vào sản xuất lúa thường phải cạnh tranh với nhiều quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ…, ông Đoàn Văn Tài, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc hợp tác xã (HTX) SX-DV nông nghiệp Tấn Đạt, huyện Vũng Liêm, cho biết dù giá gạo xuất khẩu có thay đổi, HTX vẫn tăng diện tích lúa hữu cơ từ 40ha lên 100ha, diện tích lúa an toàn lên 500ha theo quy mô liên minh HTX và tập trung xây kho dự trữ, lắp dây chuyền chế biến đóng gói gạo hữu cơ.
Theo ông Tài, gạo thảo dược Hồng Ngọc Óc Eo, thời gian sinh trưởng bốn tháng, năng suất trên 4 tấn/ha, đang được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. HTX đã liên kết với một công ty mua toàn bộ sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ để xuất sang CHLB Đức, nên HTX mạnh dạn thuê đất (giá thuê 2 triệu/công/vụ) của nông dân trồng lúa hữu cơ.
Hiện nay, nông dân làm cho HTX được trả lương công nhật, theo tháng tuỳ vào công việc. Ngoài tiền thuê đất, 100 nông dân có thu nhập từ tiền công nhật khi làm cho HTX (khoảng 3 – 4 triệu đồng/tháng). Nhờ cách làm khác số đông mà HTX có thể cung ứng cho thị trường 15 tấn gạo/tháng, chủ yếu là hữu cơ và an toàn.
Thị trường có nhiều thay đổi
Trở lại thị trường Trung Quốc, cách nay hai năm Việt Nam gần như độc chiếm cung cấp gạo cho thị trường này, nay mọi chuyện đã khác. Tám tháng đầu năm nay, thương nhân Trung Quốc mua nhỏ giọt từ Việt Nam, vì họ có nguồn cung cấp khác từ Campuchia, khi đã mua 132.947 tấn gạo xát trắng từ nước này, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ban thư ký xuất khẩu gạo một cửa Campuchia, Trung Quốc chiếm 39% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của vương quốc này.
Trong khi đó, không chỉ tập trung vào nhập khẩu như cách nay hai năm, Trung Quốc còn đang có chủ trương đảo kho gạo, điều này dẫn tới một lượng lớn gạo được bán ra thị trường, làm tăng nguồn cung đáng kể. Số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc cho thấy nước này đã xuất khẩu trên 2 triệu tấn gạo trong tám tháng qua, tăng 71% so cùng kỳ 2018. Các chuyên gia phân tích, Trung Quốc đang thực hiện chính sách đảo kho gạo và các thương nhân quốc tế tập trung mua lượng gạo này, thay vì mua gạo mới thu hoạch từ các nước Đông Nam Á.
Bên cạnh Trung Quốc, Thái Lan cũng đang được cho là có chính sách can thiệp vào thị trường lúa gạo, khi chính phủ tăng hỗ trợ bằng việc mua gạo trợ giá cho nông dân. Chính sách này có hai khả năng tác động đến thị trường, một là nông dân sẽ giữ lúa gạo trong kho chờ giá lên, điều này cắt giảm bớt nguồn cung gạo ra thế giới, kéo giá xuất khẩu tăng. Khả năng thứ hai là doanh nghiệp sau khi mua vào (nhờ chương trình trợ giá chính phủ) sẽ tranh thủ bán gạo, làm tăng nguồn cung, tăng cạnh tranh, dẫn đến giá gạo thế giới tiếp tục giảm nữa. Những chính sách thay đổi của Thái Lan, dù kịch bản xảy ra ở khả năng nào, cũng tác động trực tiếp đến thị trường lúa gạo Việt Nam. Đây là thời gian nhạy cảm nếu nông dân, doanh nghiệp không nắm bắt thông tin tốt để có quyết định sáng suốt, sẽ thất bại.
Theo Bộ Công Thương, đến hết ngày 15/8/2019, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,24 triệu tấn gạo, thu về 1,83 tỷ USD, tăng 2,3% về lượng nhưng giảm 12,3% trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Riêng mười ngày đầu tháng 9/2019, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng giảm 5 – 10 USD/tấn so với cuối tháng 8/2019 (còn 325 – 330 USD/tấn).
Khánh An – Ngọc Bích (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này