09:55 - 08/08/2022
Khắc khoải cùng châu thổ miền Tây
Những ngày đầu tháng 8/2022, tại Cần Thơ cùng lúc diễn ra 2 sự kiện: VCCI công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp” và hội thảo chính sách bàn về “Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp” do VCCI phối hợp với Tổng lãnh sự Australia tại TP.HCM tổ chức.
Nhiều ý kiến, nhận định của các đại biểu trong và ngoài nước từ 2 sự kiện đưa ra là sự khắc khoải với châu thổ miền Tây.
3 vòng xoáy!
Hầu hết các ý kiến của các đại biểu thể hiện sự bồn chồn lo lắng không yên, dường như kéo dài một cách day dứt. Lâu nay, ĐBSCL gắn với nhiều cái “nhất”, nhưng là những kỷ lục không lấy làm vui như: cơ sở hạ tầng, giáo dục-đào tạo… yếu nhất. Lần này, VCCI một lần nữa chỉ ra: Yếu kém hạ tầng và đe dọa môi trường níu chân ĐBSCL; hiện trạng giao thông và logistics yếu kém là một trong những rào cản lớn để ĐBSCL phát triển bứt phá.
Cụ thể, ĐBSCL đang đứng trước thử thách của 3 vòng xoáy: Vòng xoáy ngân sách phản ánh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; vòng xoáy lao động xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam bộ; vòng xoáy cơ cấu kinh tế là căn nguyên của 2 vòng xoáy trên. Theo đó, VCCI cho rằng, chỉ khi phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế – xã hội – môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.
Đây là lần thứ hai VCCI công bố Báo cáo kinh tế thường niên. Thông qua báo cáo, VCCI muốn gửi đến chính quyền các địa phương, các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước thông điệp: ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển nhanh nhưng phải bền vững.
Còn nhớ, ở lần công bố báo cáo kinh tế thường niên lần đầu, VCCI đưa ra con số: Hơn 1 triệu người lao động ở châu thổ miền Tây đã di cư đi tìm việc làm ở Bình Dương. Năm nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã được một đại biểu nước ngoài chất vấn Bộ có biết chuyện hơn 1 triệu người di cư khỏi miền Tây?
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã kể nhiều câu chuyện sinh động. Trong đó có câu chuyện và kèm lời tâm sự của lão nông Lê Văn Lam, ở huyện Tân Hồng- Đồng Tháp: “Chỉ cần lúa có giá, nông dân sẵn sàng ra đồng ngủ để giữ lúa. Chứ giá lúa thấp thì nông dân sẽ bỏ ruộng, đó mới là mất an ninh lương thực”.
Hiện tại giá lúa ở miền Tây ở ngưỡng cao nhưng nông dân vẫn lo lắng vì lợi nhuận ngày càng “mỏng” đi do giá vật tư đầu vào tăng “dầy” lên. Bộ trưởng Lê Minh Hoan băn khoăn: “Đó là khoảng trống giữa chính sách đến với nông dân. Chính sách thì ở phòng lạnh, nông dân ở ngoài đồng. Trong khi nông dân là người gieo hạt giống và thả con cá đầu tiên trên mảnh đất của mình”.
Thay đổi tư duy sản xuất
Dường như lâu nay, chúng ta đề cập đến thành tựu của nông nghiệp, thường nhấn mạnh nhiều đến thành tích xuất khẩu, trong khi vẫn phải nhập khẩu khá nhiều đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fullbright cho rằng: “Nông nghiệp là điểm sáng lớn nhất, nhưng không đủ vực dậy kinh tế cả vùng ĐBSCL. Trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu và “vòng xoáy” này dẫn đến người lao động ở ĐBSCL phải di cư”. Chia sẻ với quan điểm TS Vũ Thành Tự Anh, nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đặt hàng với TS Vũ Thành Tự Anh: Bớt làm lúa thì nông dân làm gì, đó là bài toán nan giải? Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, điều cần thiết hiện nay là: “Cần thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp”.
Nhiều người đặt câu hỏi: “Thái Lan có nền nông nghiệp vượt trội hơn Việt Nam mặc dù điều kiện của họ cũng tương đương chúng ta?”. Chuyên gia Phạm Chi Lan lưu ý, muốn thay đổi trước hết phải thay đổi về tư duy. Tư duy phát triển nông nghiệp ĐBSCL phải là tư duy của cả vùng, liên kết vùng và cả liên vùng nữa vì muốn phát triển nông nghiệp ĐBSCL không thể không tính đến vai trò, sự kết nối vô cùng cần thiết với TP.HCM và Đông Nam bộ và với các vùng khác trong cả nước.
Không phải ngẫu nhiên nhiều người thường nói: ĐBSCL là vựa lúa của cả nước, là “bát cơm của châu Á”… Từ chỗ chỉ sản xuất vài triệu tấn lúa trong năm giờ châu thổ miền Tây đã vượt xa con số này. Cụ thể, với khoảng 1,7 triệu ha đất trồng lúa xoay vòng 3 vụ/năm, châu thổ miền Tây có gần 4 triệu ha trồng lúa/năm, sản lượng khoảng 25 triệu tấn/năm. Đây là con số ấn tượng, được cả thế giới biết đến và khâm phục. Đây cũng là kết quả từ những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước đầu tư đúng vào từng thời điểm như: Ngọt hoá, thoát lũ ra biển Tây gắn với sự thay đổi các cơ cấu giống lúa từ lúa mùa chuyển lên các giống lúa ngắn ngày cao sản và giờ lúa đặc sản, lúa thơm.
Niềm vui người này là nỗi lo người khác
Như đã đề cập, hiện giá lúa ở ĐBSCL ở mức cao nhưng lợi nhuận của nông dân đang “mỏng đi” do giá vật tư tăng mạnh. Trong khi năng suất lúa gần như đã “đội trần, từ 6-7 tấn/ha, cần phải tính đến lợi ích của nông dân, của doanh nghiệp trong ngành lúa gạo. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đề xuất: “Cần thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp”.
Còn nhớ cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, khi ấy chị Ba Sương (Trần Ngọc Sương – lúc đó là Giám đốc Nông trường Sông Hậu) đã mang về hàng chục chiếc máy gặt đập liên hợp để đưa vào đồng ruộng cắt trình diễn. Hồi ấy, nhiều người trầm trồ, cũng có người nhìn e dè. Thế nhưng phải mất hơn 20 năm, những chiếc máy gặt đập liên hợp hiện đại – được ví như những “con trâu sắt” mới phủ rộng khâu thu hoạch trên đồng ruộng miền Tây.
Giờ đây đã xuất hiện thêm những chiếc drone (thiết bị bay điều khiển từ xa), bay gieo sạ lúa, phun thuốc, máy cấy lúa bắt đầu xuất hiện gắn với các mô hình sản xuất lúa thông minh. Cũng cần phải nói thêm, những chiếc máy gặt đập liên hợp xuất hiện nhiều là một phần nhờ những chính sách tín dụng từ Chính phủ hỗ trợ nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi. Theo PGS-TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn Trường ĐH Cần Thơ, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp thông minh… được Chính phủ và các tỉnh thành ĐBSCL đặc biệt quan tâm.
Cùng với cả nước, châu thổ miền Tây đang đón nhận và thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” và Nghị quyết 19-NQ/TW về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nông nghiệp sẽ tiếp tục là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước đang là yêu cầu cấp bách.
TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, Cần tăng cường đầu tư cho ĐBSCL, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông. Đồng thời, tăng chất lượng, số lượng nguồn nhân lực để đảm bảo khi các nhà đầu tư đến thì có sẵn nguồn lực về lao động để đáp ứng được nhu cầu… Hiện TP Cần Thơ đang khẩn trương hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Các tỉnh trong vùng đang kỳ vọng vao Trung tâm này sẽ là lối ra cho nông sản miền Tây.
Mùa này, châu thổ miền Tây vào mùa mưa, có không ít nông dân đang mong con nước từ dòng Mekong đổ về với hy vọng có mùa nước nổi. Nhưng cũng không ít nông dân lo lắng mưa dầm máy gặt đập liên hợp khó vào đồng thu hoạch, lúa sẽ bị thiệt hại. Những đan xen hy vọng của nông dân có “mùa nước nổi” là nỗi lo của không ít nông dân đang kỳ thu hoạch như những khắc khoải của ruộng đồng miền Tây.
Theo TS Trần Khắc Tâm*/SGGP-ĐTTC
——–
(*) Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này