16:00 - 23/10/2019
Công nghệ, tiếp thị, minh bạch xuất xứ… lời giải cho bài toán nông nghiệp ĐBSCL
Tại buổi Workshop với chủ đề: Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng tổ chức ngày 21/10 vừa qua, nhiều ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp, lãnh đạo… đã gợi mở thêm nhiều giải pháp giúp gia tăng giá trị cho nông sản ĐBSCL
Buổi workshop nằm trong chuỗi sự kiện hướng đến diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2019 được tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 7/11 tới đây.
Tham dự buổi workshop, ông Steven Starmans, giám đốc điều hành Công ty Kim Della Trading & Services Co., LTD cho rằng, trong lúc chất lượng chế biến ngành thủy hải sản ĐBSCL ngày càng tốt lên. Trong khi đó, chất lượng nông sản, gạo và trái cây có thể cải thiện hơn nữa.
Ông Steven Starmans đánh giá vấn đề đau đầu ở Việt Nam hiện nay là niềm tin của người tiêu dùng với nông sản không còn như trước. Và công nghệ có thể giải quyết vấn đề này khi tăng tính minh bạch của sản phẩm. “Kế đến, nếu muốn tăng giá trị cho nông sản, lúa gạo và trái cây phải tăng cường công tác tiếp thị”.
Ông Steven Starmans gợi ý và hiến kế: Có thể nhắc đến công nghệ blockchain, xuất xứ chỉ dẫn địa lý có thể giúp người tiêu dùng biết thực phẩm họ đang sử dụng đến từ đâu, được xử lý như thế nào…
Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Hiền, nguyên giám đốc vận hành hệ thống Auchan Việt Nam nói rằng tốt gỗ hơn tốt nước sơn là chuyện muôn thuở nhưng với sản phẩm nông nghiệp đồng bằng cũng cần gia công làm cho bao bì đẹp, bắt mắt để thu hút người dùng.
Mặt khác, bản thân người nông dân phải biết mình cần gì, thị trường cần gì, nếu cứ làm theo kiểu có gì sản xuất đó thì không có lối ra.
Cũng theo ông Hiền, hiện nay chúng ta đưa ra thị trường sản phẩm có tiêu chuẩn, nhưng không biết thực sự người tiêu dùng có mong muốn những tiêu chuẩn đó hay không. “Tức là thiếu đơn vị định ra sản phẩm và chất lượng sản phẩm theo người tiêu dùng quyết định”, ông Hiền nói.
Đồng tình với các chuyên gia trên, bà Nguyễn Thị Các Thủy, đại diện Công ty TNHH Tây Cát (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, sản phẩm đặc sản bánh chuối phồng, nhờ sự kết hợp giữa mứt chuối với bánh phồng; đồng thời kết hợp với bao bì bắt mắt sẽ cho ra một sản phẩm hiện đại, nên đã nâng cao giá trị thương mại cho sản phẩm truyền thống.
Theo bà Các Thủy, để nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm nông sản, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ, tổ chức nghiên cứu từ nguyên liệu đầu vào… từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà Võ Phương Thuỷ, Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, cho biết, thời gian qua, để nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm nông sản, Sở phối hợp với ngành nông nghiệp tìm nhà phân phối, doanh nghiệp lớn để dẫn dắt chuỗi.
Nghĩa là mời doanh nghiệp về thông tin cho nông dân, cơ sở sản xuất những tiêu chuẩn sản phẩm, kể cả việc thiết kế đóng gói, bao bì nhãn mác như thế nào để đưa ra thị trường được, bà Thủy lý giải.
Cùng với đó, tỉnh Đồng Tháp còn thành lập tổ phân tích thông tin thị trường và nông sản, cung cấp các thông tin về thị trường cho hộ nông dân sản xuất, doanh nghiệp tại tỉnh nắm rõ để có định hướng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình tại sự kiện, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc công ty Sài Gòn Food kể, dòng sản phẩm cháo tươi ăn liền, từ lúc tung sản phẩm ra thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Sài Gòn Food đã nghiên cứu, thay đổi mẫu mã bao bì nhiều lần. Những nỗ lực này đã giúp Sài Gòn Food thành công trong việc chiếm lĩnh thị phần và tạo được niềm tin của người tiêu dùng.
Ra đời từ sáng kiến của mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang – Bến Tre – Cần Thơ – Đồng Tháp), được phối hợp tổ chức bởi Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao và lãnh đạo 4 địa phương và sự hỗ trợ của Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC). Mekong Connect – CEO Forum là diễn đàn thường niên dành cho doanh nhân, nhà quản lý chính quyền, các chuyên gia trong ngoài nước và các đối tượng có mối quan tâm và lợi ích liên quan đến ĐBSCL.
Các chủ đề sẽ được chia sẻ tại diễn đàn: Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng; Bắt mạch xu huớng thị trường, định hướng cho nông sản đồng bằng; Ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị; Liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa.
Trần Quỳnh (theo TGHN/BSA)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này