
09:29 - 09/03/2020
8x khởi nghiệp từ dược liệu Thiên Cấm Sơn
Từng làm việc và có nguồn thu nhập cao tại ngân hàng nhưng cô gái 8X Quách Yến Phượng vẫn quyết định bỏ ngang để khởi nghiệp với cây dược liệu ở vùng núi cấm (Thiên Cấm Sơn), An Giang…
Hướng đến sinh kế cộng đồng
Vài năm trở lại đây, thấy được tiềm năng cây dược liệu ở Thiên Cấm Sơn, nhiều bạn trẻ đã tìm cách khai thác, gầy dựng vùng sản xuất như sâm đại hành, xạ đen. Quách Yến Phượng ở TP Long Xuyên, An Giang, là một trong những điển hình thành công với sản phẩm trà xạ đen. “Khi đi học, mình nhớ người dân thường lên rẫy lấy cây dược liệu về bán, thu nhập chừng 100.000 đồng/ngày, nhưng nếu bây giờ chịu khó trồng cây xạ đen xen dưới tán rừng sẽ có sinh kế tốt hơn. Khi lập ra dự án, việc của mình là tìm đầu ra cho sản phẩm và thu mua lại nguồn xạ đen tươi cho bà con với giá cao”, Phượng khẳng định.
Dịch cây xạ đen tiết ra có các hoạt chất flavonoid, saponin triterpenoid, quinone, hỗ trợ tốt cho chức năng gan, giúp hạ men gan, giúp đào thải độc, giảm mỡ máu, giúp an thần, ổn định huyết áp… Đặc tính của cây xạ đen chịu hạn cao, ít sâu bệnh, phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại vùng đất của Thiên Cấm Sơn. Bước chân vào khởi nghiệp với loại cây thảo dược này, để có sự chủ động về nguyên liệu sản xuất, Phượng bàn bạc với ngành kiểm lâm, liên kết với người dân địa phương triển khai mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây xạ đen xen dưới tán rừng. Diện tích tối thiểu khoảng 500m2 mỗi hộ và chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm tươi.
Cây xạ đen được trồng theo hướng không sử dụng hoá chất, đảm bảo được sự an toàn. Sau khi thu hoạch, cây xạ đen được sấy lạnh ngay nhằm giữ được tối đa dược tính, cũng như giữ được màu xanh và mùi thơm đặc trưng. Phần lá khô sau khi sấy được lựa chọn để làm trà, đóng bịch, hút chân không. Sản phẩm làm ra được kiểm định, đủ chất lượng mới phân phối ra thị trường. Trong khi đó, phần thân, cành, Phượng cung cấp cho các cơ sở đông y. Phượng đã lập công ty TNHH TM – DV Thảo An Khang để tiện việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu mang tên trà xạ đen Thảo An. Hiện nay, doanh nghiệp của Phượng mới chỉ dừng lại ở việc sơ chế, sản xuất trà cung cấp ra thị trường. Trung bình mỗi tháng, ba lao động tại doanh nghiệp khởi nghiệp này sản xuất 1.800 hộp, loại 500g. Giá thành là 200.000 đồng/hộp 14 gói, trừ chi phí, lợi nhuận thu được gần 20 triệu đồng/tháng.
Chế biến sâu tăng giá trị
Còn nhớ tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao diễn ra tại TP Long Xuyên, An Giang vào tháng 3/2019, gian hàng trà xạ đen của Phượng được nhiều khách tham quan, dùng thử. Không ít người mua cả trà và cây con mang về trồng. Chỉ trong sáu ngày diễn ra hội chợ, gian hàng của công ty Thảo An Khang bán hàng trăm hộp trà, doanh thu 24 triệu đồng. Đây là con số khá tốt đối với doanh nghiệp mới chân ướt chân ráo ra mắt thị trường và được đón nhận. Hiện không chỉ ở An Giang, Phượng đã đưa sản phẩm đến với người dân nhiều tỉnh, thành như Cần Thơ, TP.HCM và đang hướng đến các thị trường Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, Long An… và khu vực miền Trung.
Mới đây, Phượng phối còn phối hợp với sở Khoa học và công nghệ An Giang, đại học An Giang, nghiên cứu sản phẩm trà xạ đen dạng túi lọc và trà hoà tan, hướng đến là những khách hàng thu nhập tầm trung. Những sản phẩm này không chỉ mang đến sự tiện dụng cho người dùng, mà còn giúp khai thác tối đa các dược chất, sẽ sớm đến với người tiêu dùng trong thời gian tới.
Năm 2019 là năm khá thành công với cô gái sinh năm 1984 khi dự án “Xây dựng mô hình kinh doanh cây dược liệu hiệu quả tại An Giang” của cô giành được giải nhì (không có giải nhất) tại cuộc thi Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long năm 2019. Dự án khởi nghiệp của Phượng cũng xuất sắc vượt qua hàng trăm dự án khác để góp mặt tại chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019, do trung tâm BSA và Trung ương Đoàn tổ chức.
Việc doanh nghiệp khởi nghiệp của Phượng kết hợp với người dân triển khai trồng cây dược liệu trên núi để bảo vệ rừng, là hướng đi được ngành kiểm lâm khuyến khích. Khát vọng của Phượng là đầu tư nguồn lực để có được quy trình chế biến hiện đại, từ đó, nâng cao giá trị nguồn tài nguyên bản địa của vùng Thiên Cấm Sơn, giúp sản phẩm vươn mạnh ra thị trường trong và ngoài nước.
Bài và ảnh Nhật Minh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này