09:24 - 04/03/2020
Covid-19 và đầu cơ nông sản
Do có tới hơn 60% sản lượng xuất sang Trung Quốc, ngành nông nghiệp đã không thoát khỏi đình trệ trước “cơn bão” Covid-19 đang diễn ra.
Dịch bệnh đã không chừa một mặt hàng nông sản nào thoát khỏi cảnh phải giải cứu, thế nhưng, nếu bình tâm suy xét sẽ thấy, những đợt giải cứu vừa qua chỉ là sự lặp đi lặp lại của một cung cách sản xuất chụp giựt, thiếu tính khoa học, bền vững. Đã đến lúc ngành nông nghiệp, như TS Lê Đăng Doanh gợi ý, phải tự mÌnh “khó tính” hơn trong làm ăn, sản xuất…
Giá giảm là cơ hội đầu cơ
Để giải quyết dứt điểm tình trạng bị động giá cả, ông Viên đề xuất mỗi tỉnh nên lập một trung tâm phân loại, bảo quản, sơ chế và chế biến nông sản chủ lực của tỉnh. Đây là một ý kiến khá hay, nếu có thêm hệ thống kho mát, kho lạnh sẽ giải quyết được vấn đề trữ hàng trong thời gian nhất định, giảm tối đa áp lực bán tươi, bán liền khi mùa vụ tới; tình trạng xuất hàng vội vã đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Giải pháp này còn có thể đưa đến cơ hội đầu cơ sinh lợi cho nông dân, doanh nghiệp.
Thử lấy một ví dụ. Cách nay hai tuần, do có hàng trăm container thanh long ách tắc ở cửa khẩu, ngay lập tức giá tại vườn rớt còn 1.000 đồng/kg. Hai tuần sau, cùng với việc Trung Quốc nới lỏng thông quan cho nhiều xe thanh long, người dân trong nước đồng loạt chung tay “giải cứu”, giá lập tức tăng lên 15.000 đồng, 20.000 và thậm chí 40.000. Là người từng lăn lộn với con gà trắng công nghiệp hàng chục năm, cũng chứng kiến nhiều đợt con gà giảm giá thê thảm, ông Nguyễn Quốc Trung, CEO công ty TNHH thực phẩm 3F Việt, khẳng định doanh nghiệp và nông dân Việt đã vuột mất cơ hội đầu cơ hiếm có khi trái thanh long giảm còn 1.000 đồng/kg. “Nếu có sẵn hệ thống kho mát, cách nay nửa tháng chỉ cần bỏ ra vài chục tỷ đồng là có thể gom được hàng ngàn tấn thanh long giá rẻ, bây giờ tung ra bán sẽ hốt bạc”, ông Trung nói.
Với con gà trắng công nghiệp, hiện giờ giá bán cũng chỉ bằng 1/3 giá thành sản xuất, tức 8.000 đồng/kg so với chi phí bỏ ra 24.000, nhưng tại 3F Việt, ông Trung quả quyết công ty vẫn sống khoẻ re vì đã đầu tư chăn nuôi, giết mổ, cấp đông, kinh doanh khép kín từ rất lâu rồi. “Chúng tôi có trang trại, có đàn gà bố mẹ, ấp trứng ra gà con nuôi thương phẩm, có nhà máy giết mổ, pha lóc, đóng gói, có kho mát, kho lạnh hoàn chỉnh để cung cấp sản phẩm cho hệ thống khách hàng đã có hợp đồng cam kết làm ăn ổn định với công ty. Thời điểm này, giá gà xuống rất thấp, khách hàng chúng tôi vẫn san sẻ lấy đúng giá hợp đồng, ngoài ra 3F Việt còn đang tích cực mua gà bên ngoài giết mổ, cấp đông đưa vào kho lạnh để trữ lại”, ông Trung thông tin thêm, và khẳng định không sớm thì muộn dịch Covid-19 rồi cũng qua, học sinh, công nhân trở lại học tập, làm việc bình thường, khi đó nhu cầu ăn gà tăng trở lại, giá cao hơn, công ty sẽ tung hàng dự trữ giá rẻ ra bán để thu về lợi nhuận.
Cơ hội là vậy, nhưng nhìn lại cả ngành nông nghiệp Việt Nam, ngoại trừ một số mặt hàng như lúa gạo, tiêu, điều, cà phê hay thuỷ sản có nhà máy chế biến, kho dự trữ đông tạm ổn, đáp ứng yếu tố đầu cơ lúc dội hàng, còn lại những sản phẩm khác, nhất là thực phẩm chăn nuôi và trái cây, hầu như có ít doanh nghiệp đầu tư bài bản. Ngành chăn nuôi, gồm heo, gia cầm, gia súc có trị giá tới 20 tỷ USD, nhưng vẫn là sản xuất, kinh doanh dưới dạng ăn tươi, bán tươi, bán gấp gáp khi tới lứa, nếu không là bị ôi, bị thối. Ngành này, đến nay chỉ nhìn thấy được hệ thống nhà máy thức ăn và trang trại đầu tư bài bản, còn hệ thống logistics nhà máy giết mổ, đóng gói, bảo quản, cấp đông, kho dự trữ lạnh hầu như chưa có. Khi con gà, con heo đầu ra gặp khó, khiến cung dư thừa phải đổ bỏ, thì chúng ta cũng không có khả năng dự trữ để phòng hờ cho thị trường thiếu hụt sau này. Và mất luôn cơ hội đầu cơ. Giá heo hơi đang tăng rất mạnh sau dịch tả châu Phi, là ví dụ rõ nhất.
“Vì nhiều lý do mà đến nay chưa có doanh nghiệp nào trong ngành hội đủ sáu năng lực, gồm chăn nuôi, giết mổ, cấp đông, trữ đông, tài chính và bán hàng, để có thể xoay chuyển tình thế khi ngành chăn nuôi gặp khó khăn”, ông Nguyễn Quốc Trung nói thêm.
Với trái cây, trong đợt giải cứu vừa qua, nổi lên hai doanh nghiệp đầu ngành là công ty cổ phần Lavifood và tập đoàn Vina T&T Group. Thế nhưng, hai nhà máy Lavifood Long An và Tây Ninh dù được đầu tư bài bản, mỗi năm có thể cung ứng lần lượt hơn 10.000 tấn thành phẩm ra thị trường và 60.000 tấn thành phẩm, thì năng lực thực tế sử dụng nguyên liệu hiện tại của họ cũng rất khiêm tốn. Ông Đặng Ngọc Cẩn, tổng giám đốc, thừa nhận công ty này phải đối mặt với rất nhiều thách thức, từ nguồn vốn đến nhân công, tiêu thụ, thị trường, kho bãi, đặc biệt là chưa có kinh nghiệm dự trữ. Còn với Vina T&T Group, dù họ đang làm rất tốt công việc xuất khẩu nhiều loại trái cây đi các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật… thu về doanh số tới hơn 30 triệu USD năm 2019, nhưng doanh nghiệp này cũng chỉ “thuận tay” với việc mua tươi, bán tươi, bán liền; chứ chưa đầu tư nhiều vào chế biến, bảo quản, kho mát, kho lạnh để có thể tính đến việc trữ hàng, đầu cơ nhằm giảm bớt khó khăn khi thị trường gặp trục trặc.
Thay đổi mọi thứ
TS Lê Đăng Doanh cho rằng, sở dĩ lâu nay chúng ta chưa “khó tính” với chính sản phẩm của mình vì nền kinh tế xưa nay phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Ngoài nhập máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, chiều ngược lại chúng ta cũng phụ thuộc thị trường này khi có đến 80% quả thanh long, dưa hấu xuất sang đây, bên cạnh đó là tiêu, cà phê hoà tan… Nói chung, chúng ta phụ thuộc đến mức quên phản xạ phải “khó tính” hơn trong làm ăn sản xuất. Nếu cứ phụ thuộc xuất thô qua đường tiểu ngạch theo hình thức mua bán tại chợ, tiền mặt trao tay như trái thanh long, dưa hấu, làm sao có thể nói đến việc hiện đại hoá, đa dạng hoá, công nghệ cao sản phẩm nông nghiệp được? Thế nên, theo ông Doanh, tình hình hiện nay có thể ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhưng hãy coi đây là cơ hội thay đổi cơ cấu, thành phần, ngành sản xuất và thay đổi chiến lược phát triển đa dạng thị trường.
Vậy thay đổi bằng cách nào? Với nông dân trồng trọt, cần bỏ ngay kiểu làm ăn tự phát, kiểu làm ăn không có hợp đồng, không nhìn thấy tín hiệu thị trường, vì điều này có nghĩa là không rõ diện tích, sản lượng, không tiêu chuẩn và đầu ra hoàn toàn phụ thuộc thương lái, phụ thuộc vào thị trường dễ tính. Muốn làm được điều này, trước hết Nhà nước phải làm tốt khâu quy hoạch, đây là điểm yếu nhất mà bao năm nay bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) chưa làm được. Do không được quy hoạch tốt, không lập chiến lược bền vững, nên cứ có một loại nông sản được giá là khắp nơi đổ xô vào làm, gây nên tình trạng dư thừa, khủng hoảng nguyên liệu, lãng phí đầu tư. Lấy ví dụ như con cá tra. Rất nhiều lần bộ NN&PTNT đã đưa ra quy hoạch diện tích nuôi, nhưng khâu chế tài không mạnh, dẫn đến dân vẫn tự do múc hầm, vẫn mạnh ai nấy nuôi, khiến sản lượng luôn bấp bênh. Nuôi ít thì được giá, nuôi nhiều thì giá rớt. Cá tra đã từng có rất nhiều lần xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa sau thời gian phát triển nóng, nhưng vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Không chỉ thi nhau đào hầm, ngay cả hệ thống nhà máy chế biến cũng vượt công suất cả gần triệu tấn nguyên liệu, rồi doanh nghiệp nào cũng đầu tư nhà máy thức ăn, cuối cùng thì cũng dư thừa, lãng phí.
Vai trò quản lý cấp bộ đã yếu, các hiệp hội ngành hàng càng yếu hơn, đến nước này, có lẽ chính doanh nghiệp và nông dân phải tự thay đổi để cứu lấy mình. Họ cần phải liên kết lại, sản xuất có kế hoạch, có hợp đồng, theo nhu cầu thị trường. Ông Đặng Ngọc Cẩn, tổng giám đốc Lavifood, nói sau “cơn bão” Covid-19, công ty phải tính lại chiến lược phát triển, bắt tay áp dụng tiêu chuẩn GlobalG.A.P. cho vùng trồng mới ngay từ đầu, để thực hiện mục tiêu mở rộng xuất khẩu sang thị trường khác như châu Âu, Mỹ. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng lập kế hoạch thúc đẩy bán hàng vào các thị trường khác, nhằm giảm thị phần ở Trung Quốc…
Bảo Anh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này