09:52 - 28/06/2022
Tìm khách nơi ‘không mợ chợ vẫn đông’
Họ là những người trẻ tuổi đã và đang đưa sản phẩm nông sản Việt đến nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính.
Kinh nghiệm tiếp khách, tìm kiếm đối tác, tìm kiếm cơ hội tại hội chợ quốc tế của những doanh nhân trẻ có nhiều điểm chung tạo nên thành công. Ghi nhận của Thế Giới Hội Nhập về chuyến thăm dò, khám phá thị trường mới của các doanh nghiệp Việt tại hội chợ Thaifex 2022 cuối tháng 5 vừa rồi tại Bangkok.
Phạm Đình Ngãi – Giám đốc Mật hoa dừa Sokfarm:
Trước khi hội chợ diễn ra nên truy cập website của hội chợ để xem số lượng doanh nghiệp đăng ký trưng bày và đăng ký tham gia.Chọn các công ty thuộc nhóm ngành mình để tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội giao thương hợp tác.
Chuẩn bị tờ rơi, profile, mẫu thử và báo giá theo Excel-Word. Đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ như Sokfarm cần chuẩn bị thêm thông tin về công suất có thể xuất khẩu trong năm nay và khả năng mở rộng trong năm sau, để khi trao đổi đối tác cũng biết quy mô, sản lượng… nhằm quyết định nhanh hơn tại hội chợ.Chuẩn bị một cuốn nhật ký, khi nhận được namecard của đối tác thì bấm trực tiếp vào sổ, ghi chép nhanh một vài thông tin đã trao đổi. Để sau khi kết thúc hội chợ gởi email cho khách hàng được cụ thể và chi tiết hơn. Chọn ra 3 – 4 từ khoá quan trọng nhất về sản phẩm của mình mà khách hàng quan tâm, như ở Sokfarm là chất tạo ngọt mới, chỉ số đường huyết thấp, giàu khoáng chất và thuần thực vật để giới thiệu đầu tiên đến khách. Khi khách quan tâm đến những chủ đề này sẽ ghé lại gian hàng của mình để tìm hiểu sản phẩm.
Luôn chủ động đón khách vào gian hàng của mình, không đợi khách vào.Có như thế mới luôn chủ động được mọi cơ hội đến với doanh nghiệp trong hội chợ.Xây dựng kịch bản cho hành trình của khách hàng khi khách bước vào gian hàng và rời khỏi gian hàng.Phải có điểm nhấn để khách hàng nhớ đến mình.
Lê Duy Toàn – Tổng Giám đốc Duy Anh Foods:
Tùy vào hội chợ mình muốn tiếp cận những khách từ nước nào.Mình có thể chuẩn bị catalogue có ngôn ngữ nước họ… đa phần phải có tiếng Anh là chính, nhưng thêm được ngôn ngữ mà công ty định hướng muốn phát triển ở thị trường đó thì tốt nhất, họ cảm thấy mình được quan tâm, tôn trọng.
Mỗi nước sẽ có những yêu cầu riêng về tiêu chuẩn, chất lượng khi nhập hàng vào.Nên bên cạnh những tiêu chuẩn mình có, phải xem xét làm thêm, nhưng kiểm tra từ phía khách hàng thuê bên đánh giá thứ ba làm. Như Duy Anh xuất hàng cho một tập đoàn ở Pháp, họ có những yêu cầu riêng và bên thứ ba tới đánh giá mình theo tiêu chuẩn khách yêu cầu.
Nhân sự đi hội chợ phải biết tiếng Anh, để trao đổi, giới thiệu với khách… Hình ảnh trang trí ở hội chợ rõ ràng để khi khách lướt ngang (chưa có ý định dừng lại gian hàng) nhưng bị phần hình ảnh ấn tượng, thu hút họ, họ sẽ đứng lại tìm hiểu sản phẩm…
Cuối cùng là nên có thêm mẫu thử cho khách dùng để có cảm nhận thực tế về sản phẩm.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group:
Ba ngày đầu Hội chợ quốc tế Thaifex 2022 tôi dành riêng cho giới doanh nhân gặp gỡ trao đổi và tìm kiếm đối tác với các khách hàng Đông Nam Á, và một số ít khách hàng đến từ Mỹ, Úc và Canada. Hai ngày cuối là mở cửa tự do cho công chúng tham quan và mua sắm.
Sản phẩm Vina T&T Group được khách hàng ưa chuộng nhất trong triển lãm là sầu riêng ri 6, dừa tươi nắp khoen, quả vải tươi, xoài cát Hoà Lộc… không những quảng bá thương hiệu sản phẩm của Vina T&T Group, mà còn đại diện sản phẩm đặc thù của từng vùng miền lãnh thổ Việt Nam.
Chúng tôi đã nhận được các đơn hàng từ đối tác: vải xuất Thái Lan; dừa xuất đi Singapore; thanh long, xoài, nhãn xuất đi Úc…. Chuyến đi này không chỉ mở rộng thị trường mà còn học hỏi nhiều kiến thức, tầm nhìn và trải nghiệm tuyệt vời cho ngành công nghiệp F&B.
Châu Nguyễn Anh Khoa – Phó Chủ tịch Green Powers:
Công ty Green Powers là đơn vị xuất khẩu các loại trái cây tươi trên 20 quốc gia, thị trường, các sản phẩm chính như bưởi da xanh, sầu riêng, dừa xiêm, các loại trái cây tươi theo mùa của Bến Tre và miền Tây.
Khi chuẩn bị đi hội chợ quốc tế Thaifex 2022, Green Powers có những nhận định quy mô, chủ đề, thành phần tham gia, lượng khách, cùng nhiều yếu tố khác nên đã đem 2 sản phẩm là quả bưởi da xanh và tinh dầu bưởi da xanh, và chuẩn bị cho mình 2 tâm thế: bán hàng và học hỏi.
“Chờ khách đến hay đi tìm khách”. Hội chợ Thaifex, ngoài phần lớn khu vực trưng bày giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia trên toàn cầu, còn một số khu vực không gian khác với nhiều tính năng, chức năng khác nhau. Như ở Thaifex, có hai khu, một là Jupiter và Jupiter Challenge, đây là khu dành cho những “buyer xịn sò” nhất của sự kiện. Họ không đi từng gian hàng tìm kiếm sản phẩm, mà các “Seller” phải đem hàng đến để giới thiệu, chào hàng cho họ.
Tôi cùng vài doanh nghiệp khác “liều mạng đột nhập”, đến từng phòng VIP Jupiter, gõ từng chỗ, mỗi phòng đều có lễ tân tiếp đón điều phối, họ kiểm tra danh sách xem mình có trong danh sách tiếp không… và dù không có nhưng hầu hết họ đều tiếp chúng tôi.
Ở đây mình học được nhiều thứ, từ cách tổ chức, tiếp xúc, trao đổi thông tin, thảo luận,… đều rất chuyện nghiệp và thân thiện. Tôi đã tiếp xúc được những tập đoàn lớn, phù hợp với sản phẩm của mình, như NTUC FairPrice Co-Operative, Minor International Group, Central Restaurants Group…
“Hãy khám phá hết mọi thứ có ở sự kiện, sẽ tìm thấy phần thưởng”. Hãy khám phá, tiếp cận, thu thập thông tin càng nhiều càng tốt tại các hội chợ quốc tế. Bởi đằng sau mỗi một gian hàng, dù lớn hay nhỏ là một câu chuyện với những sản phẩm, ý tưởng, giải pháp sáng tạo, đột phá. Kể cả doanh nghiệp có sản phẩm rất phổ thông, phố biến, nhưng họ đang phục vụ cho thị trường hàng triệu người dùng, ai cũng có những bài học đáng để mình chiêm nghiệm.
Bài và ảnh Trần Quỳnh (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
An toàn thực phẩm vẫn trong ‘vùng đỏ’
Máu me với sò huyết Ô Loan
Đường Nguyễn Trọng Tuyển một thời buồn vui
Về ăn bún gánh Huế quê mình
Đa dạng định danh số thế hệ mới
Tags:thaifex 2022
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này