15:09 - 11/04/2019
Khởi nghiệp thuận lợi nhờ kết nối nguồn lực
Năm 2018, tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4, do trung tâm BSA tổ chức, đoàn Bến Tre áp đảo cả về số lượng lẫn chất lượng với 41 dự án tham gia. Trong đó, có đến 21 dự án và ý tưởng xuất sắc lọt vào chung kết.
Các dự án đều tập trung vào phát triển tài nguyên bản địa của địa phương về nông nghiệp, du lịch sinh thái, môi trường… và xuất sắc giành giải nhất và nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích.
Nở rộ mô hình khởi nghiệp
Từ năm 2016, Bến Tre đã xây dựng chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, nhằm tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh năng động. Đánh giá về thành quả khởi nghiệp năm 2018 ở địa phương, ông Phan Văn Mãi, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch hội đồng Tư vấn khởi nghiệp Bến Tre, khẳng định: năm 2019, Bến Tre đặt ra mục tiêu là rút ra được công thức khởi nghiệp thành công để giúp cho các bạn trong hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương. Năm nay, Bến Tre sẽ có bước chuyển để giúp các bạn khởi nghiệp đã thành công có sự tập trung về chuyên môn sâu hơn, nâng chất để phát triển nhanh.Để triển khai điều này thì Bến Tre có hai chương trình lớn là ươm tạo khởi nghiệp trên lĩnh vực du lịch, và số hoá. Thứ hai là tỉnh sẽ chọn những doanh nghiệp khởi nghiệp đã có sự thành công bước đầu và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng để thực hiện chương trình “một kèm một”, để có những nhân tố tốt phát triển thành doanh nghiệp lớn.
Toàn tỉnh Bến Tre có 2.872 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thành lập mới. Trong đó có 1.590 doanh nghiệp nằm trong chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp. Thời gian qua, theo ông Lê Xuân Vinh, giám đốc trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, hội đồng Tư vấn khởi nghiệp tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ 974 ý tưởng, dự án khởi nghiệp và đã hỗ trợ trực tiếp cho 368 ý tưởng, dự án. Trong đó có 211 ý tưởng, dự án phát triển thành các hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Để giải quyết vốn cho khởi nghiệp, ngay từ khi phát động chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, Bến Tre đã hình thành và vận hành được quỹ đầu tư khởi nghiệp của tỉnh. Quỹ này huy động vốn và vận động tài trợ 100% xã hội hoá từ các doanh nghiệp, các nhà tài trợ. Hiện nay, quỹ này đang hỗ trợ cho nhiều dự án khởi nghiệp trong thời gian qua. Trong đó có hỗ trợ, giúp các dự án triển khai ý tưởng từ ban đầu để hình thành sản phẩm, thương mại hoá sản phẩm. Quỹ này cũng góp phần rất lớn trong việc bảo lãnh tín dụng cho các dự án khởi nghiệp khả thi, nhưng không có tài sản thế chấp”, ông Vinh nói.
Anh Võ Văn Phong, chủ dự án “Du lịch phát triển tài nguyên bản địa – C2T” chia sẻ: chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp ở Bến Tre tạo ra nhiều thuận lợi cho các dự án khởi nghiệp, giống như dự án phát triển du lịch C2T của mình. Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp còn mở ra nhiều lớp đào tạo từ cơ bản đến nâng cao, được hỗ trợ về chính sách, pháp lý, thủ tục hành chính, và nhất là giúp kết nối được với các nguồn lực, trong đó là nông dân để xây dựng chương trình du lịch. Thông qua chương trình kết nối này, chúng tôi đã tạo được sự khác biệt trong cách làm du lịch.Nếu không có sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo địa phương thì chúng tôi khó mà khởi nghiệp thành công”.
Đa dạng nguồn vốn khởi nghiệp
Để đạt được kết quả trong ba năm qua, Bến Tre tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ người dân, nhất là thanh niên phát huy tính sáng tạo để khởi nghiệp. Trong đó, tổ chức 687 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người khởi nghiệp và cán bộ phụ trách hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, với 36.807 lượt học viên tham gia.
Song song với lý thuyết, học viên còn được tham quan, trải nghiệm nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh, từ đó trang bị thêm những kiến thức thực tế, cần thiết, giúp nâng cao hiệu quả của chương trình. Những chuyến thực tế như thế này là tiền đề giúp những người mới khởi nghiệp tự tin, tích luỹ kinh nghiệm từ những điển hình, những doanh nghiệp thành công. Qua đó, giúp họ phát huy nội lực bản thân, tận dụng triệt để nguồn tài nguyên của địa phương, xây dựng nên những dự án thiết thực, hiệu quả và có sức lan toả trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, các chính sách dành cho khởi nghiệp của tỉnh luôn được mở rộng, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để người khởi nghiệp thực hiện niềm đam mê, khát vọng. Không chỉ với người dân Bến Tre, lãnh đạo địa phương này còn có nhiều chính sách khuyến khích thanh niên, người dân ở các tỉnh, thành khác về Bến Tre khởi nghiệp, lập thân lập nghiệp… Tổng kết sau ba năm, có đến 1.209 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp được đầu tư, hỗ trợ vốn với tổng kinh phí khoảng 1.477 tỷ đồng. Nguồn vốn này được cung cấp bởi quỹ Đầu tư khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre, quỹ Khoa học và công nghệ, quỹ Hợp tác công – tư của dự án AMD Bến Tre, nguồn vốn khuyến công, vốn vay ưu đãi của các ngân hàng thương mại và nhiều nguồn vốn lồng ghép khác…
Mục tiêu của chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, theo ông Lê Xuân Vinh là phát triển 2.500 doanh nghiệp các loại hình được thành lập mới, 25.000 hộ kinh doanh cá thể khởi nghiệp. Đến nay, chương trình đã hoàn thành trên khoảng 70%. Trong năm 2019, chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp xứ dừa tiếp tục đẩy mạnh khởi nghiệp dựa vào tài nguyên bản địa, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với đề án “Mỗi làng một sản phẩm”.
bài, ảnh Anh Tuấn (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này