
11:51 - 04/07/2020
TS Lê Nguyên Phương: Giải quyết khủng hoảng tâm lý học sinh sau biến cố
Thời gian qua nhiều biến cố đã xảy ra trong khuôn viên trường học có ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh và thành viên khác của nhà trường, chẳng hạn vụ quên học sinh trên xe suốt ngày gây tử vong tại trường Gateway ở Hà Nội, hay vụ đổ cây phượng trong sân trường THCS Bạch Đằng tại Sài Gòn.

Sự hiện diện một tổ Giải quyết Khủng hoảng Học đường [School Crisis Response Team] với các thành viên gồm ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, bảo vệ giám thị và đặc biệt là chuyên gia tham vấn hay chuyên gia tâm lý học đường, là điều cần thiết.
Học sinh bị khủng hoảng từ chấn thương tâm lý
Những tai nạn xảy ra trong môi trường học đường thường gây sự lo âu, căng thẳng, và thậm chí tức giận hơn của xã hội. Lý do không chỉ vì chúng ta trân quý thế hệ tương lai của xã hội và nhân loại hơn, mà còn vì chúng ta ý thức được các em học sinh còn non trẻ, sẽ khó có khả năng thích ứng và đối phó với những biến cố khủng hoảng đó. Điều đó cũng có nghĩa là các em sẽ có nguy cơ gặp phải những chấn thương tâm lý hơn.
Một khủng hoảng là một biến cố xảy ra trong một môi trường cụ thể mang tính bất ngờ, có nguy cơ gây ra các chấn thương tâm lý cho những người có liên quan, khiến cho họ mất khả năng đối phó và giải quyết vấn đề. Trong môi trường học đường, chúng có thể là một tai nạn xảy ra cho một học sinh hay nhân viên, một vụ tự sát hay sát nhân, một vụ ẩu đả hay tấn công có án mạng, một vụ bắt cóc, một vụ hoả hoạn… Thường một biến cố được xem là khủng hoảng khi mức độ trầm trọng của một khủng hoảng sẽ vượt quá khung nhận thức và sự phát triển não bộ và cơ chế phản ứng của nó, và tạo ra tình trạng từ nhẹ của bất an đến nặng của tuyệt vọng. Khi gặp các biến cố gây khủng hoảng như thế, nhiệm vụ của những người lãnh đạo môi trường cụ thể đó cần có những biện pháp để giải quyết vấn đề, để bảo đảm sự toàn vẹn của môi trường và an sinh của các thành viên của nó.
Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam, dường như đa số các trường khi gặp một biến cố đem đến sự thiệt hại đặc biệt về nhân mạng cho thành viên nhà trường, thì giới lãnh đạo nhà trường chỉ lo giải quyết vấn đề theo hướng “xử lý khủng hoảng truyền thông”, chứ không phải là “xử lý khủng hoảng tâm lý học sinh”. So sánh hai cách xử lý, chúng ta sẽ thấy cách nào đặt đối tượng nào vào trung tâm để hỗ trợ và giải quyết. Cách xử lý đầu tiên đặt nhà trường trong vị trí một tổ chức và các nhân sự lãnh đạo, hay quản lý tổ chức đó cần được bảo vệ thanh danh, trong khi cách xử lý sau đặt tâm lý của học sinh vào vị trí trung tâm để bảo vệ các em. Có một điều ít tổ chức nào để ý là việc giải quyết và hỗ trợ tâm lý cho trẻ sau khủng hoảng thành công, cũng sẽ giúp tổ chức ấy giải quyết được những khủng hoảng truyền thông.
Sự hiện diện một Tổ Giải quyết Khủng hoảng Học đường (GQKHHD) [School Crisis Response Team] – với các thành viên gồm ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, bảo vệ, giám thị, và đặc biệt là chuyên viên tham vấn hay chuyên viên tâm lý học đường là điều cần thiết. Số lượng các thành viên của tổ này tuỳ thuộc vào sĩ số học sinh của trường, và khi hoạt động để đối phó với một khủng hoảng cụ thể, nó còn tuỳ thuộc vào số lượng học sinh ước tính bị ảnh hưởng bởi biến cố đó. Tại Hoa Kỳ, một học khu có thể huy động nhiều chuyên viên tâm lý từ nhiều trường khác nhau trong cùng khu vực đến hỗ trợ nhân viên và học sinh của một trường, khi biến cố gây khủng hoảng vượt quá nguồn lực của nhà trường đó.
Cha mẹ cần biết cách “sơ cứu” cho con em mình khi bị khủng hoảng
Bên cạnh cơ chế và cấu trúc của mình, tổ GQKHHD còn cần một quy trình và thậm chí các mẫu mã đơn từ và tài liệu có sẵn để hoạt động. Tất cả tài liệu này được các thành viên trong tổ soạn thảo theo quy định chung và được điều chỉnh theo tình hình đặc thù của nhà trường. Tài liệu này mỗi năm đều được duyệt và ôn lại, và các thành viên của tổ đều phải ghi nhớ và thông hiểu vai trò và hoạt động của mình khi biến cố xảy ra. Chúng ta có thể so sánh nó với hoạt động và quy trình của tổ phòng cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, với tổ phòng cháy và chữa cháy, các thành viên giải quyết vấn đề chủ yếu khi hoả hoạn xảy ra, thì các thành viên trong tổ GQKHHD này chủ yếu giải quyết những hậu quả, đặc biệt là tâm lý, sau khi biến cố xảy ra.
Tại Việt Nam, trong khi chờ đợi những quy chế và sự hình thành của những tổ GQKHHD tại các trường, đặc biệt là sự minh định vai trò quan trọng của chuyên viên tâm lý học đường, thì có lẽ cha mẹ là người phải chủ động cung cấp những sơ cứu cho con em của mình khi có các biến cố khủng hoảng xảy ra.
Điều đầu tiên chúng ta có thể làm là nhận diện những dấu hiện về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của trẻ. Đối với trẻ càng nhỏ tuổi, khi ngôn ngữ và tư duy của trẻ chưa phát triển, cha mẹ cần chú ý đến hành vi của chúng hơn là điều chúng có thể phát biểu bằng lời nói. Trẻ khi có nguy cơ chấn thương tâm lý sau một biến cố tại trường, có thể sẽ có những phản ứng đặc thù như khó ngủ, ác mộng, khóc hay hoảng hốt khi xa cha mẹ, không ăn được hay bỏ ăn, nhức đầu hay đau bụng, v.v. Trạng thái tâm lý này không chỉ biểu hiện qua những hành vi tiêu biểu của sợ hãi, nhưng đôi khi lại biểu hiện qua hành vi trái ngược lại như khó chịu, bứt rứt, bướng bỉnh, la hét, nổi cơn giận, gây hấn, ẩu đả. Đối với trẻ vị thành niên, chúng ta sẽ thấy những biểu hiện rõ rệt qua trò chuyện của chúng. Chúng sẽ bị ám ảnh bởi biến cố, và do đó cũng bị ám ảnh về những chủ đề có liên quan, từ việc thắc mắc và suy diễn về những biến cố, đến bàn về cái chết hay ý nghĩa bi đát của kiếp nhân sinh.
Đối với trẻ đủ khả năng hiểu biết khi chuyện trò, chúng ta cần thẳng thắn truyền đạt sự quan sát và lo lắng của mình với trẻ; chẳng hạn: “Bố thấy trong những ngày gần đây con trở nên dễ tức giận, nạt nộ em con, và cãi lại bố mẹ. Bố thấy lo ngại về tâm trạng của con và muốn con chia sẻ với bố những gì con cảm thấy và suy nghĩ”. Lắng nghe nỗi sợ hãi của chúng với thái độ quan tâm nhưng không lo âu hay hốt hoảng, và cũng không phủ nhận, chối bỏ, không cường điệu, nhưng cũng không gạt qua những cảm xúc và phản ứng tự nhiên của trẻ. Thay vì nói: “Có gì đâu mà con lo lắng vậy” thì hãy nói: “Bố thông cảm những lo lắng của con. Khi suy nghĩ như vậy thì con lo lắng là phải”. Đây là cơ hội cung cấp cho con những thông tin trung thực của biến cố và cùng trẻ rà soát và đánh giá biến cố, để từ đó có thể hỗ trợ con điều chỉnh những nhận thức khiến con lo âu. Cũng vì thế, đây là lúc giới hạn không cho trẻ xem tivi, đọc báo, nghe đài thuật lại hay bình luận về biến cố đó, đặc biệt với tình hình truyền thông chỉ nhắm việc tung tin giật gân câu người xem đọc.
Ngoài việc đối thoại với trẻ để giúp trẻ điều chỉnh nhận thức và điều hoà cảm xúc tiêu cực sau khủng hoảng, cha mẹ cũng cần thiết lập trạng thái bình thường trong gia đình, cụ thể bằng cách duy trì các thông lệ trong gia đình, hay cả việc đi học. Trẻ sẽ cảm thấy an ninh từ sự ổn định, nhất quán lẫn dự đoán được của các thông lệ. Đây cũng là lúc tái lập lại mối nối kết, đặc biệt là tình cảm và cảm xúc giữa cha mẹ và con cái, mà đôi khi trong cuộc sống thường nhật chúng ta đã lãng quên.
TS Lê Nguyên Phương (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này