09:10 - 04/01/2018
Tìm sao Michelin cho thức ăn đường phố Sài Gòn?
Người Việt mình biết nhiều tới cao su, lốp xe mít-sơ-lanh chứ ít người biết đến ngôi sao Michelin, danh vọng bậc nhất trong nghệ thuật ẩm thực.
Vì đến tận giờ, dù có bao lời ca tụng, cả được nhận lấy hay tự khen, vẫn chưa có nhà hàng, quán ăn nào trên đất Việt có được 1 sao Michelin. Trong khi đó, tháng 12/2017 vừa qua, toàn xứ Thái Lan vừa nhận được đến 17 sao vàng.
Nói nhanh về sao Michelin. Từ cuối thế kỷ 19 khi xe hơi ra đời, hãng sản xuất lốp xe Michelin muốn khuyến khích mọi người đi nhiều hơn (để mau mòn vỏ, bán được nhiều lốp hơn), đã cho người đi nghiên cứu, ra đời cẩm nang hướng dẫn, đánh giá nhà hàng, quán ăn tốt, ngon, bằng các ngôi sao. Cũng na ná chuyện bên mình thời chưa có mạng chỉ dẫn, đi đường thấy quán xe tải đậu nhiều là tấp vô vậy mà. Rồi thời gian qua, sao vàng đó trở nên danh giá, như Oscar trong phim ảnh, có khi hơn. Vì chưa ai tự tử khi hụt Oscar chứ năm 2003, vị đầu bếp người Pháp Bernard Loiseau đã kê súng vô miệng bóp cò khi nghe phong phanh nhà hàng của mình sẽ bị rớt mất 1 sao Michelin!
Quay lại chuyện mình, sở dĩ không nói tây u xa xôi mà nói chuyện Bangkok, vì cũng giông giống Sài Gòn trong chuyện ẩm thực, và cả chuyện vỉa hè đình đám năm rồi. Trong khi tháng 12 qua, một quán ăn đường phố Bangkok được vinh danh trao tặng 1 sao Michelin (1). Liên quan gì ở đây vậy?
Liên quan vì những tương đồng và cũng rất tương phản. Bangkok và Sài Gòn luôn nằm trong bảng xếp hạng được khách du thế giới yêu thích hàng đầu, bởi sự cuốn hút của thức ăn đường phố. Tháng 4 rồi, Bangkok cũng tuyên bố dẹp hàng quán vỉa hè, nhưng nhanh chóng sửa ngay quy định khi thấy không phù hợp. Để rồi tiếp tục nhận lượng du khách viếng thăm tăng vọt, quay trở lại nhiều lần. Theo thống kê, năm 2017 có đến 33 triệu du khách nước ngoài đến Thái Lan và trên 82% quay lại. Trong số đó, không ít người đã, và sẽ đến thưởng thức món omlette cua bình dân đạt sao Michelin danh giá của bà dì Jay Phai, mà bàn ghế của quán nằm trên vỉa hè ra tới mép đường Maha Chai, quận Phra Nakon, Bangkok.
Còn bên mình, Sài Gòn, cùng nhiều thành phố lớn rùng rùng ra quân dẹp vỉa hè, hàng rong từ đầu năm – nổi bật nhất là những câu chuyện ở quận 1. Dù đã xẹp xuống, như bao lần trước đó, vẫn không có chính sách rõ ràng cho hàng quán vỉa hè. Những ngày tháng 12 này, sáng sáng vẫn dễ thấy nhân viên trật tự đô thị thu dọn bàn ghế vỉa hè ở nhiều con đường. Tương phản với Thái Lan là con số đáng ngại “một đi không trở lại” du khách nước ngoài, chỉ 5 – 6% quay lại, theo các chuyên gia độc lập, ngay cả theo số của tổng cục Du lịch là 10 – 20% (2), cũng vẫn rất tệ. Không đổ thừa hết cho chuyện vỉa hè, ẩm thực đường phố, nhưng ai cũng biết trong các tiêu chí thu hút du lịch, vai trò của chuyện ăn uống không hề nhỏ. Dẹp hết rồi lấy đâu chỗ thưởng thức, nói gì đến việc nhận sao vàng sao đỏ.
Chỉ tính nói chuyện Bangkok thôi, không lan man tới Singapore mà nhiều người Sài Gòn đang mộng mơ phấn đấu trở thành, nhưng phải đành. Vì cứ nghe nói là ở bển không hàng rong, thức ăn đường phố… nhưng thực chất, trong khu vực Đông Nam Á, Singapore mới là xứ đầu tiên thức ăn đường phố nhận sao Michelin (3). Trước Bangkok một năm – 2016. Không chỉ một, xe cơm gà của chú Chan Hon Meng và xe mì hoành thoánh chú Tang Chay Seng. Kể thêm để thấy sự lên ngôi của ẩm thực đường phố không chỉ là việc cục bộ của riêng mỗi xứ này, miệt khác.
Hiện vẫn có nhiều hội họp, chỗ này bàn về định hướng mới cho du lịch, nơi khác chuyện hè phố, hàng rong. Đã có “giải pháp” tập trung hàng rong về các khu như Nguyễn Văn Chiêm… nhưng sao không nghĩ đến sự tồn tại lâu đời, thu hút nhiều người là tính chất “rong” tiện lợi của chúng. Cũng như cái thói quen, thú vui vừa được ăn uống, vừa tận hưởng cuộc sống phố phường sinh động là nét quyến rũ khó kiếm của các nước phương Đông. Việc “street food” (ẩm thực đường phố) lên ngôi thời gian gần đây có gợn lên, có dậy nên câu hỏi nào cho những nhà làm chính sách?
Đương nhiên, không ai cổ xuý cho việc xả rác bừa bãi dơ bẩn, ăn uống mất vệ sinh, lấn chiếm tràn lan vỉa hè bít hết cả đường của người đi bộ… nhưng hàng rong, thức ăn đường phố mấy xứ khác đâu có cảnh đó. Lỗi ở ý thức người buôn bán hay là tội của những người quản lý, mà như chủ tịch UBNDTP Hà Nội đã nói rất rõ – là những người “bảo kê”, “chống lưng”…? Hỏi có phải là đã trả lời! Nếu có, có làm được chăng? Khi nào? Hay sẽ như Nam Cao ngày xưa trong trước tác của mình đã từng tiên đoán biết bao lần “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”…
Trần Thái
Theo TGTT
—————–
(1) https://www.theguardian.com/lifeandstyle/2017/dec/06/queen-of-thai-street-food-jay-fai-wins-michelin-star-bangkok-guide;
(2) http://phunuvietnam.vn/thoi-cuoc/du-khach-quoc-te-den-viet-nam-10-den-1-tro-lai-post37103.html;
(3) http://www.telegraph.co.uk/travel/destinations/asia/singapore/articles/singapore-street-food-stalls-get-michelin-star/;
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này