
15:31 - 23/01/2019
Tâm và tiền…
Có lẽ là cơn mưa cuối cùng của năm 2018 ở Sài Gòn. Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), TS Lê Hoài Quốc nhìn mưa qua khung cửa kính, chậm rãi: “đã bao năm nay rồi, cứ loay hoay câu chuyện trong nghiên cứu khoa học: bột và hồ. Nói gì thì nói, không có bột khó gột nên hồ. Cùng là những người có tâm với đất nước, muốn làm gì phải có tiền. Nghiên cứu khoa học cũng vậy…”
1. Chỉ còn ít ngày nữa, TS Quốc sẽ nhận quyết định về hưu đúng tuổi. 7 năm 2 tháng về nhận chức trưởng ban quản lý SHTP, vị cựu chủ nhiệm bộ môn cơ khí của ĐH Bách khoa TP.HCM có phần ưu ái cho hoạt động nghiên cứu khoa học với khao khát “tạo ra những sản phẩm cho thị trường nội địa”. “Mình cứ cố gắng làm trong khả năng nhưng thật lòng, không có tiền sẽ không làm gì được. Cũng có dăm ba kết quả nghiên cứu khoa học, nhưng chỉ để báo cáo cho vui, thật ra giá trị khoa học của những sản phẩm đó “chỉ làm mới vài giá trị nho nhỏ” những gì mà thiên hạ đã làm từ nhiều năm trước. Nghĩ cũng buồn, nhưng biết làm gì hơn bây giờ. Thôi, cứ liệu cơm gắp mắm”, TS Quốc bộc bạch nỗi lòng.
Cơn mưa chưa chịu dừng lại… TS Quốc tiếp tục câu chuyện. Ông nói rằng, vừa tiếp xúc với một nhóm nghiên cứu trẻ từ nước ngoài về. Họ đang làm một dự án về “gien người Việt” với nguồn vốn “tạm thời” nghe đâu chừng… 100 tỷ đồng! Ông không tiết lộ tên của nhóm nghiên cứu, nhưng cam đoan không phải là dự án nhà nước, và cũng không phải là của VinTech vừa công bố cách đây mấy hôm.
TS Quốc nói rằng, SHTP có nhiều mối quan hệ với các viện, trường đại học lớn trên thế giới, như ĐH Arizona, Illinois, Utah, California – San Francisco (UCSF)… của Hoa Kỳ; ĐH Tsukuba và Ritsumeikan, viện AIST của Nhật; TU Delf, Hà Lan, viện Fraunhofer, Đức; ĐH Buckingham và Greenwich của Anh… cùng với những chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại đây: GS Susumu Sugiyama và Kazuhiko Nakamura, là chuyên gia lĩnh vực thiết kế và chế tạo cảm biến áp suất và công nghệ bán dẫn đến từ Nhật; TS Maxime Claude Projetti, chuyên về thiết kế linh kiện MEMS đến từ Pháp… nhưng ông xin lỗi không thể chia sẻ số tiền mà ngân sách cấp cho công việc nghiên cứu. Ông chỉ nói: “Nếu làm nghiên cứu khoa học mà có tâm, càng có nhiều tiền, kết quả sẽ càng sâu, càng có giá trị. Còn ít tiền, cứ làm được vài việc mang tính dọn đường rồi để đó… Với đồng tiền ít ỏi được cấp, phải cố mà làm để đội ngũ duy trì năng lực nghiên cứu. Muốn làm nhiều mà cung cách quản lý hiện nay rất khó để làm được những gì mong muốn”.
Sài Gòn buồn hơn trong cơn mưa chiều. Bóng người loang loáng qua khung cửa kính…
2. Nói chuyện làm nghiên cứu khoa học, không thể không nhắc đến VinTech (thành viên mới của Vingroup). Chưa biết họ sẽ làm được gì, nhưng theo tiên đề mà TS Quốc đặt ra, lĩnh vực nghiên cứu khoa học của VinTech sẽ có những kết quả tích cực. “Với bản chất của doanh nghiệp tư nhân, không thể có chuyện “cất đề tài khoa học trong tủ sau khi nghiệm thu”, như lâu nay ta vẫn quen nghe”, TS Quốc nói.
VinTech đã tuyên bố dành 2.000 tỷ đồng và chừng 300 triệu USD cho các dự án nghiên cứu khoa học của họ. Mới đây họ tuyên bố dự án đầu tiên: “Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ biến dị di truyền cho quần thể người Việt” dựa trên giải trình hệ gien của 1.000 gien người Việt với nguồn tiền 4,5 triệu USD, làm trong năm năm, bắt đầu từ năm 2019. Theo quy chế của VinTech, với những đề tài cá nhân, nếu được duyệt “sẽ có tối thiểu nguồn tiền để làm là 2 tỷ đồng, làm tới đâu sẽ được cấp tiền tới đó!”
Có tiền, có mục tiêu, có cơ chế hoạt động riêng mà VinTech đã chiêu mộ nhiều tên tuổi lớn trong giới khoa học về nước làm việc với mục tiêu “cống hiến, dấn thân”. GS Nguyễn Quốc Sỹ, nguyên trưởng khoa Năng lượng plasma (ĐH Năng lượng quốc gia Nga – MEI) về làm việc với vị trí viện trưởng viện Nghiên cứu công nghệ cao (Vin Hi-Tech, trực thuộc VinTech). GS Vũ Hà Văn từ bỏ cương vị giáo sư của ĐH Yale (Hoa Kỳ), để về nước, đảm nhiệm chức giám đốc khoa học của viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (VinTech). Trước khi về nước nhận việc tại VinTech, GS Văn đã thuyết phục ông Vượng (chủ tịch Vingroup) về việc lập một quỹ hỗ trợ nghiên cứu với những cơ chế “chẳng giống ai”, để tài trợ những dự án, đề tài khoa học có giá trị thực tiễn với quy trình xét duyệt khắc nghiệt. Tư nhân là vậy, họ biết cách sử dụng đồng tiền “mồ hôi” của mình. GS Vũ Hà Văn cho rằng, ngoài việc tạo không gian làm việc cho những ai đam mê nghiên cứu khoa học, còn có mong mỏi nho nhỏ là góp phần “thay đổi bản chất nghiên cứu khoa học ở Việt Nam từ xưa đến nay, vốn nặng học thuật mà thiếu tính ứng dụng thực tế”. Ông Vượng đồng ý với yêu cầu của GS Văn.
Gần đây, khi nói chuyện với TS Mai Liêm Trực, cựu thứ trưởng bộ Bưu chính viễn thông (nay là bộ Thông tin và truyền thông) về chuyện nhà máy sản xuất smartphone VinSmart, ông nói: “Với năng lực tài chính mạnh, họ đã biết tập hợp những cá nhân giỏi. Tôi tin họ sẽ thực hiện được mục tiêu đã đặt ra. Cách làm của họ đáng để chúng ta suy nghĩ”.
Hai câu chuyện của hai thân phận khác nhau. Có tâm mà không có tiền…
bài, ảnh Trọng Hiền (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này