09:52 - 31/12/2020
Tiền rẻ và những rủi ro
Dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng dương cùng với đó thị trường chứng khoán (TTCK) đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, với nhiều dấu ấn đến từ nhà đầu tư (NĐT) cá nhân.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Giám đốc CTCK VNDIRECT, nhìn nhận hiện lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại rất lớn, ước khoảng hơn 5 triệu tỷ đồng, trong khi giao dịch trên hệ thống chứng khoán rất hạn chế. Ông Quỳnh cho rằng việc đầu tư ngắn hạn, mang tính đầu cơ sẽ không phát triển bền vững và tạo ra những biến động rất lớn trên TTCK. Chính vì vậy, VNDIRECT đã tư vấn, hướng NĐT đến chiến lược đầu tư dài hạn hơn, đầu tư theo cách phân bổ đều thu nhập hàng tháng của họ vào danh mục tùy theo khẩu vị rủi ro, từ đó tạo sự an toàn hơn.
“Bên cạnh việc gửi tiết kiệm, các NĐT đang có nhu cầu đa dạng hóa kênh đầu tư, còn TTCK có thể hấp thụ được lượng tiền của NĐT cá nhân chuyển vào TTCK một cách bền vững, phải nâng cao năng lực của NĐT để họ nhận thức được rủi ro, giúp họ lựa chọn chiến lược đầu tư mang tính dài hạn. Chính vì vậy, việc đào tạo và nâng cao kỹ năng của NĐT cá nhân vô cùng quan trọng trong thời gian tới” – ông Quỳnh nói.
“Liệu thị trường có quay lại chu kỳ “hưng phấn” như cuối năm 2017 đầu năm 2018”, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng Giám đốc CTCK Bảo Việt đặt vấn đề: Không ai nghĩ cuối năm 2020 TTCK lại có sự thăng hoa như vậy, nếu như nhìn ở thời điểm tháng 3 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường sụt giảm rất mạnh, tới hơn 30%. Kết quả này cho thấy hiệu ứng rất lớn từ tiền rẻ đổ vào TTCK và cũng thể hiện quy luật chung là nơi nào có lợi nhuận dòng tiền đổ vào. Theo ông Hòa, TTCK tăng trưởng hiện nay bên cạnh dòng tiền chuyển hướng do lãi suất giảm, còn có nguyên nhân quan trọng là dòng vốn từ các CTCK ngoại đổ vào TTCK nhiều.
“Tôi cho rằng, margin khối CTCK cuối quý III khoảng 10.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20-25% dư nợ toàn thị trường. Với xu thế 3-6 tháng tới, Việt Nam tiếp tục chịu áp lực nâng giá VND lên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngắn hạn từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan vào (hiện đang có lượng tiền vào Việt Nam nhiều nhất). Điều đó có thể là điểm lợi cho NĐT khi vay margin rẻ, gia tăng sự cạnh tranh giữa CTCK ngoại và nội” – ông Hòa nói.
Thu hút và giữ chân vốn ngoại
Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng trên thế giới cũng như Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự phát triển của công nghệ, kênh đầu tư hạn chế, tiền đổ vào chứng khoán cũng là điều bình thường. Do đó, chúng ta chưa vội vã coi đó là bong bóng để đưa ra giải pháp hành chính. Chúng ta cần thống kê, xem xét dòng tiền vào thị trường từ đâu (như margin, ngân hàng, quỹ đầu tư ngoại…) để có đánh giá chính xác hơn.
“Năm 2021, chúng ta còn nhiều dư địa cho nền kinh tế phát triển khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Còn trên thế giới, nhiều loại vaccine được đưa vào thử nghiệm là tín hiệu tốt cho kinh tế thế giới” – ông Bằng nói và dự báo năm 2021 dòng vốn rẻ vào Việt Nam vẫn tiếp tục và duy trì ít nhất là đến giữa năm 2021. Điều đó sẽ hỗ trợ tốt cho sức cầu. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, các nước sẽ giảm dần gói hỗ trợ, mặt bằng lãi suất có sự điều chỉnh và dòng tiền sẽ quay đầu. Do vậy, với dòng vốn nước ngoài, chúng ta không nên có giải pháp hành chính để can thiệp trực tiếp, mà có biện pháp gián tiếp để xử lý.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư của PVI AM, từ giữa năm tới nay, xu hướng chung của NĐT nước ngoài là rút tiền khỏi các tài sản rủi ro, trong đó có thị trường Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu do TTCK Việt Nam vẫn thuộc thị trường có nhiều rủi ro. Để thu hút dòng tiền từ toàn cầu, điều quan trọng là Việt Nam phải được nâng hạng. VN Index vượt 1.000 điểm nhưng phần lớn nhờ NĐT cá nhân và đây cũng là NĐT có khẩu vị thay đổi nhanh.
Cũng theo ông Hùng Linh, yếu tố lãi suất đang hỗ trợ rất lớn cho TTCK và “tôi có niềm tin lãi suất thấp sẽ kéo dài không chỉ năm 2021 mà đến năm 2025”. Trong bối cảnh đó, cần phải có các kênh đầu tư cho người gửi tiền có sự lựa chọn, thí dụ như trái phiếu doanh nghiệp, nhưng rất tiếc kênh này lại chưa phát triển. “Việc ai cũng lao vào đầu tư chứng khoán như hiện nay tạo cho tôi lo ngại như đã từng xảy ra ở thời điểm 2007” – ông Linh chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN, năm 2020, NĐT nước ngoài bán ròng trên TTCK Việt Nam, và một số tổ chức đầu tư giải thích họ làm như vậy vì thực thi chiến lược giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng từ Covid-19, rút bớt vốn khỏi các thị trường cận biên. Về định hướng năm 2021, tư duy xuyên suốt là tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngoại, tiến tới nâng hạng thị trường.
Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ giúp TTCK đáp ứng tốt hơn khẩu vị của NĐT chuyên nghiệp, đặc biệt ở việc cải thiện tính minh bạch của các chủ thể tham gia. Cùng với đó, theo lộ trình, từ năm 2022, các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng lớn sẽ phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế. Đây là yếu tố thuận lợi để thu hút trở lại dòng vốn ngoại.
Theo Ngọc Quang/SGGP-ĐTTC (link bài gốc)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này