
09:40 - 09/06/2016
Viện phí tăng rồi, nạn phong bì chặn được không?
Thật vô lý khi Bộ Y tế quyết tâm điều chỉnh giá viện phí để tiến đến tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nhưng lại không có chính kiến rõ ràng về chuyện đưa nhận phong bì trong bệnh viện.

Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng nhiều nhân viên y tế vẫn hết lòng vì bệnh nhân, và bản thân họ cũng chẳng muốn tồn tại nạn phong bì. Trong ảnh: Điều dưỡng làm việc tại Khoa hồi sức tích cực bệnh viện Chợ Rẫy – TPHCM.
Một tuần sau khi clip một nhân viên bệnh viện K (Hà Nội) nhận phong bì được tung lên mạng, dư luận vẫn trông chờ sự lên tiếng rõ ràng của Bộ Y tế, không thể mập mờ đúng sai bằng cách đổ lỗi cho “đời sống nhân viên y tế thấp” hoặc “văn hóa biết ơn của người Việt”.
Tranh cãi nổ ra sau khi video clip tung lên mạng.
Phe ủng hộ bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân phẫu thuật cho rằng đời sống nhân viên y tế quá thấp, không những thế tiền bồi dưỡng một ca phẫu thuật không đáng gì so với công sức bác sĩ bỏ ra.
Nhưng có người phản bác, nếu chê đời sống ngành y thấp, nhân viên y tế có quyền bỏ nghề, chọn một nghề khác để có thu nhập tốt hơn.
Còn đã làm ngành y, lý tưởng nghề nghiệp là “sinh ra để phục vụ” chứ không phải “sinh ra để kiếm tiền” trên nỗi đau của người bệnh.
Cũng nói thêm, với xu thế điều chỉnh giá viện phí hiện nay – tiến tới tính đúng, tính đủ mọi dịch vụ y tế – đời sống nhân viên y tế sẽ được cải thiện, không thể thiệt thòi mãi như thời gian qua.
Nhưng người ủng hộ nhận phong bì cũng lý luận, “văn hóa trả ơn” là đặt trưng của người Việt, vì thế có bồi dưỡng tiền bạc cho nhân viên y tế cũng là bình thường.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân nào vào viện cũng “dấm dúi” phong bì cho nhân viên y tế thì liệu nó có thành “thông lệ”?
Và người nghèo, ngoài mệt mỏi gánh nặng viện phí bỗng dưng phải oằn lưng chịu thêm gánh nặng “ơn nghĩa” của sự đời, gánh nặng mà lẽ ra họ phải được miễn trừ vì áp lực tài chính để chữa bệnh là quá lớn.
Nhân viên y tế nhận hay không nhận phong bì là câu chuyện tranh cãi và thực tế ngay cả Bộ Y tế cũng không rõ ràng.
Năm 2012, khi Bộ Y tế phát động phong trào “nói không với phong bì”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng ví “đây là cuộc đấu tranh giữa thiện – ác”, nhưng khi đăng đàn Quốc hội bà lại phủ nhận mình là tác giả phong trào mà đổ cho công đoàn ngành y tế tự ý làm (!).
Bà nói: “Cuộc vận động do công đoàn ngành y tế phát động trong khi tôi đi công tác. Khi về, tôi có ý kiến tại sao công đoàn lại tự động làm vấn đề lớn như thế. Tôi nói không phản đối, hãy để dân chúng mổ xẻ vấn đề và chúng ta sẽ giải quyết”.
Hơn ba năm sau cuộc vận động, sau những cao trào hào hứng ban đầu với đủ thứ khẩu hiệu và quyết tâm, thực tế dường như cho thấy “nạn phong bì bệnh viện” rất khó bị loại trừ.
Thật vây, dù chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện công có khá hơn trong vài năm qua, nhưng có một thực tế là tình trạng trao nhận tiền bạc không minh bạch trong bệnh viện vẫn diễn ra và đối tượng thiệt thòi luôn là người nghèo.
Những ai từng nằm viện có thể trải nghiệm những chuyện có thật: Không có tiền bồi dưỡng, một bác sĩ điều trị có thể lạnh lùng với bệnh nhân, một điều dưỡng có thể thay băng hoặc chích thuốc với động tác thô bạo khiến bệnh nhân đau đớn, hoặc một hộ lý không màng thay drap giường bất chấp đề nghị của bệnh nhân.
Vậy nếu không có tiền bồi dưỡng cho nhân viên y tế, số phận người nghèo trong bệnh viện sẽ đi về đâu?
GS-BS Phạm Gia Khải, một trong những gương mặt đáng kính của y học Việt Nam, từng chia sẻ: “Đòi hỏi phong bì là một sỉ nhục cho người cán bộ y tế. Khi đã làm nghề chữa bệnh cứu người, sự tự trọng phải là một đức tính, vòi tiền là mất tự trọng… ”
“Nếu nói “lương y như từ mẫu”, ta có mấy khi thấy mẹ vòi vĩnh con cái đâu. Nếu có hi vọng gì ở con, họ chỉ mong con biết lòng mình, khi lớn lên con biết đạo làm người”.
Vừa qua, tại hội nghị khoa học y tế công cộng toàn quốc mang tên: “Y tế công cộng Việt Nam: Thực trạng và định hướng tương lai” do hội Y tế công cộng Việt Nam và Đại học Y tế công cộng tổ chức, một báo cáo cho thấy hơn 400.000 gia đình Việt Nam đã rơi vào nghèo đói vì chi phí y tế.
Chi phí này ước tính 16 USD/hộ gia đình/tháng cho việc sử dụng các dịch vụ y tế gồm tiền khám, tiền thuốc, tiên giường, tiền xét nghiệm, nhưng chưa bao gồm chi phí đi lại và… bồi dưỡng nhân viên y tế!
Từ hội nghị này, nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ chi từ tiền túi của hộ gia đình Việt Nam chiếm hơn 50%, con số cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp và cao gấp 3 lần trung bình thế giới.
Thật vô lý khi Bộ Y tế quyết tâm điều chỉnh giá viện phí để tiến đến tính đúng, tính đủ giá dịch vụ (trong đó có việc chi trả đúng mức công sức của nhân viên y tế) nhưng lại không có chính kiến rõ ràng về chuyện đưa nhận phong bì trong bệnh viện.
Một xã hội phát triển cần có sự minh bạch trong chi trả và việc nhân viên y tế nhận tiền bệnh nhân một cách không minh bạch trong môi trường bệnh viện cần phải được trừng phạt và loại trừ.
Bình Yên
Theo VietQ.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này