08:51 - 15/03/2017
Ai làm sôi máu cạnh tranh?
Tôi muốn kể những câu chuyện đáng quan tâm về sức cạnh tranh của sản phẩm Việt.
Giả định là sản phẩm chúng ta đã vượt qua được yếu tố sát hạch cơ bản và gay gắt có tính “knock out” là chất lượng, còn lại vấn đề là “Phát triển sản phẩm mới”. Mới và độc đáo, đẹp và tiện dụng, giá hợp lý thì có sức cạnh tranh. Cuộc tạo thành sản phẩm mới với doanh nghiệp Việt giờ vẫn còn gập ghềnh lắm. Khách mua quà tặng du lịch từ Việt Nam về luôn than: giống nhau quá! Đơn điệu quá!
Sao khó thế hàng Việt ơi? Làm sao để mới, trúng xu hướng chọn mua sản phẩm của thế giới hội nhập và hứa hẹn thành công?
Câu trả lời, theo tôi, cần ba thứ: Tính sáng tạo, Tình yêu và Bản lĩnh chuyên môn.
1. Tính sáng tạo
Làm ra sản phẩm mới không phải để mới mà phải được ưa thích, phải bán được. Vậy nên phải biết xu hướng tiêu dùng của thế giới đang đi hướng nào chứ không thể quan niệm muốn mới thì cứ khác biệt, và chưa ai làm. Vì thực ra có thể đến 90% sản phẩm bạn cho là chưa có trên thị trường thực ra là đã có rồi mà chẳng qua do mình không biết mà thôi.
Các điểm tựa làm nền tảng cho sáng tạo, có thể tóm gọn mấy điểm: phát huy tính bản địa, gần gũi thiên nhiên, có ích cho sức khỏe và chú trọng tuân thủ các tiêu chuẩn (đây là lợi thế). Về tính bản địa sản phẩm thể hiện: sử dụng nguyên liệu và tài khéo của người lao động tại địa phương, góp phần bảo vệ thiên nhiên, văn hóa, di sản địa phương – tức có trách nhiệm với công đồng địa phương.
Còn gắn bó với thiên nhiên thể hiện qua không hay ít dùng hóa chất mà chủ yếu giữ nguyên đặc tính thiên nhiên, có thể chứng minh là tốt cho sức khỏe và có chú trọng thực hiện các tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất.
Tại hội chợ về thực phẩm lớn nhất thế giới ở Dubai vào cuối tháng 2 vừa qua, tôi chú ý một sản phẩm mới: mứt chà là có nhân hạt điều. Chà là vùng sa mạc vốn rất ngon nhưng hơi ngọt quá, là điều mà người tiêu dùng bây giờ hơi sợ. Vậy thì trộn với hạt điều (biết đâu chẳng là hạt điều của Việt Nam?) sẽ giảm ngọt, tăng độ ngậy và cho hương vị mới. Hoặc tác phẩm mới của nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương: những đóa hoa hồng ngũ sắc làm bằng… mứt dừa. Đó là những bông hồng được tạo hình chuẩn bởi các stylish (nhà tạo mẫu) thực phẩm, và sử dụng các màu thuần thiên nhiên: màu vàng của nghệ, xanh của lá dứa, nâu của sô cô la, tím của lá cẩm cùng màu trắng tự nhiên của cơm dừa. Yếu tố sáng tạo là cũng làm mứt dừa nhưng tạo dáng cực đẹp và nắm được xu hướng ngại hóa chất, giảm đường.
2. Tình yêu
Đầu tuần này, tại hội thảo về “Tăng giá trị sản phẩm qua thiết kế nhãn mác, bao bì” do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức, ông Lê Minh Hoan, bí thư tỉnh ủy, trưng ra hai gói “bột mắm sấy khô” của công ty Mắm Bà Giáo Khỏe 55555 và phân tích: “Khi chúng ta làm ra mắm bán thô thì An Giang đã làm ra những hộp mắm cá linh kho mía, rồi bây giờ mình biết bỏ bao, hút chân không thì họ đã làm ra sản phẩm mới: bột mắm lóc sấy khô. Người ta làm ra giá trị gia tăng cao còn chúng ta thì cứ “truyền thống” tức cứ đánh bắt hay nuôi sao thì bán y vậy. Nhức đầu lắm, các bạn không yêu sản phẩm của mình, không mỗi ngày muốn làm mới sản phẩm của mình, khiến sản phẩm hấp dẫn hơn, khiến người tiêu dùng “mắc mua” hơn thì làm sao cạnh tranh?”
“Mới đây, tôi có hỏi Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, họ cho biết cán bộ các sở bị bịnh… thiếu máu. Thiếu máu lửa thì làm sao cạnh tranh? Các bạn doanh nghiệp cũng vậy. Chưa gửi email đầu này, chưa nhắn tin đầu kia hay chạy đôn chạy đáo vì sinh lộ của mình thì làm sao có sức chiến đấu mà cạnh tranh?
Đúng như lời ông bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp nói là phải có những người chết sống vì sản phẩm của mình. Tôi biết Đồng Tháp có nhiều người như vậy. Ông Khánh, chủ cũ của công ty bột gạo lứt Bích Chi. Ông Phạm Minh Thiện của Cỏ May luôn say mê đưa ra thị trường sản phẩm mới. Mới đây, thử nghiệm thành công nước mắm chiết làm từ nấm rơm rất ngon, Thiện khoe như con nít được lì xì ngày Tết.
Tình yêu trong thị trường hội nhập cạnh tranh chắc chắn không phải là kiểu “tiếng sét ái tình” mà là tình yêu bền vững, có nung nấu, có theo đuổi, có kế hoạch và lộ trình, quyết đạt được mục tiêu đến cùng. Ai có nhiều lần thất bại khi ra sản phẩm mới, sau gian nan mới thành công, ắt hiểu thứ tình yêu đầy đam mê say đắm này.
Đó là tình yêu mà người Thái dành cho chương trình OTOP – mỗi làng một sản phẩm. Họ theo đuổi, và ngay cả một tập đoàn thương mại lớn như Central Group cũng dành hơn 10 năm để giúp các sản phẩm từ làng có thể thương mại hóa được để đưa vào trong các trung tâm thương mại năm sao. Vậy, người Việt mình, cũng có bao nhiêu khóa nghiên cứu, đi học tận bên Thái, về thử nghiệm nhiều tháng năm, bây giờ OTOP phiên bản Việt ở đâu? Phải chăng tình yêu chúng ta dành cho sản phẩm Việt của mình còn chiếu lệ, hời hợt, không sâu sắc, không bền vững như người Thái yêu sản phẩm của họ?
3. Bản lĩnh chuyên môn
Tất cả bản lĩnh sáng tạo và tình yêu, cuối cùng phải đến tay một yếu tố quan trọng: Bản lĩnh chuyên môn. Tôi nói là bản lĩnh, chứ không chỉ là khả năng.
Tác giả của hai gói bột mắm sấy khô ở An Giang mà ông Lê Minh Hoan nhắc đến đó là ông Nguyễn Phụng Hoàng. Ông Hoàng cho biết đó là do khách quốc tế đặt hàng. “Họ đặt hàng và mình phải đem tất cả khả năng ra thi thố làm hài lòng họ”.
Hay như cành hoa hồng màu brigitte của Minh Long 1, bức tượng Nhật Hoàng với những nếp áo bay nhẹ… Tất cả bằng sứ, phải làm khuôn và sản xuất với công nghệ cao “nung một lần” mà thế giới còn chưa có ai sở hữu được công nghệ này. Đó là sự phối hợp cả với công nghệ, dây chuyền sản xuất, nghệ thuật thiết kế hình ảnh, màu sắc và cả một chi tiết ít ai ngờ: chiếc máy ảnh chuyên dụng chụp sản phẩm “đẹp được như chính nó”.
Tất cả bản lĩnh chuyên môn đó kết hợp với tính sáng tạo và tình yêu nghề nghiệp vô bờ bến với sản phẩm của mình của cả gia đình ông Lý Ngọc Minh thì mới làm ra được những sản phẩm như thế.
Hay như đôi giày Hunter của nhà Biti’s. Không chỉ có marketing kiểu mới, tận dụng kỹ thuật số mà làm được tất cả. Phải có dây chuyền hiện đại đáp ứng được yêu cầu mới của sản phẩm, cả yếu tố kỹ thuật lẫn mỹ thuật, và cả nghệ thuật định giá và phân phối sản phẩm nữa, mới thành được dòng sản phẩm mới. Sức mạnh của Hunter vượt trội đến nỗi đủ sức làm mới luôn cái tên chung của “bà mẹ” Biti’s.
Kỹ thuật bao bì, bảo quản mỹ thuật… cộng chung lại hết thành ra được sản phẩm cuối cùng là cả một quá trình tích lũy về chuyên môn bền bỉ. Để sáng tạo, chúng ta cần đi tìm hiểu thị trường khắp nơi trên thế giới mà cả cách dễ làm nhất là đi dự các hội chợ quốc tế có uy tín. Tất cả túi khôn thiên hạ đều nằm ở đó. Nếu ta chịu học, và biết cách học.
Tóm lại, phải biết người, biết ta và không ngừng theo đuổi thông tin thị trường thế giới. Một trái chà là, một gói mắm cá, một sản phẩm sứ, một đôi giày… đều chất chứa trong mình cả túi khôn của thị trường thế giới, của thiên hạ.
Vì thế, cần phải có đội ngũ chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Tất cả ở Việt Nam không thiếu, nhưng đạo diễn nào, nhạc trưởng nào gom tụ họ, đốt lửa, làm sôi máu cạnh tranh trong họ? Đó chính là điều Việt Nam mình thiếu nhất nên doanh nghiệp lao đao, lủi thủi cạnh tranh riêng lẻ, không làm được chuyện đại sự!
Kim Hạnh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này