
09:25 - 08/03/2017
Ăn mảnh và lôi nhau xuống đáy
Tại cuộc toạ đàm về định hướng hoạt động và phát triển câu lạc bộ Đặc sản tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan có nói đến một thói xấu của người Việt: ít chịu liên kết với nhau, thích ăn mảnh, ăn riêng, ngoi lên chơi trội hơn người khác chứ không hoà mình cùng tìm lợi ích chung với cộng đồng.

Xúc cát san lấp mặt bằng tại phiên chợ HVVNT huyện Ngọc Hiền, Cà Mau (12 -14/12/2016). Ảnh: Trần Quỳnh.
Đó là một cản ngại lớn nếu muốn xây dựng câu lạc bộ. Nhiều doanh nhân đồng tình mổ xẻ thêm. Đó là trong xây dựng câu lạc bộ, thực tế trong kinh doanh thói “đi đêm”, “đạp người khác để giành khách hàng” còn “bạo liệt” hơn nữa.
Đi đêm, đạp nhau thủ lợi và… tất cả đều thiệt hại
Cũng từ thói ích kỷ, muốn đạp người khác để giành thắng lợi cho mình mà tình hình kinh doanh xuất khẩu của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm đến nay, dồn dập nhiều tin xấu cho xuất khẩu thuỷ sản. Úc cấm nhập cảng tôm Việt Nam. Hàn Quốc kiểm tra chất lượng tôm Việt Nam nhập cảng chặt chẽ hơn. Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo áp thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam thêm năm năm nữa. Một số siêu thị châu Âu ngưng bán cá tra Việt Nam…
Phải đắng cay nhìn nhận, một phần không nhỏ tình trạng này là hệ quả tất yếu từ thói xấu trong kinh doanh của người Việt.
Mới đây, đầu năm 2017, đài Truyền hình Cuatro của Tây Ban Nha, phát một phóng sự về chuyện nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long, kết luận cá tra nuôi ở Việt Nam không an toàn cho sức khoẻ con người lẫn môi trường.
Liên minh Nuôi trồng thuỷ sản toàn cầu (GAA) khẳng định, việc nuôi và chế biến cá tra tại Việt Nam đã tuân thủ đúng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn có tin hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản (ASC) phản ứng với việc ngưng bán cá tra Việt Nam vì theo ASC, cá tra Việt Nam vẫn đáp ứng yêu cầu về môi trường do ASC đặt định.
Rồi tôm Việt Nam cũng gặp khó. Ví dụ, Hàn Quốc đòi tôm Việt Nam phải có chứng thư kiểm dịch do giới hữu trách ở Việt Nam cấp, nhưng không cho biết họ muốn kiểm tra loại dịch nào, do cơ quan nào cấp. Thực tế, con tôm Việt Nam đang đụng phải hàng loạt “hàng rào kỹ thuật” ở các thị trường lớn (Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc). Theo một số chuyên gia, cái gốc vấn đề là do: giá bán tôm của ta càng ngày càng rẻ. Chính vì giá bán quá rẻ mà những doanh nghiệp cùng loại của các nước khác đã phải liên kết để tự vệ.
Mà hỡi ơi, xem xét thực tế thì giá thành trong nuôi – chế biến xuất cảng này không hề rẻ. Giá rẻ chỉ vì doanh nghiệp Việt Nam liên tục “đạp giá”, đi đêm với bên mua để giành hợp đồng, triệt hạ đồng nghiệp. Người xuất hàng giảm lãi, có những lô chịu lỗ khi cần “hạ đao” giết đối thủ cạnh tranh (người Việt) và sẽ lấy lô khác bù lại. Rốt cuộc chỉ có người nuôi tôm cá là chịu chết.
Hệ quả là là người nuôi tôm, cá phải giở mánh, phải làm ác. Hoặc có những người chăn nuôi có kinh nghiệm mà không lương thiện thì lén sử dụng chất cấm để thủ lợi và gây thiệt hại cho người mua sản phẩm của mình, đồng thời gây thiệt hại vô biên cho ngành kinh doanh nuôi sống mình.
Như mới đây, đi thăm một hộ kinh doanh cá tra, thì người chủ kinh doanh đang dở khóc dở cười vì sản phẩm có dư lượng thuốc cấm, hình như đã xảy ra tình trạng người nuôi cá sử dụng Dipterex vào thời điểm cắt mồi (ngưng cho ăn) trước khi thu hoạch. Mục đích là giảm thiểu tỷ lệ cá hao hụt trong thời gian thu hoạch (sẽ là dưới 1% nếu có xử lý và là trên 1,5% nếu không có xử lý). Và người hợp đồng nhờ họ nuôi gia công bị mất uy tín hoàn toàn. Họ cũng chẳng thể tiếp tục được việc nuôi cá, còn người chủ kinh doanh thì… chỉ còn nước sập tiệm.
Doanh nhân các nước rất khác mình
Tôi nhớ tới những câu chuyện bình dị về tính liên kết của doanh nhân các nước khác. Tại buổi giao lưu với doanh nhân Đài Loan, giám đốc một công ty chế biến gỗ nói rằng chị khâm phục tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các doanh nhân xứ Đài với nhau. Một lần, chị tìm mua một cái máy chế biến gỗ.
Một thương nhân Đài Loan đến chào máy nhưng không đạt. Sau đó, tự dưng chị thấy một loạt thương nhân Đài Loan khác giới thiệu những mẫu khác. Họ đã thông tin cơ hội làm ăn cho nhau. Hay chính chúng tôi nhiều lần thấy các doanh nhân Hàn Quốc, Nhật Bản cung cấp thông tin cho nhau về trường họp bị chơi xấu trong cạnh tranh, thế là tất cả họ đều chừa mặt người có “tiềm năng” gây thiệt hại cho họ.
Trị bệnh ăn mảnh hại người?
Làm sao để chưa bệnh ăn mảnh, ích kỷ thủ lợi riêng gây hại cho cộng đồng? Chắc chắn phải từ giáo dục! Và đây là một giải pháp căn cơ.
Nhưng để chữa thói ích kỷ gây hại cho lợi ích cộng đồng, cũng cần các biện pháp kịp thời.
– Cần truyền thông rõ cho nông dân, người chăn nuôi là dù họ có bỏ chất cấm rất kín đáo, vào nửa đêm, trong góc vắng, có làm “tinh vi” đến đâu thì độ tinh xảo tối đa của thiết bị và khả năng xử lý kết quả kiểm định hiện nay cũng đều phát hiện ra chất cấm.
– Cần làm cho người trồng trọt chăn nuôi hiểu rõ về những tiêu chuẩn họ phải tuân thủ và đó chính là danh dự của họ, sự sống còn, lời cam kết của họ với khách hàng. Nếu họ dám đánh mất danh dự thì “giang hồ” kinh doanh nên “cạch mặt” những kẻ bất lương để khỏi mang tiếng xấu chung.
– Các cơ quan báo đài cần lên tiếng, vạch ra tội lỗi của những kẻ làm ăn gian trá, gây thiệt hại chung cho cộng đồng, và cơ quan chức năng cũng dựa theo đó mà xử lý thật nặng để làm gương.
– Vai trò của hiệp hội ngành nghề. Đây là nơi những người chuyên nghiệp bảo vệ nhau (loại kẻ xấu khỏỉ hội) và cũng trừng trị, cách ly người bất lương ra khỏi cộng đồng (tránh lây lan, tiêm nhiễm lẫn nhau). Làm được điều này thì việc xử lý kẻ làm bậy sát sao, hiệu quả còn hơn đưa ra pháp luật.
– Trong cạnh tranh với thị trường thế giới, khó tránh khỏi những kẻ cạnh tranh kiểu bịa đặt hay cường điệu thông tin. Đội ngũ thương vụ, luật sư cần phát hiện và phản ứng kịp thời.
Nói chung, cần phản ứng đồng bộ. Và phải có nhạc trưởng. Là ai, thì Chính phủ sẽ phân công, vì hiện nay, nói đến chuyện này, ngón tay chỉ người chịu trách nhiệm sẽ chạy vòng vòng: bộ Y tế, Khoa học và công nghệ, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và môi trường…
Kim Hạnh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này