
09:13 - 01/03/2017
Chạnh lòng
Lại chạnh lòng? Chạnh lòng hoài chắc thành mãn tính quá. Đây là một gian hàng trong sân bay Bangkok… nơi tôi tạm dừng để đi tiếp tới Dubai.

Một khu trưng bày hàng “mỗi làng một sản phẩm” mang tên OTOP – chương trình khuyến khích sản phẩm của địa phương.
Nhìn không phải gian hàng mà là một góc của một cung điện, và lại có tên là OTOP. Mỗi làng một sản phẩm.
Đây là chương trình của hoàng hậu Thái Lan tổ chức để khuyến khích sản phẩm của địa phương, giúp mỗi địa phương sáng tạo, phát triển một loại sản phẩm độc đáo nhất, bằng nguyên liệu bản địa, tay nghề gia truyền của địa phương.
Đức vua Thái Lan (băng hà chưa lâu) và hoàng hậu được người dân kính yêu không phải vì trời sinh có thiên mệnh mà chính là vì họ thương dân thực sự, bằng hành động thực sự, chứ không phải bằng nghị quyết và khẩu hiệu.
Nói rằng đây là “giai cấp phong kiến” trong một nước tư bản thì chẳng thể sai được. Chạnh lòng quá. Thèm có một chương trình như vậy ở Việt Nam quá.
Không phải không có. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã từng đưa ra một chương trình cũng tên y chang vậy. Nhưng giờ nó trôi ở đâu rồi. Sau tiếng trống rình rang, giờ đi tìm cái dùi khó quá, không tìm thấy. Mà làng nào, xóm nào cũng có những cỏ cây, sông suối, cho ra biết bao là nguồn nguyên liệu quý.
Nhưng ai là người thiết tha đeo đuổi công việc sưu tầm, thiết kế, lan truyền, đeo đuổi từng sản vật như vậy ở mỗi địa phương và rồi mang sản phẩm đến nơi đẹp nhất mà mỗi ngày đều có khách khứa quốc tế đi du lịch, đi làm ăn… tức là, đều là những người giàu đang rất có nhu cầu mua sắm, sưu tầm hương vị phương xa mang về làm kỷ niệm.
Thì đây, ngoài khu vực bán nhiều loại sản phẩm độc đáo địa phương là những cửa hàng to hoành với cái tên rất gợi: Hương vị Thái Lan, Kỷ niệm Thái Lan… Mong quá, hoàng hậu, mẫu nghi thiên hạ, công chúa, thái tử… ra tay, kết nối tất cả nguồn lực các địa phương cho dân nhờ.
Có một cô gái Nhật đang ấp ủ giấc mộng phát triển sản phẩm bản địa, khơi mạnh nguồn lực du lịch sinh thái của địa phương… Việt Nam. Cô là Ino Mayu mà tổ chức Seed to Table của cô đã dời văn phòng vào TPHCM. Sau những năm cô tự nguyện đi vận động các công ty Nhật Bản hỗ trợ các dự án hướng dẫn nông dân làm nông nghiệp sạch từ Cao Bằng miền Bắc cho đến Bến Tre, thì gần đây, bộ Ngoại giao Nhật đã chính thức chấp nhận dự án hỗ trợ một số huyện của tỉnh Bến Tre xây dựng lại các sản phẩm địa phương và hình thành khu du lịch sinh thái theo chuẩn thế giới.
Mayu vừa xác định sẽ tổ chức ngày giao lưu tại Bến Tre khởi động cho việc xây dựng hợp tác xã du lịch. Vào ngày đó, bộ Ngoại giao Nhật giúp Mayu đưa đến ba chuyên gia “người thật việc thật”: ông Nasawa, nông dân trồng rau quả theo phương pháp hữu cơ.
Thành công của ông có thể diễn tả vầy, ông là nhà nông thứ thiệt, thấy việc dùng thuốc trừ sâu quá độc hại nên chuyển sang cải tạo đất để làm theo phương pháp hữu cơ. Suốt mười năm, sản phẩm làm ra giá cao ông không bán được. Ông vẫn kiên trì nuôi đất và tiếp tục gieo trồng, quảng bá sản phẩm. Rồi sản phẩm được nhà hàng lớn ở Kyoto mua. Và mùa hè vừa qua, ông bán được cho nhà hàng trong thương xá Takashimaya, Nhật.
Nói tới Takashimaya thì nhiều người Sài Gòn biết rồi, một khu thương xá sang chảnh nhất trong Saigon Centre đường Lê Lợi, quận 1. Ông sẽ đến Bến Tre ngày 8/3/2017 để nói về lợi ích và giá trị của việc làm nông hữu cơ.
Cùng với ông có người lập ra hợp tác xã Okamisan Michi, thường được gọi là “công ty chợ Các bà mẹ” hiện quy tụ 300 chị phụ nữ trong khu vực, cùng nhau trồng rau củ an toàn và mỗi tháng hai lần, họ mở tiệc buffet, bán phiếu giá 10 USD, mời mọi người tới thưởng thức các món ngon chế biến từ sản phẩm thành quả trồng trọt của chính họ. Khách đến du lịch có thể đi hái nấm, câu cá, thưởng thức các trò vui thôn dã rồi mới ăn buffet ngon buổi trưa hay chiều.
Người khách-chuyên-gia thứ ba là bà Ichu Halu chuyên gia hướng dẫn xây dựng thương hiệu, chăm sóc hình ảnh cho sản phẩm. Mayu cho biết cô đã bàn với địa phương chọn hai nguyên liệu: dừa và chuối. Cô cũng mời bà Bùi Thị Sương, chuyên gia về chế biến thực phẩm đến dạy cho các chị phụ nữ Bến Tre làm thăng hoa hai món chuối và dừa quen thuộc của tỉnh.
Bà Sương cũng mời thêm một người bạn chuyên bán hàng nông sản chế biến, một chuyên gia về mỹ thuật sắp đặt thực phẩm (food stylist). Nguồn nguyên liệu không thiếu, người có chuyên môn sâu và tấm lòng rộng mở vì cộng đồng càng không thiếu, cái thiếu là một chương trình dài hơi và có những người kết nối dám sống chết với dự án.
Tức là thiếu chất keo? Cũng không hẳn! Thiếu người kiên trì, nói ít làm nhiều. Có lẽ, ở Việt Nam, các khu du lịch sinh thái cũng có không ít. Nhưng có cách làm kết nối chặt chẽ khu canh tác hữu cơ với khu chế biến, kinh doanh thực phẩm, cũng như kinh doanh các dịch vụ vui chơi dân dã địa phương, có chuyên gia nông nghiệp, kinh doanh và xây dựng thương hiệu, truyền thống, theo dõi thường xuyên thì còn hiếm.
Chừng xây dựng được sản phẩm đặc sắc đủ “sang chảnh” rồi đem được từ khu du lịch sinh thái nông thôn về đến phi trường quốc tế, hay về đến các thương xá, trung tâm thương mại sang trọng nhiều khách Tây, thì còn bao nhiêu xa nữa?
Kim Hạnh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này