
09:19 - 23/06/2016
Phẫn nộ với thanh toán ‘kiểu BHYT’
Trong khi quy định cũ chấp nhận thanh toán bóng nong và dù bít để làm can thiệp tim mạch cho bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) thì quy định mới lại không chi trả. Kết quả là bệnh nhân BHYT chới với trước nguy cơ bỏ tiền túi ra trả.

Thiếu sót trong danh mục thanh toán BHYT gây nhiều bức xúc cho bệnh viện và bệnh nhân. Một ca thiệp tim mạch cho trẻ em.
Chiều 22/6, tại một bệnh viện trung ương trên địa bàn TPHCM, chị N.T.H, ngụ tại Bà Rịa- Vũng Tàu, tỏ ra giận dữ: “Chị tôi bị thông liên nhĩ, vào đây bác sĩ cho biết sẽ điều trị bằng cách bít dù lỗ thông với chi phí 28 – 30 triệu đồng. Nhưng sau khi làm xong, không biết nguyên cớ gì bác sĩ lại nói chi phí lại là 56 triệu đồng với lý do BHYT không chi trả dù bít. Giờ đây gia đình tôi té ngữa vì không biết lấy tiền đâu ra để đóng”.
Tiếp xúc với chúng tôi, đại diện bệnh viện cho biết thực tình vài ngày gần đây bệnh viện mới biết quy định mới (thông tư liên tịch 37/2015 của bộ Y tế và bộ Tài chính) “không đả động gì đến dù bít và cả bóng nong cho kỹ thuật can thiệp tim mạch trong danh sách kỹ thuật chi trả BHYT”.
Chính vì lý do đó mà BHYT không thể chi cho bệnh nhân.
“Trước đây theo quy định cũ, BHYT vẫn thanh toán đầy đủ, vì thế chúng tôi cứ tưởng quy định mới sẽ tiếp tục như thế. Nào ngờ khi xem xét lại chúng tôi mới tá hỏa BHYT không thanh toán. Lỗi là chúng tôi không cập nhật thông tin kịp thời nên nói đi nói lại gây thắc mắc cho bệnh nhân”, vị đại diện này nói.
Tại bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, các bác sĩ tim mạch can thiệp cũng lâm cùng cảnh ngộ.
“Trẻ em dưới 6 tuổi trước nay vẫn được BHYT chi trả 40 triệu đồng cho dù bít, nhưng nếu BHYT không chịu chi trả thì người nhà lấy đâu ra số tiền lớn như thế để thanh toán. Không phải ai cũng có khả năng tài chính để làm can thiệp tim mạch”, TS – BS Đỗ Nguyên Tín, phó khoa tim mạch, cho biết.
Vấn đề còn đi xa hơn, bởi nếu chiếu theo quy định mới, kể từ ngày 1/3/2016, thời điểm thông tư liên tịch 37 có hiệu lực, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã không thu phí rất nhiều trường hợp BHYT thực hiện kỹ thuật bít dù.
Điều này có nghĩa là bệnh viện này có nguy cơ bỏ ra số tiền đến… 8 tỷ đồng để bù lỗ!
Trong điều trị bệnh tim bẩm sinh, can thiệp tim mạch được xem là một giải pháp điều trị xen kẽ cho phẫu thuật.
Với sự tiến bộ của y học, ngày nay nhiều trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không cần điều trị bằng phẫu thuật – gây nhiều đau đớn, thời gian nằm viện dài, vết mổ phức tạp, mà chỉ cần can thiệp tim mạch (đưa bóng vào nong chỗ hẹp hoặc thả dù để bít lại lỗ thông…) – thực hiện nhẹ nhàng, nằm viện 1 – 2 ngày, không mất máu nhiều và không gây ra vết mổ dài.
Do những ưu điểm trên, can thiệp tim mạch chiếm ưu thế hơn so với phẫu thuật
Tuy nhiên, để làm được điều này bác sĩ cần đến những dụng cụ hỗ trợ chẳng hạn như bóng nong, dù bít…
Trao đổi với chúng tôi chiều 22/6, BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, thừa nhận thông tư 37 có để sót một số danh mục kỹ thuật so với thông tư cũ.
“Thông tư 43 cũ có 17.000 dịch vụ kỹ thuật được BHYT thanh toán, nhưng với thông tư 37 bộ Y tế chỉ mới ban hành giá được khoảng 1.700 dịch vụ. Những danh mục không được đưa vào lần này sẽ được áp vào danh mục kỹ thuật tương đương”.
“Chúng tôi vẫn đề nghị các bệnh viện rà soát lại tất cả những danh mục, thiếu sót gì thì báo cho sở Y tế để họ báo lên cấp trên là bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam biết. Bảo hiểm xã hội bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân không bị thiệt thòi, trước đây thế nào thì nay bệnh nhân vẫn được chi trả như thế, không có chuyện cắt giảm quyền lợi”, bà Huyền giải thích.
Cắt ngang cuộc trò chuyện với chúng tôi, BS Huyền đã gọi điện thoại cho giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1, TS – BS Nguyễn Thanh Hùng, để trấn an ông.
Gút lại câu chuyện, BS Huyền cam kết: “Ngay chiều nay chúng tôi sẽ gửi văn bản khẩn ra bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo chuyện này. Chắc chắn bệnh nhân vẫn được hưởng quyền lợi như cũ và bệnh viện cũng không lo lắng phải móc tiền túi ra bồi thường”.
Bình Yên
Theo BSA
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này