10:24 - 26/06/2023
Nên tầm soát ung thư vú từ năm 40!
Đó là khuyến cáo mới của Lực lượng đặc nhiệm các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (The United States Preventive Services Task Force – USPSTF). So với khuyến cáo cũ, khuyến cáo mới lùi độ tuổi chụp nhũ ảnh đến 10 năm.
Bệnh đang trẻ hoá
Lý do USPSTF thay đổi khuyến cáo là vì ngày càng có nhiều phụ nữ tuổi 40 mắc ung thư vú. John Wong, giáo sư trường Y khoa Tufts, thành viên nhóm đặc nhiệm cho biết: “Giờ đây việc tầm soát ung thư vú hai năm/lần kể từ 40 tuổi có thể cứu được cuộc sống của khoảng 20% phụ nữ”. Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ Mỹ bên cạnh ung thư da, và là nguyên nhân gây tử vong thứ nhì của những cái chết ở phụ nữ có liên quan đến ung thư. Thống kê cho thấy mỗi năm có 43.000 phụ nữ Mỹ tử vong vì bệnh này.
Tại Việt Nam, tình hình ung thư vú cũng tương tự. Theo số liệu của GLOBOCAN (tổ chức Quan sát ung thư toàn cầu) năm 2020, ung thư vú ở nước ta đứng đầu trong 5 loại bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ – chiếm 25,8% số ca mắc mới. Sau đó là ung thư phổi, đại tràng, dạ dày và gan. Như thế cứ 4 phụ nữ Việt Nam mắc ung thư thì có 1 người mắc ung thư vú.
Ung thư vú ở Việt Nam cũng đang có xu hướng trẻ hoá như thế giới. Tại một hội thảo phòng chống ung thư cuối năm qua ở Hà Nội, TS – BS Bùi Vinh Quang, giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990, và các ca mắc mới ngày càng trẻ hóa theo thời gian.
Trong những năm qua, các bệnh viện ung bướu ở nước ta ghi nhận ngày càng nhiều những phụ nữ khoảng 40 tuổi, thậm chí có người độ tuổi 20 đã bị ung thư vú. Cho đến nay giới chuyên môn vẫn chưa biết rõ tại sao ung thư nói chung và bệnh thư vú nói riêng lại trẻ hoá. Họ phỏng đoán nó liên quan đến những thay đổi mạnh mẽ trong lối sống con người như tăng tỷ lệ béo phì; ít vận động; sử dụng nhiều thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn. Gần đây, người ta còn nói đến tình trạng ô nhiễm vi nhựa.
Giới chuyên môn cho rằng những yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ ung thư vú ở nữ giới là: tuổi tác, di truyền, lối sống sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ có thói quen hút thuốc, uống rượu bia trong vòng 5 năm kể từ khi bắt đầu chu kì kinh nguyệt có đến 70% khả năng phát triển ung thư trước tuổi 50 cao hơn những người không hút thuốc.
Tranh cãi về khuyến cáo
Chụp X quang ngực (chụp nhũ ảnh) được xem là tiêu chuẩn vàng cho tầm soát ung thư vú. Nhiều chuyên gia về ung thư vú ủng hộ việc tầm soát sớm bệnh từ năm 40 tuổi. Thậm chí có tổ chức nghề nghiệp và chuyên gia còn muốn USPSTF khuyến cáo làm mỗi năm chứ không phải 2 năm như khuyến cáo mới nhất.
Theo họ, việc hẹn chụp nhũ ảnh cách năm sẽ khiến phụ nữ khó nhớ hơn là hẹn hàng năm.Và quan trọng hơn, việc tầm soát cách năm có thể khiến những khối u không bị phát hiện có nhiều thời gian để phát triển.
Maxine Jochelson, trưởng bộ phận dịch vụ nhũ ảnh của Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ), nói: “Khoảng cách 2 năm có thể cho phép một khối u ác hung hãn phát triển đáng kể, giảm cơ hội chữa lành của bệnh nhân và khiến họ mất thêm thời gian cho việc điều trị bổ sung”.
Thật ra khuyến cáo do USPSTF đưa ra chỉ mới ở dạng dự thảo. Khuyến cáo được đăng tải công khai trên trang web của USPSTF để nhiều người góp ý trước khi tổ chức này công bố khuyến cáo chính thức vào tháng 6.
Cũng lưu ý, khuyến cáo này chỉ áp dụng cho những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú mức độ trung bình, còn người có nguy cơ cao – như gia đình có người thân bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng hay người có mô vú dày đặc (ít mỡ, nhiều mô liên kết), phụ nữ mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 – thì phải tư vấn riêng với bác sĩ để tìm kiếm biện pháp tầm soát ung thư vú tốt nhất.
Tuy nhiên cũng có người không đồng tình với việc chụp nhũ ảnh tầm soát ung thư vú hàng năm, vì theo họ chụp nhũ ảnh có thể cho kết quả dương tính giả, khiến phụ nữ lo lắng và căng thẳng khi bệnh viện gọi lại để làm các bệnh pháp chẩn đoán khác để xác định.
Nhưng Jochelson chống lại quan điểm này. Bà nói: “Tôi chia sẻ với lo lắng của phụ nữ khi được bệnh viện mời quay lại để kiểm tra, nhưng phần lớn họ sau đó cho kết quả bình thường và cuộc sống vẫn đi tới tốt đẹp” .
Ung thư vú: tin giả và sự thật
1. Mặc áo lót chật gây ra ung thư vú: SAI – Không có bằng chứng nào chứng minh điều này cho dù áo lót chật có thể gây ra khó chịu. Tương tự, cũng không có bằng chứng việc không mặc áo ngực làm giảm nguy cơ ung thư vú.
2. Đau ngực là dấu hiệu của ung thư vú: SAI – Đau ngực thường không phải là dấu hiệu của ung thư vú. Thực tế có lẽ chỉ 1% phụ nữ sẽ được chẩn đoán ung thư vú sau khi cảm thấy đau ngực. Theo Hội Ung thư Hoa Kỳ, những dấu hiệu phổ biến của ung thư vú là xuất hiện khối u mới ở vú, tụt núm vú, tiết dịch bất thường ở núm vú, tăng kích thước hay thay đổi hình dạng vú, sưng hạch, lõm da vú, thỉnh thoảng đau ở vú hay núm vú. Tuy nhiên, nhiều triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh lành tính.
3. Ăn nhiều đường sẽ bị ung thư vú: SAI – Đường không có ích cho sức khoẻ, nhưng nó không gây ra ung thư vú. Nhiều bác sĩ khuyên bệnh nhân giảm ăn đường vì nó có thể gây béo phì và bệnh tật. Tăng cân và béo phì có thể làm tăng tần suất của nhiều loại ung thư, nhưng bản thân đường không làm cho khối u phát triển như đồn đãi. (Nguồn: Quỹ Ung thư vú quốc gia Hoa Kỳ)
Trọng Nhân (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Những người hùng thầm lặng trong chiến tranh
Bánh bèo của người Hời?
Chỗ đứng của món Việt
Chợ Thái tưởng gần mà xa
Một góc nhìn về cuộc hợp tác chiến lược, lâu dài của nước Đức và Trung Quốc
Tags:ung thư vú
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này