08:53 - 10/03/2016
Ai trả giá cho 1.000 tỷ đồng kết dư quỹ BHYT?
Tại buổi họp phối hợp công tác giữa bộ Y tế và TPHCM ngày 6/3, không ít người phải giật mình với con số dự kiến kết dư
1.000 tỷ đồng của quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2015.
Giật mình vì con số này đối lập với những khổ sở mà bác sĩ và người dân lãnh nhận khi tham gia dịch vụ BHYT.
Bác sĩ không còn thời gian cho bệnh nhân
Không ai biết khi báo cáo điều này tâm trạng của đại diện Bảo hiểm xã hội TPHCM như thế nào, nhưng có điều, dưới góc độ quản lý ngành y tế, phó giám đốc sở Y tế Phạm Khánh Phong Lan cho rằng “sở rất đau khổ”.
Không đau khổ sao được khi thử hỏi bất kỳ một bác sĩ điều trị nào trong công việc có liên quan đến BHYT, gần như đa số họ đều bày tỏ nỗi bất bình về những ràng buộc và quy định khắc nghiệt của BHYT.
Bất bình đầu tiên là những thủ tục hành chính liên quan đến chi trả, thanh toán khi bác sĩ chỉ cần ghi sai một chi tiết, một từ ngữ chuyên môn hay một con số là phía BHYT sẵn sàng từ chối thanh toán.
Một bác sĩ làm việc tại viện Tim TPHCM có lần than thở vì 2/3 thời gian làm việc hàng ngày của người thầy thuốc phải dành cho công việc của BHYT, nghĩa là hoàn tất các biểu mẫu và hồ sơ sao cho vừa lòng bên chi trả. Ông nói: “Thời gian còn lại thật ít, liệu người thầy thuốc còn thời gian nào để lo cho bệnh nhân”.
Vì những khắt khe của BHYT, rốt cục người bác sĩ chỉ biết làm theo quy định đặt ra, có muốn hết mình với bệnh nhân hoặc chí ít làm đúng chuyên môn cũng không được, vì cuối cùng họ sẽ đối đầu với những rắc rối của BHYT, thậm chí còn phải bỏ tiền túi ra chi trả.
Hậu quả là bệnh nhân chịu thiệt thòi. “Còn bác sĩ nào dám áp dụng những cập nhật chuyên môn để làm lợi cho bệnh nhân nữa, cứ làm theo quy định của BHYT cho khoẻ thân”, bác sĩ này nói.
Đồng tình chuyện này, một bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, nói: “Tôi không biết làm gì mà BHYT cứ suốt ngày tìm kiếm các sơ suất trong hồ sơ, giấy tờ để không chi trả. Họ chỉ muốn có lợi cho mình mà không biết đến nỗi khổ của bệnh nhân”.
Vì những khắt khe trong thanh toán của BHYT mà năm qua bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM phải lập hẳn một tổ xử lý hồ sơ BHYT, gồm một bác sĩ và vài điều dưỡng để chỉ làm công việc duy nhất là rà soát mọi hồ sơ cho đúng yêu cầu, để BHYT không quấy rầy và chịu chi trả theo quy định.
Bác sĩ và điều dưỡng có nghiệp vụ chuyên môn là điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Nhưng đến lúc này họ lại được huy động làm công việc “đối phó” với BHYT. Chắc phải gọi đùa bác sĩ này có bằng “chuyên khoa BHYT”, một chuyên khoa mà không một trường y nào trên thế giới giảng dạy!
Phải thừa nhận một điều bảo hiểm xã hội cần làm đúng phận sự của mình, bảo vệ nguồn quỹ để không bị thất thoát và nhất là tránh bị lạm dụng. Nhưng nếu cứ chăm chăm vào việc bảo vệ nguồn quỹ để rồi làm khổ bác sĩ điều trị và gián tiếp làm khổ bệnh nhân thì vui sướng gì?
Bệnh nhân mất cơ hội chữa trị
Tại hội nghị ngày 6/3, giám đốc bệnh viện Nhân dân 115 Phan Văn Báu cho biết BHYT không thanh toán bệnh nhân chạy thận đầy đủ. Đáp trả, đại diện Bảo hiểm xã hội thành phố nói họ chỉ chi trả… theo giá nhà nước.
Một câu trả lời hững hờ và vô cảm. Hoá ra cơ quan chức năng này chỉ biết làm theo quy định, bất chấp thiệt thòi của bệnh nhân, không dám đề xuất giải pháp có lợi cho “khách hàng” của mình.
Trước con số báo cáo kết dư 1.000 tỉ đồng của quỹ BHYT, bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Liệu quỹ kết dư thật hay do BHYT không thanh toán hết cho bệnh nhân?” Một câu hỏi không nhận được trả lời từ phía Bảo hiểm xã hội TPHCM.
Về phần mình, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan bức xúc: “Để có được 1.000 tỉ đồng kết dư là những lời oán trách, phàn nàn của bệnh nhân, là việc nhiều bệnh nhân mất đi cơ hội chữa trị và sự đấu tranh mệt mỏi của các bệnh viện trong chi trả BHYT”.
Cần nhớ, đây không phải lần đầu tiên BHYT bị oán trách. Quy định mua BHYT theo hộ gia đình hết “thắt vào” rồi “mở ra” từng gây mệt mỏi cho người dân. Mới nhất, đầu năm nay quy định bệnh nhân BHYT phải có giấy hẹn tái khám gây biết bao phiền hà cho người bệnh lẫn cơ sở khám chữa bệnh.
Một lãnh đạo sở Y tế TPHCM, bộc bạch: “Những quy định như thế dường như được ban hành bởi người làm việc trong phòng máy lạnh, vì họ không biết nỗi khổ của người dân thực tế như thế nào”.
Bao giờ bảo hiểm xã hội mới mang lại lợi ích thực sự cho người sử dụng dịch vụ BHYT, chứ không phải những lợi ích lý thuyết trên giấy tờ?
Châu Giang
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này