12:30 - 27/01/2019
Lơ chích ngừa, bệnh sởi đến hẹn là… ‘phát’!
Cứ 4 – 5 năm một lần dịch sởi lại bùng phát, và năm nay chu kỳ đó có thể lặp lại ở nước ta khi số ca bệnh đang tăng cao tại một số địa phương những ngày qua.
Nguyên nhân được lý giải, vẫn là do cộng đồng lơ là chích ngừa.
Chị Nga, 32 tuổi, chủ một công ty khởi nghiệp tại TP.HCM, có con mười tháng tuổi, nhưng từ khi bé chào đời đến giờ chị không cho con chích ngừa bất kỳ mũi nào. Người phụ nữ từng du học sáu năm tại Đức, nói: “Tôi theo trào lưu sống thuận tự nhiên của phương Tây nên không muốn con chích ngừa. Tôi chịu trách nhiệm về sức khoẻ của con mình”.
Trong khi đó, chị Hằng, 29 tuổi, ngụ tại quận 7, TP.HCM, cho con chích ngừa mũi sởi đầu tiên vào tháng thứ chín, nhưng đến mũi thứ hai vào 18 tháng như khuyến cáo chị lại ngần ngừ không cho chích. Chị giải thích: “Bác sĩ nói nếu chích ngừa trẻ bảo vệ được 85% thôi. Con bà chị họ tôi chích ngừa sởi đầy đủ mà nó vẫn mắc bệnh, vậy cho trẻ chích làm gì. Bớt chích mũi nào, trẻ càng đỡ đau đớn, nóng sốt hay quấy khóc chừng đó”.
Nhưng lý do trẻ bỏ chích ngừa nhiều nhất vẫn là tâm lý hoang mang lo sợ của nhiều bậc phụ huynh trước những ca tai biến nặng xảy ra sau chích ngừa thời gian qua. Mới có đứa con trai đầu lòng bảy tháng tuổi, nhưng anh Lâm, kỹ sư tin học một công ty tại quận 8, TP.HCM, cho biết có lẽ anh không cho con chích ngừa những mũi còn lại, dù trước đó bé chích ngừa đầy đủ. Anh giải thích: “Để xem tình hình thế nào, vì một số trẻ tử vong sau chích ngừa làm tôi khá lo sợ”.
Theo BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, khi trẻ chích ngừa sởi mũi đầu lúc chín tháng tuổi chỉ 85 – 90% đáp ứng tỷ lệ miễn dịch, vì thế y học khuyến cáo chích nhắc lại cho trẻ lúc 18 tháng tuổi, nhưng phụ huynh thường quên. Nên cứ sau 4 – 5 năm, số không đáp ứng miễn dịch với sởi cộng dồn lại rất nhiều. Những trẻ này là đối tượng nhiễm bệnh,lây lan cho cộng đồng, khiến sởi bùng phát”.
Thật ra trước cả TP.HCM, từ tháng 8/2018, sởi đã bùng phát tại tỉnh Đồng Nai, với số ca tăng đột biến vài chục ca bệnh mỗi tháng trong khi trước đó không có ca mắc nào. Hiện tại, tình hình vẫn chưa mấy cải thiện khi trong hai tuần đầu năm 2019 cả tỉnh có hơn 200 ca bệnh sởi, trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận.
Theo một bác sĩ chuyên ngành nhiễm trùng, do Đồng Nai nằm sát TP.HCM, nên từ năm qua không ít chuyên gia đã cảnh báo TP.HCM cần tăng cường phòng chống dịch. Tuy nhiên, do sự giao lưu đi lại dễ dàng giữa các địa phương, nên mầm bệnh có thể “chu du” đi khắp nơi.
Nhưng không chỉ các nước đang phát triển, mà cả các nước phát triển cũng bị ám ảnh về bệnh sởi. Năm qua, châu Âu cũng ghi nhận số ca sởi tăng cao kỷ lục với hơn 41.000 ca mắc chỉ trong sáu tháng đầu năm và 37 ca tử vong, trong khi số ca mắc của cả năm 2017 là 23.927 và năm 2016 chỉ là 5.273. Nguyên nhân bùng phát, theo các chuyên gia, cũng do người dân bỏ bê chích ngừa.
Thực tế dù là bệnh quá quen thuộc với con người, nhưng vẫn là một trong những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, vì dễ lây lan và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây chết người.
Trên trang cá nhân, BS nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo cho biết một bệnh nhân sởi có thể lây bệnh cho người khác cao nhất trong tám ngày, bốn ngày trước phát ban và bốn ngày sau phát ban. Chị nói: “Lý do y khoa sợ sởi và khuyến cáo chích ngừa sởi cho mọi trẻ từ chín tháng tuổi trở lên, vì sởi có thể gây biến chứng nặng nề ở trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, và người già, hoặc những người có bệnh mãn tính gây suy giảm miễn dịch như HIV, lao, suy thận, bệnh lý tim mạch, hoặc bệnh ung thư đang điều trị… Những biến chứng sởi có thể gây tử vong gồm viêm phổi, viêm não hoặc biến chứng thai kỳ ở thai phụ. Chưa kể những biến chứng khác “đỡ sợ” như viêm tai giữa, viêm phế quản”.
Thực tế sởi hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng việc chích hai mũi vắc xin lúc chín tháng và 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, theo một bản tin của tổ chức Y tế thế giới (WHO) cuối tháng 11.2018, trong nhiều năm liền độ bao phủ toàn cầu của mũi chích ngừa sởi đầu tiên chỉ đạt 85%, khá xa so với mục tiêu 95% cần thiết để ngăn chặn bệnh bùng phát, khiến nhiều người trong cộng đồng dễ mắc bệnh này. Trong khi đó, độ bao phủ của mũi chích ngừa sởi thứ hai còn thấp hơn nữa, chỉ được 67%.
Cho đến nay, mọi bằng chứng khoa học đều xác nhận chích ngừa là biện pháp phòng bệnh sởi tốt nhất.Theo các chuyên gia, không phải mọi trẻ chích ngừa đều được bảo vệ 100%, vì vẫn có một tỷ lệ nhỏ vẫn mắc sởi. Nhưng trong trường hợp này, theo BS Huyên Thảo, bệnh của trẻ đã chích ngừa sẽ bớt nặng và ít biến chứng đáng kể so với trẻ không chích ngừa. Chưa kể, khi chích ngừa sởi, trẻ còn giảm được nguy cơ lây nhiễm sởi cho cộng đồng chung quanh.
Tâm An (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này