11:34 - 21/07/2022
Gần 3.600 loại thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế được gia hạn lưu hành
Danh mục vừa được Bộ Y tế gia hạn đăng ký lưu hành gồm 2.694 thuốc sản xuất trong nước, 806 thuốc nước ngoài và 79 vắc-xin, sinh phẩm.
Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) Vũ Tuấn Cường vừa ký công văn thông báo gia hạn 3.579 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vắc-xin và sinh phẩm y tế gồm: 2.694 thuốc trong nước, 806 thuốc nước ngoài và 79 vắc-xin, sinh phẩm, nâng tổng số thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế được gia hạn qua 2 đợt lên gần 10.000.
Đây là đợt công bố thứ 2 về gia hạn hiệu lực số đăng ký, đồng thời đây là số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vắc-xin, sinh phẩm y tế… có giấy đăng ký lưu hành hết hạn ngày 31/12/2022 được công bố gia hạn hiệu lực số đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Trước đó, đầu tháng 6/2022, Cục Quản lý Dược thông báo 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vắc-xin và sinh phẩm y tế gồm 4.631 thuốc sản xuất trong nước, 1.427 thuốc nước ngoài và 193 vắc-xin, sinh phẩm y tế hết hạn trước 30/6 được gia hạn hiệu lực số đăng ký.
Các thuốc điều trị được gia hạn thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như thuốc điều trị bệnh đường hô hấp, dạ dày, kháng sinh, thuốc hạ sốt giảm đau… Danh mục thuốc được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược.
Đối với các thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong danh mục đã thực hiện thay đổi, bổ sung hoặc có đính chính thông tin liên quan đến giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, doanh nghiệp xuất trình văn bản phê duyệt hoặc xác nhận của Bộ Y tế với các vị liên quan để thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế, thống kê từ 34 Sở Y tế, 21 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường Đại học cho thấy: 40/55 Sở Y tế và bệnh viện Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc.
Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền…
Nguyên nhân xảy ra tình trạng thiếu thuốc được Bộ Y tế cho rằng việc tổ chức đấu thầu tập trung triển khai chậm; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ cũng thẳng thắn chỉ ra còn có tình trạng chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương sợ trách nhiệm, không dám làm.
Theo D.Thu/Người Lao Động
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này