
11:42 - 29/07/2022
Biến đổi khí hậu tiếp tay cho bệnh dịch
Trong tuần đầu tháng 7, cả nước có 92.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH)và 36 ca tử vong. TP.HCM là nơi SXH hoành hành nhiều nhất với 25.000 ca mắc (tăng hơn 200 % so với cùng kỳ 2021) và 13 ca tử vong.

Lão nông Bạc Liêu bên ruộng lúa bị hạn hán tàn phá năm 2016. BĐKH năm này ảnh hưởng đến sức khoẻ nhiều người dân. Ảnh: MĐ.
Bệnh truyền nhiễm tăng mạnh
Dịch SXH tập trung ở phía Nam và đang lan ra cả nước. Theo các chuyên gia, SXH năm nay bùng phát mạnh là do chủng D2 chiếm ưu thế. Chủng này có độc lực mạnh nhất trong 4 chủng, khiến bệnh lây lan nhanh. Tuy nhiên, thời tiết mưa nắng bất thường kết hợp nóng, ẩm nhiều do biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh. Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC khẳng định: “Dịch SXH là một trong những hậu quả của BĐKH”. Mối quan hệ giữa SXH và thời tiết tại Việt Nam đã được chứng minh trong một nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí Global Health Action năm 2014. Trong nghiên cứu này, nhà khoa học phân tích đợt bùng phát SXH tại Hà Nội vào năm 2009 với hơn 16.000 ca mắc, nhiều nhất trong giai đoạn 2002 – 2010. Đáng nói trong năm đó, hoạt động thời tiết bất thường El Nino và La Nina cũng tăng mạnh ở nước ta.
Trước đó, vào năm 1998, mối quan hệ trên còn rõ hơn. Nắng nóng kỷ lục El Nino và mưa bão bất thường La Nina nối tiếp nhau góp phần gây ra một cơn dịch SXH nghiêm trọng ở 57/61 địa phương, khiến 235.000 người mắc bệnh và 377 ca tử vong.
Nhưng không chỉ SXH, BĐKH cũng có thể làm bùng phát các bệnh truyền nhiễm như cúm A/H5N1, tay chân miệng, tiêu chảy, dịch tả; gia tăng khả năng xâm nhập và lan truyền các bệnh sốt rét, viêm não Nhật Bản. Các nhà khoa học giải thích, khi khí hậu ấm lên, nhiều vùng đất sẽ trở thành địa điểm lý tưởng cho dịch bệnh hoành hành. Tương tự, thời tiết phù hợp cũng làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển của nhiều vi khuẩn, côn trùng, vật chủ mang bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve).
Nhiều hậu quả sức khoẻ khác từ BĐKH
Tháng 9/2021, hơn 200 tạp chí y khoa thế giới, trong đó có những tạp chí hàng đầu như Lancet, New England Journal of Meidicine, cùng lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước hợp tác chống lại BĐKH, được gọi là “mối đe doạ lớn nhất cho y tế công cộng toàn cầu”. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), BĐKH làm suy giảm những thành tố môi trường góp phần tạo nên sức khoẻ con người như không khí sạch, nước uống an toàn, lương thực đầy đủ. WHO dự báo, từ 2030 – 2050 BĐKH sẽ khiến thế giới có thêm 250.000 ca tử vong hàng năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy và sốc nhiệt. Đến năm 2030, thiệt hại sức khoẻ hàng năm toàn cầu trực tiếp do BĐKH có thể từ 2 – 3 tỷ USD.
Tại nước ta, những năm qua ảnh hưởng của BĐKH lên sức khoẻ ngày càng rõ rệt và đa dạng.Năm qua, nhiều địa phương ở miền Bắc và miền Trung có nắng nóng 37 – 400C, thậm chí có nơi trên 400C. Ở Hà Nam, 9 người phải nhập viện do say nắng, say nóng, trong đó một người tử vong trước khi vào viện. Năm 2015 – 2016, nắng nóng và hạn mặn kỷ lục ở miền Tây cũng làm cuộc sống người dân đảo lộn.Nhiều người không đủ nước uống và sinh hoạt, sức khoẻ họ bị ảnh hưởng trong thời gian dài, đặc biệt phụ nữ và trẻ em.
Theo các chuyên gia sức khoẻ, những biểu hiện của BĐKH (lụt lội, bão tố, hạn hán, nắng nóng quá kỷ lục) còn gây ra những vấn đề tâm thần (lo âu, trầm cảm, tự tử), làm tăng các bệnh tim mạch, thần kinh và hô hấp, gây biến chứng thai kỳ. Tại Đài Loan, người ta thấy ở những vùng nhiệt độ trung bình 23oC, khi nhiệt độ tăng cao 1oC thì số người trầm cảm nặng tăng thêm 7%.
Ngành y tế TP.HCM ứng phó với biến đổi khí hậu
Tại hội thảo khoa học “Biến đổi khí hậu và sự tác động đến sức khỏe người dân TP.HCM” vào tháng 6/2022, các chuyên gia dự báo BĐKH sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe người dân TP.HCM, nơi dễ bị ngập nước, làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và gia tăng dịch bệnh. Ngoài ra, nhiệt độ tăng và hiệu ứng đảo nhiệt cũng tác động tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng.Năm qua, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn.Trong kế hoạch này, HCDC sẽ xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BĐKH của ngành y tế TP.HCM.
Vô Thường (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này