07:49 - 12/03/2016
Về rừng ‘ăn ong’, ngon hết biết
Mắm nhộng ong mật và rượu nọc ong vò vẽ có thể nói là hai thứ lâm hào của xứ Cà Mau. Một buổi tối giữa tháng giêng, chúng tôi được nhà báo Huỳnh Lâm đãi mấy thứ của ngon vật lạ chưa bao giờ có dịp ăn qua.
Mỹ tửu nọc ong vò vẽ
Lồng trong bữa ăn là câu chuyện chế biến món ăn khá là ly kỳ. Để có được món rượu nọc ong vò vẽ, phải có nghề, có đảm lượng. Khi thấy được một tổ ong vò vẽ lớn, người ăn ong phải đợi cho chúng đủ lớn. Thời gian đó phải quan sát xem ong vào tổ hướng nào và bay ra hướng nào. Xác định được lối “exit” của ong rồi mới đặt bẫy.
Một lít rượu nọc ong vò vẽ Lâm mang tới đãi khách là kết quả từ một tổ ong vò vẽ lớn và năm lít rượu Phú Lễ do chính tay anh bắt ong. Ong vò vẽ ban đêm vốn rất ghét ánh đèn. Khi thấy ánh đèn chúng sẽ “đánh” vào ánh đèn đó. Để nhử cho ong đánh vào đèn và thu được nọc ong, người bẫy cho rượu vào một thùng đựng sơn nước đã rửa sạch. Lâm kể: “Tôi cho rượu vào cái thùng sơn Expo”.
Thùng sơn màu trắng nên phải dùng giấy đen bao lại để ánh sáng đừng lọt ra. Phía trên miếng thùng, người bẫy dùng một bóng đèn LED treo cố định. Bóng đèn rọi ánh sáng vào đúng chính giữa thùng rượu. Thùng bẫy được đặt ngay hướng ong “exit”.
Sau đó người bẫy mới dùng cây sào dài treo lên để đứng đằng xa chọc vào ổ ong. Bị chọc, lại nhìn thấy ánh sáng đèn trong thùng sơn, vốn là loài ong dữ dằn, chúng điên cuồng bay xuống đánh vào ánh sáng. Và đương nhiên chúng sẽ lọt gọn lỏn vào thùng sơn đựng rượu.
Kết quả là thợ bẫy ong Lâm đã thu được mẻ rượu ong chính hiệu. Lâm nói: “Mấy ổ ong vò vẽ mà người ta bắt về bán cho các nhà hàng làm rượu, ong đã không còn nọc bao nhiêu đâu!” Tối hôm ấy, lần đầu tiên, chúng tôi được thưởng thức thứ rượu ưu mỹ ấy. Nước rượu màu vàng óng, ngon ơi là ngon.
Lâm hào mắm nhộng ong mật
Đi kèm với món rượu là món mắm nhộng ong mật cũng ngon ba chê. Mắm nhộng không có mặn, chỉ hơi mặn, chua chua, thơm thơm, béo béo, bùi thì đúng hơn.
Lâm giải thích: mắm này của ông Phan Văn Rí. Ban đầu làm ăn chơi. Thấy ngon quá, lại có nguồn nhộng dồi dào của rừng U Minh, ông bắt đầu lập hãng sản xuất mắm ong Hai Ngò. Bạn bè chế cái tên Rí kỳ, nên chuyển thành Ngò.
Lâm kể bí quyết: “Nhộng ong mật mà đem luộc nó sẽ bấy không ngon. Phải trụng dầu sôi trên chảo rồi vớt ra thật nhanh. Ong sẽ săn lại, cho mắm ngon hơn”.
Chúng tôi có lần đi U Minh xem gác kèo ong. Khoảng tháng mười âm hoa tràm nở rộ ở rừng U Minh Hạ. Mùa gác kèo ong bắt đầu. Với những người kinh nghiệm, họ gác bao nhiêu kèo ong đều đóng. Khi ăn ong, người ta đuổi ong bay đi bằng lửa từ xơ dừa tẩm dầu lửa, thu lấy mật và cắt đi một phần ổ tàng ong chứa ong non.
Phần bị cắt đi sẽ làm cho ong thợ có việc làm. Chúng bỏ công tái thiết, rồi tiếp tục đi hút mật về trữ. Cắt hết ổ hoặc để nguyên tàng, ong sẽ đi nơi khác làm tổ mới. Nên ngoài mật, người ăn ong còn có nhộng. Mắm nhộng muối hai ba ngày với thính là ăn được. Nhưng muốn giữ được lâu phải chia ra từng phần nhỏ cho vào ngăn đá. Ăn tới đâu lấy ra tới đó.
Hôm đó, lần đầu nhìn thấy ổ ong, một đồng nghiệp lội nước bì bõm, đứng dưới gió kê ống kính chụp ảnh. Nghe mùi kim khí, ong bay ra đánh, cả nhóm phải nhào lên ghe, được anh chàng giữ rừng kéo chạy hụt hơi.
Ong đánh ta bây giờ ta có dịp ăn ong như cái lẽ vô thường. Lâm bày: “Ăn món mắm này phải múc cả muỗng càphê nhọng kẹp chung với khế chua, chuối chát, cà tím ăn mới đã”. Cuối bữa ẩm và thực ong, chúng tôi nhờ Lâm đặt mua thêm mắm. Nhưng không có.
Ngữ Yên
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này