07:55 - 12/03/2016
Thất nghiệp, câu cá giải khuây
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, nhiều người Sài Gòn đèo nhau mang đồ nghề của thợ câu chạy xe máy vèo vèo ra miết ngoại thành để trước là có khoảng trống hít thở, sau là có mặt nước để tìm bóng chim tăm cá.
Nói về thú vui câu cá, dân Sài Gòn không phân biệt dân câu chuyên nghiệp hay dân câu tài tử, mà chỉ phân biệt dân thả câu để có cớ nhậu nhẹt ở các điểm dịch vụ giải trí và dân câu ghiền.
Tất nhiên dân vừa câu vừa nhậu là dân khá giả, nên có khi sẵn sàng chi hơn cả một tháng lương của một công nhân cho một buổi câu và nhậu ở các khu du lịch sinh thái, các hồ cho thuê câu cá.
Ngược lại, với dân thất nghiệp, tiền xăng, tiền trà đá không có để chạy xe gắn máy ra ngoại thành thì tốt nhất xách cần câu đi bộ hoặc xe đạp lơn tơn ra kênh thúi Tàu Hủ, Bến Nghé, Nhiêu Lộc… tìm vài con cá về cho vợ nấu canh chua.
Bất kể ngày nghỉ hay ngày thường, bất kể sớm nắng hay chiều mưa, các tay câu thất nghiệp cứ ngồi lì ở các dòng kênh thúi thả câu; đó là một cách để hàng xóm, vợ con có lý do để biện minh: bố nó đang theo gương Khương Tử Nha câu thời, câu vận.
Cảnh quan kênh Nhiêu Lộc năm 2012 với vỉa hè cây xanh, với đường nhựa mới làm trông khá hơn những năm trước, nhưng vẫn chưa thoát hẳn dòng nước đen, nước thúi.
Người bi quan thì cho rằng chắc phải chờ đến 50 năm nữa mới thành con kênh xanh xanh, còn với người không bi quan mà cũng không lạc quan thì lại nói: “Môi trường sống cứ tệ kiểu rề rề như vầy thì có khi nó thúi lại như xưa nữa không chừng”.
Tìm gặp một tay đàn ông, tuổi ngoài 30 đang ngồi thả câu ở đầu kênh Nhiêu Lộc, gần khu Đệ Nhất khách sạn vào một ngày trời Sài Gòn âm u.
Chúng tôi hỏi chuyện, nhưng tay này chẳng muốn mở miệng. Biết là vô không đúng đài nên chúng tôi rà lại rằng “Mấy con cá huynh câu được có bán không vậy?”
Tay câu này không thèm nhìn mặt người hỏi, cứ chăm chăm nhìn đám bọt nước dưới kênh, phải một lúc sau tay này mới hả họng. “Mua cho người ăn thì bán, mua cho chó, cho mèo ăn thì không bán”.
Chúng tôi giả bộ ngạc nhiên. “Cá câu dưới kênh vẫn còn mùi thúi này người ăn được sao huynh?” Người đàn ông ngước mặt lên, nói giọng giận dữ. “ĐM, đi chỗ khác nghe, muốn gì…”
Dù chưa kịp nhìn xem mấy con cá của tay này câu được là cá gì, nhưng biết là không thể bắt chuyện tiếp được nữa, chúng tôi phóng xe đi.
Đến một đoạn đường chưa thông xe, bên hông Cầu Bông, đường Trường Sa, chúng tôi bắt gặp một dân câu trung niên, tay cầm một bịch nilông, trong đó có gần chục con cá trê trắng. Bắt chuyện với tay câu này, chúng tôi được biết. Ông câu cá trên con kênh này từ bé.
Hồi nước còn trong, dân còn trồng rau muống thì có đủ loại cá nước ngọt, cá câu được không ăn hết thì biếu hàng xóm. Bây giờ thì còn cá trê trắng, thỉnh thoảng cũng có cá rô, cá chép do người ta phóng sinh. Ông không ăn cũng không biếu, đem ra chợ bán ai mua ăn thì cũng khuất mắt mình.
Ông nói thêm. “Mà tui thấy cũng đâu có sao, ngày xưa tui ở đây hít thở mùi kênh thúi này mấy chục năm còn không sao nữa là”.
Dù chúng tôi không tiện hỏi mỗi ngày nếu ông câu trúng thì kiếm được bao nhiêu tiền, nhưng được biết giá cá nước ngọt, loại rẻ nhất bán ở các chợ nhỏ trong các khu lao động Sài Gòn không dưới 50.000 đồng/kg.
Ngay cả khi cho rằng, mấy tay câu này đang đầu độc chính mình hoặc người mua thứ cá nhiễm độc ở các dòng kênh thúi quanh Sài Gòn thì cũng quá đáng.
Họ đâu thể chịu tội một mình, trong lúc cả nước Việt đang bị vấn nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng, cả dân Việt đang bị Trung Quốc chuốc độc từ thực phẩm đến hàng tiêu dùng… thì sá gì vài ba con cá câu được từ dòng kênh thúi.
Ngay cả với những loại cá được bán ra từ các chợ đầu mối rồi túa về các chợ lớn, chợ nhà giàu, siêu thị cũng nhiễm độc như thường. Thông tin từ cơ quan quản lý chất lượng và nguồn lợi thuỷ sản TPHCM: từ kết quả xét nghiệm các mẫu cá nước ngọt từ các tỉnh miền Tây đưa về chợ đầu mối cho thấy, cá nhiễm chất trifluralin, một dạng hoá chất kháng sinh cấm sử dụng vì rất có hại cho sức khoẻ.
Nói chuyện câu cá ở các con kênh thúi quanh Sài Gòn là nói về những người nghèo thất nghiệp toàn phần mà cuộc đời và gia đình đang lâm cảnh bấp bênh; nhưng khi có dịp tiếp xúc với họ mới biết rằng, chính mớ cá may mắn tồn tại được ở những dòng kênh cũng là cơ hội may mắn mà họ trông chờ để hy vọng.
Một công nhân ngành nhựa vừa mới mất việc, vác cần câu ra kênh thúi Tàu Hủ, nói: “Kiếm được vài con là có tiền mua vé số rồi. Đủ tiền (10.000 đồng) mua một tờ cũng được, trời cho, biết đâu đổi đời”.
Một vé câu cá ở các hồ cá gọi là du lịch sinh thái dành cho dân trung lưu, dân nhà giàu mới phất hiện nay có giá từ một hai trăm, nhưng nếu dân nghèo, dân ghiền muốn thoả tay nghề sát cá không tốn tiền vé thì sẽ được các con kênh, con sông, ao hồ ô nhiễm quanh Sài Gòn mời gọi khuyến mãi đặc biệt.
Ở Sài Gòn hiện nay, đến con cá và chuyện câu cá cũng trở thành thứ ranh giới phân biệt giàu nghèo; và trớ trêu thay chính người nghèo câu cá ở kênh nước thúi lại có được chút tiền tiêu, tiền mua vé số tiếp tục sống để ôm ấp nhiều hy vọng.
Trần Tiến Dũng
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này