12:24 - 19/03/2024
Hé lộ rủi ro với châu Á nếu ông Trump tái đắc cử Tổng thống
Các chuyên gia ở châu Á đang bày tỏ lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trong bối cảnh cựu Tổng thống Donald Trump có thể tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Các chuyên gia quốc tế cho biết, châu Á phải duy trì động lực cho thương mại tự do và nền kinh tế toàn cầu mở sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, trong bối cảnh lo ngại gia tăng về khả năng chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ sẽ ngày một mạnh hơn, tùy thuộc vào kết quả bầu cử.
Nhấn mạnh về những tác động của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đối với châu Á, ông Manu Bhaskaran, Giám đốc sáng lập và CEO của công ty tư vấn Centennial Asia Advisors tại Singapore, cho rằng: “Điều quan trọng là phải duy trì động lực của các nền kinh tế mở và thương mại tự do ở bất cứ nơi nào có thể. Chúng ta cũng cần tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng thông qua việc đa dạng hóa các chuỗi này”.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai tuyên bố rằng nếu tái đắc cử, ông sẽ áp đặt thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc, có thể ở mức 60% hoặc cao hơn. Điều này khiến không chỉ Trung Quốc mà cả các nước châu Á nằm trong chuỗi cung ứng sản xuất của nước này lo lắng.
Ông Bhaskaran cho rằng, vấn đề là nhiều quốc gia trong khu vực này có mối liên hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Vì vậy, bất kỳ điều gì gây gián đoạn cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ gây gián đoạn cho các lĩnh vực sản xuất của các nước nằm trong chuỗi cung ứng này.
Một số ý kiến khác cũng nhất trí rằng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cần đóng vai trò lớn hơn trong việc duy trì động lực cho một nền kinh tế mở.
Ông Simon Tay, Chủ tịch SIIA, cho biết: “Ngay cả khi thế giới đang nói về việc dịch chuyển, tái định hình lại chuỗi cung ứng, CPTPP vẫn là một giải pháp tốt.”
Nhật Bản đã kêu gọi Washington quay trở lại Hiệp định CPTPP, mặc dù Tổng thống Biden không đảo ngược quyết định của ông Trump, nhưng thay vào đó, chính quyền ông Biden đã đưa ra Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), tập trung vào các lĩnh vực chiến lược, bao gồm chuỗi cung ứng, với các đối tác châu Á.
Khi đánh giá về những lo ngại rằng ông Trump có thể loại bỏ IPEF nếu tái đắc cử, chuyên gia Simon Tay nói rằng điều cần thiết là nên tìm cách duy trì sự tham gia của Mỹ, nhưng ông cũng nói thêm rằng các nước thành viên nên đưa ra kế hoạch về những việc cần làm nếu Wasington huỷ bỏ sáng kiến này.
Trung Quốc và các nước khác đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Ông Bhaskaran cho biết CPTPP có thể được mở rộng và sẽ ngày càng đáng tin cậy hơn với các thành viên mới. Chuyên gia này cũng cho biết thêm, FTA này nên được mở cửa cho Trung Quốc nếu nước này nghiêm túc tham gia, bất chấp những lo ngại rằng nó có thể mang lại những tác động quá lớn.
Với khu vực Đông Nam Á, ông Abdul Razak, Giám đốc sáng lập của Bait Al Amanah, một tổ chức nghiên cứu của Malaysia, cho biết: “Nếu cựu Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng, các nước Đông Nam Á có thể phải đối mặt với áp lực gia tăng để chọn phe trong các cuộc tranh chấp địa chính trị. Không có con đường trung gian cho ASEAN và các nước thành viên.”
Trên thực tế, cựu Tổng thống Trump ít chú ý đến ASEAN, chỉ tham dự các hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN thường niên vào năm 2017. Trong khi đó, ông Biden nhanh chóng đảo ngược chính sách này, gọi ASEAN là “trung tâm của cấu trúc khu vực” trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương công bố vào tháng 2 năm 2022. Vào tháng 5 cùng năm, Tổng thống Biden mời các nhà lãnh đạo ASEAN tới Washington dự một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt.
Chuyên gia Abdul Razak nhận định, điều đáng lo ngại là sự trở lại của ông Trump có thể làm phức tạp thêm động lực bên trong và các mối quan hệ bên ngoài của ASEAN. “Mặc dù Tổng thống Biden đã cố gắng khôi phục ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này, nhưng nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ chỉ làm trầm trọng thêm mối quan hệ này”, ông Razak nói.
Theo Cẩm Anh/DĐDN
Ngày đăng: 19/3/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này