15:41 - 18/03/2024
Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì về dự luật chuỗi cung ứng của EU?
Dự luật mới về chuỗi cung ứng EU liên quan tới nhiều điều kiện “xanh” và “nhân văn” hơn, có thể sẽ khiến các tập đoàn lớn và các đối tác xuất khẩu của EU phải đau đầu.
Thông qua dự luật mới
Ngày 15/3 vừa qua, vượt qua nhiều tuần tranh cãi, các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý về các quy tắc giám sát chuỗi cung ứng kinh doanh vừa được đề xuất, trong đó sẽ yêu cầu các công ty trong khối này tự quản lý chuỗi giá trị của mình để ngăn chặn vi phạm quyền con người và môi trường.
Dự luật về giám sát chuỗi cung ứng kinh doanh của EU được xem là một phần quan trọng trong nỗ lực đảm bảo rằng các công ty trong khối này phải chịu trách nhiệm về con người và môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Nghị sĩ Hà Lan Lara Wolters của Đảng Xã hội & Dân chủ, người phụ trách về tài liệu này trong Nghị viện Châu Âu, đã ca ngợi việc các nước thành viên phê chuẩn dự luật này. Ông nói đây như một “chiến thắng đã chờ đợi lâu dài trong cuộc chiến yêu cầu các công ty chịu trách nhiệm với con người và môi trường”.
Theo Politico, Bỉ – nước giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng EU – đã thành công trong việc ngăn chặn các nỗ lực của phe phản đối – ban đầu do Đảng Tự do Đức dẫn đầu. Phe chống đối còn có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni và Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner. “Chủ tịch Hội đồng EU đã thành công trong việc vượt qua sự cản trở của các quốc gia thành viên,” Wolters nói thêm.
Mặc dù có những điều chỉnh đã được thực hiện để làm giảm sức mạnh của dự luật và phù hợp với các quốc gia thành viên, động thái này có thể tạo ra các thách thức mới cho các doanh nghiệp khi họ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt hơn về giám sát chuỗi cung ứng, tăng cường tính minh bạch và đảm bảo tuân thủ các quy định về nhân quyền và môi trường.
Vẫn còn nhiều tranh cãi phía trước
Theo văn bản cuối cùng được đồng ý vào ngày thứ Sáu tuần trước, các quy tắc sẽ áp dụng cho các công ty có từ 1.000 nhân viên trở lên và doanh số bán hàng hàng năm là 450 triệu euro. Điều kiện này đã được nới rộng khi trước đó các công ty phải duy trì ít nhất 500 nhân viên và doanh số bán hàng hàng năm là 150 triệu euro, như được đề xuất vào tháng 12/2023.
Quy định có phần làm thu hẹp đối tượng chịu trách nhiệm đã không được lòng các tổ chức môi trường và quyền con người. “Việc thương lượng vào phút cuối cùng có nghĩa là luật sẽ chỉ áp dụng cho một số ít công ty, không đáp ứng được mục tiêu ban đầu của nó là giải quyết toàn bộ phạm vi của ảnh hưởng môi trường của các công ty,” ông Anaïs Berthier, Trưởng văn phòng Brussels của tổ chức phi chính phủ ClientEarth, nói.
Văn bản cũng đề xuất xóa bỏ bất kỳ tham chiếu nào đến các ngành có nguy cơ cao, mà trong các dự thảo trước, sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các nghĩa vụ thẩm định công ty. Các nghĩa vụ giám sát chuỗi cung ứng sẽ không còn áp dụng cho việc tiêu hủy sản phẩm, như kỳ vọng ban đầu.
Việc phê chuẩn vào tuần trước là kết quả của nhiều năm thảo luận trong EU về một quy định gây tranh cãi. Điều đó cũng không hề giảm bớt sau dự luật thông qua.
Các tập đoàn hàng đầu thuộc phạm vi áp dụng đã chỉ trích rằng luật này không thể thực hiện được. “Việc phê chuẩn luật chuỗi cung ứng của EU là một đòn giáng tiếp theo đối với sự cạnh tranh của châu Âu và tạo ra các rào cản mới đối với an ninh cung ứng và đa dạng hóa nền kinh tế châu Âu”, ông Siegfried Russwurm, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) nói sau cuộc bỏ phiếu vào ngày 15/3.
Khi ý tưởng ban đầu được đưa ra bởi Ủy ban châu Âu, các doanh nghiệp đã phản đối dữ dội khiến Uỷ ban châu Âu (EC) buộc phải trì hoãn đề xuất ban đầu của mình. Khi EC trình bày dự luật lần đầu vào tháng 2 năm 2022, nó đã mất gần hai năm thương lượng tiếp theo để đi đến kết quả.
Các quy tắc mới về cung ứng vẫn cần sự chấp thuận từ Nghị viện châu Âu trước khi có hiệu lực. Các nhà lập pháp trong Ủy ban về các vấn đề pháp lý dự kiến sẽ bỏ phiếu vào tuần tới, trong khi Nghị viện dự kiến sẽ thông qua vào tháng 4 tới.
Với những quốc gia xuất khẩu chính sang thị trường EU như Việt Nam, luật mới cũng đồng nghĩa với chi phí sản xuất gia tăng. Nhiều doanh nghiệp dệt may và nông sản sẽ cần phải đầu tư thêm vào các hệ thống giám sát chuỗi cung ứng, hay tìm kiếm các chứng nhận tuân thủ các quy định mới để có thể tiếp tục xuất khẩu sản phẩm của mình vào thị trường châu Âu.
Trước đó, các quốc gia EU đã ký lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm liên quan tới lao động cưỡng bức – một biện pháp đi kèm với các quy tắc chuỗi cung ứng nhắm mục tiêu vào hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc một cách cụ thể hơn.
Theo Trường Đặng/DĐDN
Ngày đăng: 18/3/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này