08:05 - 12/03/2016
Đổi cách ăn?
Ngán ngẩm và lo sợ với đủ loại hàng lưu tồn “bã độc”, nhiều người tự cảnh giới, dè dặt khi ăn uống. Nhiều người đi theo ướng
tự cấp tự túc hoặc ăn kiêng…
Riêng các nhà thực dưỡng khuyên thay đổi thói quen ăn uống, dùng cơm gạo lứt thay vì cơm trắng do đã mất nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất qua cách trữ gạo, lau bóng, xát trắng, kết hợp với bí đỏ, đậu đỏ, rong biển, rau cải giúp cơ thể khoẻ mạnh tự chữa bệnh và đừng lạm dụng thuốc tây, để cơ thể tự đào thải.
Tại Cần Thơ, chiều cuối tuần, nhà thực dưỡng Lương Trùng Hưng, từ Úc về, và lương y Trần Ngọc Tài, TPHCM, đã ngoài 70 tuổi, dành trọn ngày nói chuyện với những người muốn tìm hiểu cách ăn uống để trị bệnh, kiến thức thực dưỡng – được xem là nghệ thuật kiến tạo sức khoẻ, nâng cao hệ thống miễn dịch, phòng và trị bệnh.
Ông Ba Hoàng, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ dùng gạo lứt, muối mè để giảm cân, chọn thức ăn giúp cơ thể lọc chất độc, kết hợp tập thể dục, thấy sức khoẻ khá.
Chị Trương Thị Lệ Hồng, đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ chia sẻ phương pháp ăn gạo lứt, dùng nước tương Tamari, Misho và rau củ, bất ngờ khi kiểm tra với kết quả hết bệnh ung thư vú và tim mạch.
Thế giới vẫn mua Jasmine với giá 420 USD/tấn, gạo IR50504 là 340 USD/tấn, giá Jasmine của Thái Lan luôn cao hơn gạo xứ mình vì họ trồng giống thuần, sản phẩm đồng nhất, không lạm dụng thậm chí rất ít dùng phân hoá học, thuốc trừ sâu, ThS Nguyễn Phước Tuyên, nguyên trưởng phòng quản lý khoa học, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nói.
“Trong khi Thái Lan dùng nghệ thuật tiếp thị để chinh phục thị trường thì ta tập trung chạy theo năng suất, sản lượng cao bằng mọi cách, bất kể việc lạm dụng hoá chất, nông dược, chỉ trữ gạo chứ không trữ lúa, khi xay xát lại trộn gạo tầm tầm bậc trung với gạo ngon có dạng hình na ná để bán giá cao hơn. Người tiêu dùng từ lãnh đạo tỉnh trở xuống cũng bị gạt… như nhau”, ông Tuyên thử lấy gạo nhuộm iốt để test và thấy rằng gạo thuần thì nếp có màu trắng, Jasmine có màu hồng, IR50504: màu đen đậm…
Ông Tuyên nói cách ăn thay đổi thì cách tổ chức sản xuất cũng phải thay đổi theo hướng ngon – lành. Rất nhiều người có tuổi ăn cơm tới mòn răng cứ thắc mắc: tại sao ngày xưa nhai cơm không cá thịt cũng thấy ngọt còn gạo ngày nay, hầu hết cứ xảm lè?
Người trồng lúa, bán lúa tươi mua gạo ăn, nếu gạo không ngon và lành thì một lúc nào đó cũng sẽ lãnh đủ.
Phải học lại những bài học của tổ tiên: không bán những thứ gây hại cho người mua, không khoanh một khoảnh đất trồng riêng cho mình và bán những thứ chứa bã độc cho khách.
Nhóm PV
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này