15:18 - 08/12/2019
Mulkirigala, đường lên dốc đá may mà có hương
Lên dốc đá không phải lúc “nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện cũ” mà buổi trưa oi ả, mấy đoạn dốc đứng kiểu “người sau hửi mông kẻ trước”. May đi một mình và tạ ơn hương dịu dìu chân mỏi đến góc độc lạ.
Bữa đó tôi xuống phố cổ Galle nổi tiếng được UNESCO vinh danh, bên bờ tây Sri Lanka. Mấy ngày nữa là kết thúc chuyến ta bà Nam Á, từ Ấn Độ qua Bangladesh rồi Sri Lanka đằng đẵng năm tháng. Tính đi Galle mênh mang biển bờ đẹp nghỉ ngơi vài bữa cho lại người, để về nhà không bị quở đi “du lịch” mà sao như ma đói. Nhưng chỉ một hai buổi nhàn cư là muốn “vi bất thiện”, chân lại ngứa. Lụi cụi đọc, mai sớm ra đầu ngõ đón xe ngược qua bên đông Sri Lanka miên man những di tích, trong đó có chùa cổ Mulkirigala.
Đường từ Galle bên tây, qua Tangalle bờ đông Tích Lan na ná như Kiên Giang qua Cà Mau. Bên mình lộ 63 đi ngang trong đất liền, không vòng xuống mũi như đường ven biển ở đây, chạy tít cực nam. Xe dừng ở đó, tôi tranh thủ tót ra mũi Matara hóng chút gió cả hai bờ đông tây, bấm mấy tấm rồi mới đi tiếp.
Tangalle (Tangalla) là cảng cá xưa cổ, lớn nhất nhì Tích Lan nhờ nằm trong vịnh lớn chắn gió. Người Hà Lan tới xâm lược cũng nhận ra điều đó, chọn làm khu hành chánh, xây nhiều công trình. Có cả pháo đài giờ chuyển thành nhà tù, chắc do quá kiên cố (!). Nhiều bãi đẹp, các kiến trúc thời thực dân… nhưng mấy bữa Galle cũng đã hơi “bội thực” nên xuống xe bên hông chợ, tôi lại lên chiếc khác đi Mulkirigala.
Như Ngũ Hành Sơn đất Quảng, chùa Mulkirigala, (Mulgirigala) xây trên đỉnh núi đá cao 205m, cũng bao quanh bởi bốn ngọn khác. Xe đò bỏ tôi ở ngã ba đường, “khuyến mãi” hơn 2km cuốc bộ ngang làng quê mà khi lang bang, hỏi han đường đất đều nhận được chân tình của người Tích Lan. Nhưng 2km lội bộ trong cái nóng ẩm cận xích đạo lấy đi khá nhiều mồ hôi, sức lực, nên đến nơi nhìn con đường dốc lên đỉnh thở dài muốn thối lui. Rồi không lẽ lặn lội tới tận đây mà không đi, tôi lê lết hơn 500 bậc thang lên đỉnh!
Ngoài vài bảo tháp được xây nên, chùa là hang động, bảy cái lớn nhỏ nằm gần đỉnh núi. Tượng, bích hoạ là các phiên bản mới chỉ vài trăm năm tuổi, còn chùa hang động có từ trước Công nguyên. Có nguồn cho rằng chùa được vua Kawantisa “xây” vào thế kỷ 3 Tr.CN. Nhưng điều độc đáo, giá trị nhất của Mulkirigala so với tất cả các chùa chiền xưa cổ, có thánh tích Phật… trên toàn xứ này là các bản thảo tiếng Pali viết tay trên lá cọ tìm thấy năm 1826. Bản dịch bộ sử thi Mahavamsa đó đã “mở khoá” về lịch sử xưa cổ của Tích Lan từ năm 543 tới lúc đó. Giờ các bộ kinh Pali trên lá cọ – phiên bản mới vẫn thấy trưng bày ở đó, nhưng thu hút nhiều cái máy ảnh là các pho tượng, tranh tường rất Tích Lan, đậm đà sắc và hiền hoà nét. Tưởng thưởng khác là đỉnh đồi với dagoba (bảo tháp) thanh thoát, cũng là nơi có tầm nhìn thoáng đãng hết cả vùng. Cả đường làng lúc nãy tôi lang thang, rừng rậm, ao hồ, sông suối bao quanh.
Phải nói là tôi rất xui rủi, vì ở cái chốn nắng đẹp tới 350 ngày trong năm mà bữa đó cứ mây xám rồi rải mưa. Nhưng miền đất giữa trùng khơi không khí trong veo, không bị ô nhiễm, tầm nhìn vẫn phóng rất xa. Trong ngày xám, cây cỏ, sông hồ không ánh lên màu xanh ngăn ngắt, nhưng nét duyên trầm trầm rất hợp với không khí u tịch chùa xưa. Còn được đôn lên bởi hương sứ ngọt, mọc từ suốt con đường dốc và trên đỉnh này. Hương thơm đã góp phần rù quến, dìu chân mỏi lần mò dốc đứng lên chùa cao. Dần dừ, tiếc nuối, bữa đó qua mấy chuyến xe, gần nửa đêm tôi mới về tới Galle. Nhưng không hề ân hận. Vì biết chừng nào mới có lại dịp ung dung tự tại trên đỉnh Mulkirigala ngát hương?
bài và ảnh Thái Hoãn (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Bữa tiệc thu
Sản phẩm du lịch thừa mà thiếu
Lên ải bắc, tịnh lòng ở chùa, động khẩu ở chợ
Phú Quốc đón đoàn khách quốc tế không cách ly đầu tiên
Du lịch bội thu dịp lễ
Tags:Mulkirigala
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này