16:22 - 09/09/2018
Tanjung Puting, rừng xưa đã khép?
Chiều đó thiệt trễ mới lên đò ngang Sekonyer cuộn sóng về phố. Hoàng hôn sông, ráng chiều mùa mưa bão rực rỡ nhưng lòng chùng sâu vì ánh mắt ám ảnh mấy người anh em từ thủa hồng hoang. Mai sau có còn gặp lại?
Tôi lênh đênh trên con tàu KM. Lambelu của hãng Pelni Ship gần 20 tiếng đồng hồ từ Pandoloan, Sulawesi sang Balikpapan, Borneo. Ra đi từ mấy góc biển đảo đẹp lồng lộng của Sulawesi – mà Bali, Phuket… đều thua xa như chia sẻ của du khách từng đến, cũng như tôi đã sững sờ hôm chạm ngõ. Nên không còn ham hố chuyện bãi bờ, mà chọn Borneo vì rừng nguyên thuỷ, cổ xưa nhất nhì hành tinh. Từ Balikpapan bờ đông đảo lớn thứ 3 địa cầu, sau mấy bận xe đăng đẳng tôi rã rời đáp xuống Pangkalang Bun, còn phải ngang con sông cuồn cuộn sóng mới tới được Tanjung Puting. Ngỡ ngàng!
Đất dài, sông rộng, rừng sâu
Rừng quốc gia Tanjung Puting khá nổi tiếng, với các nhà khoa học và cả du khách, vì là nơi cư trú hiếm hoi của người anh em gần gũi nhất với loài người từ thời cổ đại, “orang utang” – đười ươi lông đỏ. Trên cả hành tinh hiện chỉ còn hai vùng đất chúng sinh sống với số lượng ngày càng teo tóp. Ngày trước ghé Sumatra cũng từng tới Bukit Lawang gặp chúng giữa đại ngàn Leiser, nên giờ các người anh em không là lý do chính tôi tìm đến. Mà vì đọc thấy ở đó có tour đi sâu vô rừng Borneo do các tổ chức phi chính phủ (NGO) thiết kế cho học trò bản địa nhằm giáo dục, tuyên truyền, có cho du khách đi ké với đóng góp mang tính thiện nguyện. Đã lép túi, lại đơn độc lang bang rất khó tới được mấy chốn rừng xanh nước đỏ, nên nghe là ham.
Đến Pangkalang Bun té ngửa khi biết hoạt động đó tạm ngưng. May sao gặp anh chàng độc đáo Basuki, quản lý khu vực Borneo của tổ chức Friend of National Park Foundation (FNPF) cho biết ngày mai đi Tanjung Puting công tác và sẽ sắp xếp cho đi ké. Tôi gật đầu không kịp suy nghĩ.
Cách Pangkalang Bun 20km bên kia dòng Sekonyer mênh mang, Tanjung Puting là một trong những điểm nhấn lạ Borneo. Nói thiệt, chỉ việc băng qua con sông này cũng nên được tính là chuyến phiêu lưu. Từng ngang Mekong miền hạ Lào chiều mưa bão trên con phà tự chế mỏng manh, mấy đêm giông leo lên phà Philippines… nhưng bữa đó lỡ ngồi trên con đò chỉ lớn hơn xuồng ba lá miền Tây mình tý đỉnh chất khẳm xe gắn máy là tôi muốn leo trở lại lên bờ. Nhưng đâu có được, đành cắn răng nhắm mắt cầu trời khấn Phật khi con đò chồm qua những con sóng ngang sông. Thở phào nhẹ nhõm khi đặt chân đến những cánh rừng Tanjung Puting. Ngỡ ngàng. Buồn vui lẫn lộn, mà buồn nhiều hơn.
Rừng xưa đã khép…?
Nằm bên góc doi đất bán đảo ven dòng Sekonyer đổ vào sông Kumai rồi sẽ ra biển Java, Tanjung Puting độc đáo vì ngoài rừng mưa nhiệt đới cổ xưa còn có rừng nước lợ. Chêm thêm ở giữa là những rừng lá khô nhiệt đới trên miền đất khá cằn cỗi mà bữa đó ngỡ ngàng tưởng gặp hoang mạc giữa rừng già. Nhưng đậm nét son buồn là để trồng cọ, nhiều vạt rừng cháy đen ngã xuống, để những gốc chông đen đâm chĩa lên trời. Rồi những cánh rừng đào xới lung tung những người phu đào đãi vàng, những máng kệ dẫn nước đãi vàng đan chéo – một trong những nguồn cơn làm sông ngầu đục, đỏ màu, cứ ngỡ lạc vô một cảnh nào như trong phim về miền viễn tây nước Mỹ nhiều trăm năm trước.
Giới thiệu các đồng nghiệp, phần đông dân bản xứ, đang cùng chung tay ngăn việc phá rừng để “cọ hoá” Borneo, việc đã từng bị thế giới lên tiếng, cả tẩy chay sử dụng sản phẩm của vài công ty danh giá… Basuki lăn vào việc, gửi tôi lại cho cậu em trong đội và chiếc xe máy. Càng đi sâu vào rừng càng thấy nặng lòng vì thấy nhiều hơn các cánh rừng ngã xuống. Cũng may khi đến gần khu làng sinh thái, khu trại bảo vệ Cam Leaky… thì khá nhiều cội già, đại ngàn um tùm được giữ gìn cẩn thận. Cũng như những nếp đời mộc, sống cùng thiên nhiên của dân làng đã được đồng tâm giữ lại.
Dù không định tâm, nhưng theo lời rủ rê nhiệt tình tôi cũng đến nơi các nhân viên của Cam Leaky cho orang utang ăn giặm buổi xế. Chúng sinh hoạt tình cảm và rất khôn ngoan – lần đầu tôi thấy chúng gặm bỏ vỏ củ lang rồi mới ăn, thiệt là sang hơn cả người mình hồi những năm 70 – 80 hồi thế kỷ trước. Càng thấy thương hơn khi nghe Basuki và các bạn kể rằng việc phá rừng trồng cọ không chỉ thu hẹp môi trường sống của chúng, mà còn rất tệ hơn nữa khi chúng bị bắn giết, bởi trái cọ cũng là món ăn của chúng, nhất là khi rừng bị cạn kiệt.
Chiều, lại lên đò ngang sông về phố. Hoàng hôn rực rỡ đẹp nhưng lòng chùng sâu thiệt sâu. Chia tay những cánh rừng Tanjung Puting, tôi mang theo hoài những ánh mắt đầy ám ảnh của những người anh em từ thủa hồng hoang. Mai sau còn có bao giờ gặp lại?
bài, ảnh Thái Hoãn (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này