14:58 - 15/07/2018
Pháo cao xạ và chuyện trứng cá chuồn
Một câu ca tuy không hay mấy nhưng lại gợi nhớ một ấu thời đầy nắng biển “Nhớ mùa cá chuồn nhảy dây, ăn trứng”.
Mùa hè, những đứa trẻ ở biển niềm vui đón cha đi lưới về buổi chiều xế lấn át niềm vui đón má đi chợ về buổi trưa. Chúng chờ những người cha đem về trứng cá chuồn…
Trứng cá chuồn, loài vừa cá vừa chim, quen thuộc với người Nhật trong các món shusi, gọi là tobiko.Trứng cá chuồn gần đây xuất hiện trong món “pháo cao xạ” – một món gồm cả ẩm và thực, ở nhà hàng Phi Phố Biển. Nghe cái tên món, cả bàn đều tò mò “rằng ừ” theo lời mời ngọt ngào của cô Phơi tiếp viên người Sóc Trăng. Pháo cao xạ được đựng trong những chiếc ly cao độ tấc rưỡi, phi độ bốn phân. Có lẽ vì vậy mà người ta đặt tên nó là pháo cao xạ chăng? Món ẩm thực thuần Nhật gồm trứng cá chuồn, trứng cút, hàu, hành lá, nước dừa, nằm trong rượu sakê. Cô Phơi hướng dẫn: uống ly rượu nhưng ngậm phần “cái” lại, sau đó nhai chúng từ từ để thưởng thức vị của các thứ trong đó. Không ai trong bàn chịu động thủ cái món xa lạ này.Và tôi bèn, vì nghề. Nhưng không hiểu phản xạ thế nào vừa đưa ly “pháo cao xạ” lên đã nuốt đánh ực một phát. Phí của giời! Ông bạn Xuân Minh động thủ tiếp theo, ngậm “cái” lại sau đó nhai và vội vàng nuốt. Xém bị “cao xạ” giựt văng các thứ vừa nuốt ra. Còn ly cuối cùng, giống như kiểu mà các phóng viên truyền hình hay gọi đi gọi lại là “đòn cân não” thời gian này – phát penalty quyết định, tôi sút… Lần này thành công.Nuốt mớ sakê xuống bụng và bắt đầu nhai “cái”.Vị hàu tái qua rượu choán hết cái hỗn hợp gồm tròng đỏ trứng cút, hàu và trứng cá chuồn.Trứng cá chuồn chỉ nghe bụp bụp trong miệng – kiểu như pháo nổ trong tiệc cưới ngày xưa, có người khóc kẻ cười.Thực ra, khi bưng ba cái pháo cao xạ ra, người ta chỉ thoảng nhìn thấy màu cam của trứng cá chuồn.
Vì vậy người Nhật cũng chỉ dụng món trứng cá này như một thứ đề co trong món sushi.
Cá chuồn từng là loài cá dài theo lịch sử mưu sinh của người Mandar, Indonesia. Tỉnh Mandar ở Indonesia là một vùng đất xấu, giàu hải sản nằm ở hông “cẳng” tây nam đảo Sulawesi. Nhiều cây số ở ngoài khơi Mandar, hằng đàn cá chuồn bị hấp dẫn bởi những tàu lá chuối cột vào bên dưới những bè tre lớn đã sập bẫy lưới bên dưới những chiếc bè. Không chỉ người dân tộc Mandar nghĩ ra các cách bắt cá hữu hiệu, mà những con cá khác thường ấy đánh động trí tưởng tượng của họ. Ngư dân Mandar tin rằng những con cá này phi thường vì chúng biết bay từng bầy. Và chúng chỉ xuất hiện vào mùa họ gọi là gió đông, ở ta gọi là gió nam.Hết mùa gió nam chẳng ai biết chúng đi đâu.
Từ tháng tư đến tháng bảy hàng năm, khi gió nam thổi, khoảng 6.000 ngư dân Mandar bắt đầu dong những chiếc khinh thuyền đi đánh bắt cá chuồn ở eo biển Makassar. “Lưới” của họ là những cái rỗ hình ống làm bằng thanh tre được bện bằng sợi tước từ lá thốt nốt.Hai đầu ống “lưới” đều có gài hom. Những cọng rong biển vừa hái được gắn vào đó, có lẽ nhử cho cá chuồn lao vào. Mỗi chiếc ghe thường có ba đến bốn ngư dân, hai bộ sáu tay lưới được thả trôi theo thuyền và buộc vào thuyền bằng một sợi dây, trông giống như những chiếc trống nổi với những cọng rong đong đưa dưới nước.
Khi vào tới vịnh Makassar, ngư dân tìm vùng “nước thẩm”, một dấu chỉ về độ sâu, và quan trọng nhất là có rong nổi và trôi giạt cùng với gỗ vụn. Họ biết những tháng đầu mùa gió nam hàng bầy cá chuồn tìm các mảnh vụn nổi trên biển để đẻ trứng ký gửi vào đó.Các ống lưới nổi được chúng coi như là nơi “hộ sinh” lý tưởng.
Trước khi thả lưới, chủ thuyền thường thầm cầu nguyện trong khi những người đi bạn xoa các ống lưới bằng một thứ chất gồm cỏ, lá và dầu. Một chùm lá chuối vốn được các thần linh coi trọng và được cột vào ống lưới “mẹ”. Lưới thả dọc theo thuyền và cả thuyền và lưới được thả trôi tự do theo dòng hải lưu cho một chuyến hải hành vô định có thể kéo dài nhiều tuần. Dưới ánh nắng nhiệt đới, họ chờ cá đến.
Thời những năm 1970 đó, cá chuồn mới là món ăn chính suốt mùa gió của dân Mandar, trứng là đồ bỏ, bán rẻ như cho. Bây giờ trứng mắc hơn quế, 50g trứng tươi bán tại Aeon Mall Bình Phú đã tới 54.500 đồng.
Trứng cá còn câu chuyện dài.
bài, ảnh Ngữ Yên (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này