10:27 - 11/03/2019
Kedisan một ngày thu rực rỡ
Nói thiệt là tôi vẫn chưa biết đến cái tên của ngôi làng nhỏ này ngay cả khi đã đặt chân đến. Buổi sáng mùa thu Bali lang thang đó, đích đến là gương hồ lừng danh Batur.
Khi những vòng xe máy chậm chạp bò, với số xe được cài ở mức thấp nhất cùng lúc với việc đạp mạnh chân thắng rị mọ tụt xuống những con dốc ngoằn ngoèo dựng đứng, quá mừng rỡ thấy xóm làng tấp nập ở miền đất bằng phẳng ven hồ, tôi dừng chân nghỉ ngơi, trấn tĩnh. Để rồi say mê mệt Kedisan.
Độc đáo núi lửa trong miệng núi lửa cũ
Đến đảo ngọc lừng danh Bali, Indonesia, du khách thường mê đắm với các miền biển xanh cát trắng nắng vàng. Ít nghĩ rằng trong lòng đảo ôm ấp khá nhiều gương hồ lộng lẫy đẹp.Bên cạnh đó, hàng năm chúng ta đều nghe báo đài nói về các núi lửa lại trở mình phì phò trên xứ Nam Dương có hơn 17.000 đảo lớn nhỏ. Nhưng ít ai lưu ý là chỉ ngay trên đảo Bali này đã có đến gần 130 núi lửa lớn nhỏ với nhiều cái vẫn đang hoạt động. Gần đây, các núi lửa trên đảo vẫn phì phò nhưng lần phún trào mạnh mẽ gần nhất là vào năm 2000, ở ngọn núi lửa Batur nằm bên cái hồ núi lửa cùng tên, lớn nhất toàn xứ đảo. Những lưu dấu còn khá rõ của nham thạch cũng như các cột khói bụi cao hơn 300m của lần hoạt động đó, rồi của mấy đợt trước nữa trên các miền đất ven hồ, dưới chân núi lửa cũng là một trong những lý do tôi tò mò tìm đến.
Thường, các hồ núi lửa hay nằm trên miệng của núi lửa cũ ngưng hoạt động, Bali lại rất lý thú khi có hồ núi lửa nằm ngay bên chân núi lửa.Vì hồ Batur thuộc dạng hồ núi lửa nằm ngay trong lòng chảo núi lửa khác lớn hơn. Không quá chi tiết về khoa học, đại loại chừng 30 triệu năm trước tại Bali có một sự phún trào núi lửa rất mạnh mẽ mà theo các nhà nghiên cứu là đã chấn động cả địa cầu thời bấy giờ, tạo ra một vùng lòng chảo núi lửa rộng lớn. Chính trong vùng lòng chảo đó, thời gian sau lại có những sự đội lên, phún trào tiếp theo của những núi lửa nhỏ hơn, trong đó có các ngọn Agung, Batur… Gương hồ hình bán nguyệt được tạo thành từ những biến động địa chất được đặt theo tên ngọn núi mà nó nằm ngay dưới chân, Batur. Nhờ hồ cung cấp nguồn nước tưới tiêu, trồng trọt, những miền đất quanh hồ được người xưa chọn làm nơi sinh sống từ rất lâu.Những nét độc đáo về văn hoá, tập tục của họ lại là sự cuốn hút cho những du khách không chỉ yêu mỗi biển khi đến với Bali. Nhất là khách đến từ nước Việt khá quen thuộc với hơn 3.200km bãi bờ xinh đẹp dằng dặc quê nhà.
Mộc mạc xanh bên núi lửa chưa ngủ yên
Là một trong bốn ngôi làng lớn nhất trong số đâu đó 15 xóm làng định cư ven hồ Batur, Kedisan thường bị lướt qua do nằm gần nhất ngay chân con đường dốc độc đạo đổ xuống hồ. Vì các du khách ưa mạo hiểm khám phá thường đi vào tít trong sâu để tìm những nét mộc mạc nguyên sơ huyền bí, như tập tục không chôn người chết mà chỉ để vậy dưới những gốc danh mộc đàn hương để khử mùi… Nhưng tôi lại rất thích ngôi làng nhỏ Kedisan ven hồ. Có khá nhiều nét hay lạ bên cạnh các xóm nhà bè nuôi cá trên hồ, nương rẫy đang mùa rộ… làm cứ ngỡ ngày lang thang những miền sông nước mình. Níu hẳn chân tôi.
Biết núi lửa vẫn còn hoạt động, người làng Kedisan vẫn không hề có ý định dời đi đâu dù chỉ một tấc.Quê cha đất tổ bao đời đương nhiên là câu trả lời đầu tiên tôi nhận được. Lý do khác lại đến từ chính những ngọn núi lửa. Ai cũng biết đất, tro núi lửa phong hoá dồi dào dưỡng chất như thế nào.Đã vậy, có một hồ dồi dào nước tưới tiêu. Còn thêm khí hậu vùng lòng chảo nhưng ở trên cao nên dìu dịu mát, lại được bao quanh bởi rừng rậm càng thêm mát mẻ dù ngay bên dưới không xa biển bờ Bali nắng nung người. Hồ còn cung cấp nguồn thuỷ sản phong phú khi nhận được nhiều nguồn nước từ những cánh rừng, ngọn núi vây quanh. Nên cũng không lạ khi bên mấy cột, cửa đền dù bằng đá vẫn xám đen do lửa núi phun, nham thạch trào… là xóm làng trù phú miên man những cánh đồng cây trái um sùm. Lúc vàng ươm cà chua, khi xanh rì hẹ, hành, xà lách, đỏ rực ớt… Dưới chân những con đường ven hồ quanh co dốc đứng bập bềnh những bè cá. Thấp thoáng điểm giữa xóm làng xanh ngắt những mái nhà nâu hiền hoà, đẹp yên ả thanh bình.
Nhưng, rất độc đáo ngày may mắn tôi ghé đến, Kedisan còn rực sắc hơn bởi buổi hội hè huyền bí rờn rợn người Ngaben, cả xóm làng cùng tiễn đưa chung những người thân đã ra đi trong năm trước. Những sắc màu rực rỡ của xóm làng, của hội hè… dưới trời thu xanh, bên hồ biếc Batur còn theo mãi trong nhiều đêm chập chờn suốt hành trình từ thu sang đông tôi lang thang xứ Nam Dương đó.
bài, ảnh Thái Hoãn (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này