10:22 - 28/08/2016
Hùng tuấn rực rỡ Fatehpur Sikri
Một kinh đô có tuổi đời ngắn nhất, hoang phế hơn 400 năm, nhưng đến đây sẽ rất dễ hiểu lý do Fatehpur Sikri được UNESCO vinh danh di sản văn hoá thế giới.
Vội vàng dựng xây vội vã ra đi
Fatehpur Sikri xây dựng năm 1571 bởi Akbar, vị vua Hồi giáo vĩ đại nhất suốt triều đại các Moghul. Tạ ơn giáo sĩ Saikh Salim Chishti tiên đoán đúng việc sinh hạ hoàng nam bấy lâu mong chờ, ông đã cho xây dựng Thành phố Chiến thắng – Fatehpur Sikri, tại ngôi làng vị này tu tập.
Nằm trên đồi đá địa thế vững chãi, vị trí được chọn còn phù hợp cho việc phòng thủ những cuộc tấn công của kẻ địch thời chinh chiến. Hoà bình về, sự phát triển phồn thịnh của kinh thành không phù hợp với vùng đất nhiều đá, thiếu nước.
Akbar đành giã từ, dời đến Lahore, rồi về lại Agra cách đó 37km, xây dựng hoàng thành mới ngay bên dòng Jamuna. Fatehpur Sikri chỉ tồn tại trong 15 năm, ngay khi vài công trình ở đây vẫn đang xây dựng.
Nhiều công trình Akbar rồi con cháu xây dựng sau đó đã vinh danh miền Agra, như lăng Taj Mahal, pháo đài Agra, thánh đường Majis… nhưng chuyên gia cho rằng Fatehpur Sikri là công trình kiến trúc Moghul hùng vĩ nhất.
Chưa nói đến đã truyền cảm hứng cũng như kinh nghiệm cho những Taj Mahal, Agra Fort… về sau. Một điều không nhiều du khách biết nhưng rất được người dân xứ này truyền tụng ngưỡng mộ là đại đế Akbar không biết chữ.
Nhưng dưới sự chỉ đạo của ông, Fatehpur Sikri đã nên vóc nên hình. Không chỉ hùng tuấn kiêu hãnh mà còn rạng ngời tinh xảo đẹp ở từng chi tiết nhỏ.
Hùng tuấn và tinh xảo
Tôi đến Agra không ghé Taj Mahal diễm lệ trước. Chẳng phải “save the best for the last” như vị tổng thống khôn khéo Obama trả lời khi được hỏi sao gần cuối hai nhiệm kỳ mới thăm nước Việt. Mà tiếc tiền và nhiều ham hố!
Vé Taj Mahal giá trị trong ngày, tôi đến Agra xế trưa, đành ráng nhịn đến mai đón bình minh chờ hoàng hôn cho thoả dạ. Mới chen lấn trên xe buýt đi Fatehpur Sikri buổi chiều nhàn cư.
Ngỡ ngàng sửng sốt. Ngày sau đi Taj Mahal cũng gợi lên nhiều so sánh, dù khập khiễng nhưng cũng thấy Fatehpur Sikri vẫn có những nét riêng độc đáo.
Sự “thua thiệt” của Fatehpur Sikri là quá to lớn – không thể đưa vào một khung hình qua nhiều góc độ để mọi người chiêm ngưỡng như chiếc lăng gọn gàng kia.
Tôi đi kha khá thành xưa pháo đài cổ Ấn Độ và nhiều xứ khác, nhưng có lẽ chiếc cổng thành Buland Darwaza (Victory Gate) cao 55m là to lớn hoành tráng nhất từng thấy. Làm bằng sa thạch đỏ, chạm khắc tô điểm cẩm thạch trắng cùng những phù điêu mái vòm tinh tế…
Buland Darwaza thật rực rỡ, nhất là khi nắng chiều muộn áo thêm lớp hồng huyền hoặc. Dù chỉ chiếc cổng mà tường thành hun hút ôm quanh đã hơn 400 năm vẫn sừng sững vững chãi, gần xa đều rõ nét hùng vĩ.
Bước vào trong sẽ còn nhiều ngạc nhiên nữa. Khác với nhiều vua Hồi giáo, Akbar nổi tiếng với sự dung hoà tôn giáo, kiến trúc.
Từng lưu lạc, kinh qua nhiều nước, kiến trúc cung điện hoàng gia, lăng tẩm, nhà thờ của Fatepur Sikri phối hợp, chọn lọc những tinh tế của Arập, Ba Tư, Ấn Độ, Trung Á, Hồi giáo, Hindu giáo, Vô Tàm giáo…
Ít nơi nào có thể tìm thấy ba hậu cung với ba lối kiến trúc khác nhau cho ba người vợ Hồi giáo, Hindu giáo và Công giáo như ở đây.
Dĩ nhiên không thể không nhắc đến đại thánh đường Jama Majisd hoành tráng đập ngay vào mắt vừa khi bước vào cổng nam.
Các cung thiết triều, mật cung, nhà nguyện… làm từ sa thạch đỏ, chạm khắc tinh tế từ cột trụ, đà giằng đến tường trần. Nhấn nhá, cẩn khắc với cẩm thạch hoặc đá bán quý làm mềm sắc đỏ, tôn nét đẹp.
Riêng ngôi mộ của giáo sĩ Chishti làm từ cẩm thạch, với phần độc đáo là những tấm “rèm cửa” đá mỏng manh nhiều hoạ tiết tỉ mẩn phức tạp, được cho là tinh xảo nhất châu Á so với tác phẩm cùng nhóm.
Rèm đá nhận ánh sáng vừa đủ, bên trong lăng mộ luôn dìu dịu huyền hoặc làm cho hoa văn đá bán quý, xà cừ trên tường thêm lấp lánh. Một điểm nhấn lạ bên rất nhiều công trình khác của Fatehpur Sikri hùng tuấn và tinh tế đẹp.
Buổi chiều may mắn đó, tôi còn được tưởng thưởng thêm hoàng hôn đẹp nhuốm đỏ thành xưa vốn bình thường đã rực đỏ, khi cố nấn ná ở lại chờ.
Nói thiệt là sợ muốn chết khi về lại Agra trên con đường tối thui vắng hoe hoét cọc cạch chiếc xe buýt tuổi đời chắc gấp đôi tuổi mình.
Nhưng luôn biết chắc rằng sẽ lại tiếp tục tái phạm, ở nơi khác, “Fatehpur Sikri” khác – vì những thời khắc đó rất khó hai lần trong cuộc đời!
bài, ảnh Thái Hoãn
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này