09:57 - 31/08/2017
Nâng cao tiêu chuẩn để phát triển thị trường?
17 diễn giả với năm phiên thảo luận suốt hai buổi sáng chiều, hầu như có rất ít thời gian cho giải lao và ăn trưa tại diễn đàn toàn cầu về An toàn thực phẩm vừa được tổ chức ngày 28/8/2017.
Diễn đàn nhằm Phát triển thị trường cho hàng Việt đã diễn ra sôi động: các vấn đề quan trọng, gây tranh cãi nhất đã được đem ra phân tich, mổ xẻ, tranh luận và cố tìm ra các giải pháp.
Thẳng thắn mổ xẻ các vấn nạn quan trọng
Các câu hỏi chính mà ban tổ chức nhận được từ doanh nghiệp: Các quy định mới nhất từ các thị trường nhập khẩu lớn đang đặt ra cho nông sản – thực phẩm Việt Nam là những quy định nào? Doanh nghiệp và nông dân phải thay đổi gì, phải làm gì? Chính phủ có chính sách gì mới tạo thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp? đã được gói vào các chủ đề của năm phiên thảo luận: (1) Các hệ thống quy định nâng cao đặt ra cho các nhà cung cấp nước ngoài (tức các nhà xuất khẩu Việt Nam) là những gì? (2) Quản lý rủi ro chuỗi cung ứng như thế nào, có công nghệ gì mới và thuận lợi hơn? (3) Thực trạng và giải pháp cho an toàn thực phẩm tại Việt Nam; (4) Vai trò tư nhân và hợp tác công tư trong quản lý rủi ro chuỗi cung ứng và (5) Cách thức đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mới của Hoa Kỳ.
Cuộc tranh luận diễn ra khi doanh nghiệp Việt cho là việc thực hiện luật Hiện đại hoá an toàn thực phẩm (FSMA) của Hoa Kỳ quá tốn kém và khó khăn. Một số doanh nghiệp lớn đã thực hiện thì cho rằng, có tốn kém, và khó lúc đầu nhưng khi hệ thống vào guồng rồi thì chi phí giảm rõ và xu hướng là ổn định, bền vững thay vì phải kiểm định từng đợt hàng, đối phó từng lô hàng với cơ quan kiểm định nhập khẩu. Có những công nghệ mới để tự kiểm định và cũng đã có sự nhìn nhận của đại diện cơ quan kiểm định của FDA rằng, các tổ chức kiểm định của tư nhân ở Việt Nam đã có tiến bộ rất rõ rệt. Tuy nhiên nhìn chung, việc thiếu hiểu sâu quan điểm căn cơ của tinh thần các quy định mới từ các thị trường nhập khẩu (thay thế từ đối phó, kiểm định ở khâu cuối sang ngăn ngừa rủi ro, phải tổ chức hệ thống phân tích mối nguy và giảm thiểu rủi ro mất an toàn trên toàn chuỗi sản xuất, bảo quản, phân phối) và cũng thiếu thông tin thị trường, ví dụ, danh mục các chất cấm luôn được công khai trên các trang web chính thức của các cơ quan quản lý nhập khẩu, nhưng doanh nghiệp và nông dân Việt Nam không cập nhật.
Thiếu thông tin, hoặc nhà Nước có làm những công cụ thông tin online mà doanh nghiệp và nông dân không hề biết dẫn tới vấn nạn phổ biến: vi phạm, sử dụng chất cấm mà không hề biết mình vi phạm.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn có nêu ba nguyên nhân của trục trặc (khiến hoạt động xuất khẩu hàng đi các thị trường lớn trong sáu tháng đầu năm bị sụt giảm gần 50%): sự thiếu phối hợp về thể chế và các cơ quan chịu trách nhiệm, năng lực của đội ngũ chuyên trách của Nhà nước và trục trặc về thông tin.
Sáng kiến mới của hội DN.HVNCLC hỗ trợ gì cho DN?
Bộ tiêu chí mới “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” được giới thiệu như một sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập, được doanh nghiệp Gạo Trung An phát biểu trên diễn đàn rằng, chúng tôi theo đuổi hoạt động của bộ tiêu chuẩn này, vì thông tin và hướng dẫn tuân thủ các tiêu chuẩn rất rõ ràng và thiết thực. Câu hỏi, vậy thì làm gì để bộ tiêu chuẩn này được các tổ chức quản lý an toàn thực phẩm của thế giới biết đến, đã được giải thích rõ, hiện nay, ban dự án chọn tham dự các hội chợ lớn có uy tín để quảng bá chung cho doanh nghiệp và tiếp xúc trao đổi thông tin cho các tổ chức quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời chính thức trao đổi, quan hệ với các tổ chức sở hữu các tiêu chuẩn quốc tế để đi đến “thừa nhận lẫn nhau” từng phần, rồi tăng dần mức thừa nhận này, đây là khâu hoạt động sẽ giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp Việt khi xin cấp các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng quan trọng nhất là bộ tiêu chí trang bị, huấn luyện cho doanh nghiệp để doanh nghiệp hiểu về các tiêu chuẩn quốc tế, để có hành xử phù hợp và có ích.
Vấn đề có thể thực hiện ngay, mà đã từ lâu doanh nghiệp kêu ca nhiều là cung cấp thông tin phù hợp cho doanh nghiệp.
Về các chất cấm trong phụ gia thực phẩm, bà Trần Việt Nga – phó cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) cho biết, website của cục có hệ thống tra cứu phụ gia thực phẩm tự động đã công bố trên mạng từ năm 2015, nhưng doanh nghiệp phản hồi ngay là… họ không biết. Ông Lê Hiếu Hữu, một kỹ sư nông nghiệp, nay cũng kinh doanh vườn trồng cây ăn trái cho biết, ông không biết có website này. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra tiếc vì website theo mô tả là xây dựng rất công phu, thiết thực, nhưng việc truyền thông để cộng đồng biết và sử dụng lại hạn chế.
Bức xúc nhất vẫn là… thiếu thông tin
Có thể nói, việc truyền thông về các luật, quy định về an toàn thực phẩm của Việt Nam chưa được chú ý và có phần coi nhẹ, đó là nhận xét của đại diện tổ chức kiểm định Eurofins, cũng là của ông Nguyễn Huy – giám đốc ngành thực phẩm của tổ chức kiểm định, cấp giấy chứng nhận chất lượng Bureau Veritas Việt Nam.
Ông Huy dẫn chứng, đầu năm 2016, khi ông lên Google search về đạo luật FSMA thì có rất ít thông tin, hầu như không có thông tin. Từ giữa năm 2016 trở đi, khi các cảnh báo về các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu càng nhiều, và từ đầu năm 2017, khi hội DN.HVNCLC cùng một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tổ chức nhiều buổi hội thảo về vấn đề này thì vấn đề quy định mới của FSMA, các quy định khác của EU và các nước mới bắt đầu được doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và các cơ quan chức năng quan tâm…
“Đó là một hạn chế lớn của chúng ta, chúng ta không chuẩn bị trước, không tìm hiểu kỹ về nó, trong khi nó đã được nâng lên là luật của Mỹ”, ông Nguyễn Huy nói.
Vũ Khánh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này