11:07 - 05/10/2023
‘Xanh hóa’, hướng đi để thanh long tìm lại vị thế ngành hàng ‘xuất khẩu tỷ đô’
Tìm hướng đi mới cho thanh long Việt Nam đang trở thành yêu cầu cấp bách khi kim ngạch xuất khẩu trái cây đã từng ở nhóm “tỷ đô” giảm mạnh.
Áp lực cạnh tranh lớn
Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về diện tích và sản lượng thanh long; đứng thứ hai thế giới về kim ngạch xuất khẩu. Trái thanh long của Việt Nam đã giữ thị phần đáng kể ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.
Tuy nhiên, từ năm 2019, chuỗi giá trị thanh long ở Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lớn. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam đã giảm mạnh và chịu sự cạnh tranh gay gắt khi Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico đã trồng thành công loại quả này. Trong đó, Trung Quốc công bố đạt sản lượng 1,6 triệu tấn/năm, cao hơn Việt Nam.
Tìm ra một hướng đi mới cho thanh long Việt Nam đang trở thành yêu cầu cấp bách. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thành Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, đặc biệt tại các tỉnh trọng điểm trồng thanh long là Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Đồng thời, cần thiết nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, tăng cường khả năng cạnh tranh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Thứ trưởng Trần Thành Nam, một trong các chiến lược quan trọng là tổ chức lại ngành hàng thanh long theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị (bao gồm nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà phân phối), tiếp cận thị trường xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro thị trường và sản xuất. Sự chuyển đổi này đòi hỏi hệ thống quản lý hiện đại, thúc đẩy tính minh bạch thông qua chuyển đổi số trong quy trình sản xuất, tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trong đó, có cả công việc mới.
Đó là theo dõi các yếu tố quan trọng như dấu chân carbon của trái thanh long – yêu cầu tất yếu của các xu hướng nông nghiệp và thực phẩm xanh nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế mới và chiến lược hành động quốc gia hướng tới một tương lai bền vững với mức phát thải ròng bằng “0”.
Cùng với đó, cần cập nhật thông tin về những thay đổi trong tiêu chuẩn, yêu cầu thị trường và thương mại quốc tế nhằm mở rộng và đa dạng hóa hợp tác thương mại ở các thị trường mới nổi như Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Hà Lan, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sản xuất bền vững theo nhu cầu thị trường
Ông Patrick Haverman- Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh 3 bài học quan trọng cho việc phát triển bền vững thanh long Việt Nam.
Thứ nhất, việc duy trì lợi thế cạnh tranh đòi hỏi trước tiên phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng, áp dụng các kỹ thuật sản xuất sáng tạo và thân thiện với môi trường.
Thứ hai, lấy thị trường làm trọng tâm để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường xuất khẩu, đạt được các chứng nhận sản xuất bền vững và thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử.
Thứ ba, áp dụng các phương pháp thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới về thực phẩm bền vững và giảm phát thải carbon. Những phương pháp này sẽ giảm mức tiêu thụ tài nguyên, tăng chất lượng trái cây và tối ưu hóa giá trị kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Thứ trưởng Trần Thành Nam cũng đồng quan điểm và nhấn mạnh: chiến lược sản xuất thanh long nên tập trung vào việc duy trì 60.000 – 65.000 ha diện tích trồng thanh long hiện tại ở các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang với sản lượng ước tính từ 1.3 – 1.5 triệu tấn/ năm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn sự hỗ trợ và hợp tác về mặt kỹ thuật từ các đối tác, khu vực tư nhân để hỗ trợ nâng cao chất lượng sản xuất, áp dụng quy trình và công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo chứng nhận an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với đó, tăng cường đầu tư liên tục vào R&D để tận dụng và tuần hoàn phụ phẩm thanh long vừa góp phần nâng cao giá trị kinh tế vừa phù hợp với mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, đưa sản xuất thanh long y trở thành ngành công nghiệp bền vững.
Từ phía doanh nghiệp, một số đơn vị, hợp tác xã nông nghiệp đã khởi xướng hợp tác mới nhằm thúc đẩy hệ sinh thái thanh long xanh, bền vững, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm ra các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Malaysia và Trung Quốc.
Theo Hạnh Lê/DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này