15:34 - 26/06/2023
Sản phẩm bản địa Việt tìm đường ra thế giới
Vừa ký hợp đồng với Công ty CP Quốc tế LNS để phân phối độc quyền cháo bột cá lóc sang thị trường Mỹ ngày 13/6, Công ty TNHH Hai thành viên Cà Mèn (thương hiệu Cà Mèn) đang ráo riết chuẩn bị để xuất lô hàng đầu tiên gồm 31.500 gói cháo bột – tương đương 1 container 20 feet – vào ngày 29/6.
Hữu xạ tự nhiên hương
Lô hàng cháo bột này sẽ được đối tác LNS đưa vào phân phối tại hơn 1.000 siêu thị ở Mỹ. Anh Lê Trọng Đôn, CEO Cà Mèn, cho hay trước khi ký hợp đồng phân phối độc quyền, cháo bột cá lóc của công ty đã được bán tại thị trường Mỹ thông qua 8 đại lý. Ngoài ra, công ty cũng đã bán hàng sang Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan – Trung Quốc.
Tính đến nay là tròn 1 năm món cháo bột cá lóc nổi tiếng Quảng Trị được Cà Mèn đóng gói, bán ra thị trường. Mỗi gói sản phẩm gồm cá lóc phi lê nguyên miếng, sợi bột gạo, nước sốt cô đặc, tương ném sa tế, hành lá sấy khô… có thể chế biến thành tô cháo bột đậm hương vị đặc.
“May mắn là sản phẩm được khách hàng ủng hộ, người này giới thiệu với người kia và giới thiệu cho các đại lý phân phối ở nước ngoài. Cũng từ kênh tiêu thụ này, LNS biết đến và chủ động đề nghị hợp tác phân phối độc quyền vào Mỹ” – anh Đôn kể.
Theo anh Đôn, lợi thế của Cà Mèn là start-up từ năm 2015, 8 năm đầu làm quán ăn nên có những khách hàng ổn định. Chính lượng khách này đã góp phần đáng kể trong việc quảng bá, lan tỏa sản phẩm ra thị trường.
“Với chúng tôi, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm. Dù là hàng đóng gói nhưng công ty cố gắng nghiên cứu, chế biến sao cho giữ độ tươi đến mức tối đa. Công ty cũng liên tục nghiên cứu cải tiến, điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với từng thị trường” – anh Đôn nêu kinh nghiệm.
Công ty LNS đang hoàn chỉnh công thức, thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm mới là miến lươn ăn liền, cũng hướng đến phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và người tiêu dùng quốc tế. Dự kiến, sản phẩm mới này sẽ chính thức ra mắt vào tháng 7-2023.
Có thể nói, Cà Mèn đã thuận lợi trong việc xuất khẩu đặc sản quê hương mà không cần phải tốn thời gian, công sức hay chi phí quảng bá, tiếp cận thị trường. Trước LNS, Công ty TNHH Tân Nhiên (được biết đến với mặt hàng bánh tráng mỏng không nhúng nước) cũng có thời gian dài ngồi yên chờ khách hàng tìm đến hợp tác. Anh Đặng Khánh Duy, CEO Tân Nhiên, cho biết từ năm 2020 đến nay, công ty đã ký nhiều đơn hàng xuất khẩu bánh tráng mỏng không nhúng nước sang Hàn Quốc, Đài Loan – Trung Quốc, Mỹ, Úc, Nhật.
“Công ty hầu như không có ngân sách cho quảng cáo, tiếp thị sản phẩm mà tập trung toàn bộ vào cải tiến chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất và kiểm soát chi phí để có giá thành lẫn giá bán tốt nhất. Thời gian đầu, sản phẩm ra thị trường hội đủ yếu tố ngon, “độc”, lạ, được thị trường ưa chuộng nên nhà mua hàng xuất khẩu chủ động liên hệ đặt hàng” – anh Duy lý giải.
Tự tin giới thiệu tài nguyên bản địa
Thực tế, trong những năm gần đây, cùng với phong trào khởi nghiệp sôi nổi ở lĩnh vực nông nghiệp, nhiều start-up trẻ đã mạnh dạn nghiên cứu phát triển, khai thác và thương mại hóa thành công nhiều loại sản phẩm đặc sản địa phương. Nhiều doanh nghiệp (DN) sau khi đặt nền móng ở thị trường nội địa đã mở rộng xúc tiến ra thị trường thế giới. Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam – VietNipa là một ví dụ.
Những ngày này, 2 sản phẩm mật dừa nước cô đặc và đường dừa nước VietNipa đang được giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng trong khuôn khổ Tuần hàng Việt Nam 2023 tại Nhật Bản do Tập đoàn Aeon tổ chức. Đúng 1 tháng trước, 2 loại sản phẩm này cũng theo chân đoàn DN Việt Nam giới thiệu tại Hội chợ Thaifex Anuga 2023 ở Thái Lan.
Cập nhật từ 2 chuyến “mang chuông đi đánh xứ người”, anh Phan Minh Tiến, CEO VietNipa, cho hay khách hàng quốc tế rất quan tâm và đánh giá cao sản phẩm của công ty. “Nhiều người rất thích thú khi nếm thử mật dừa nước cô đặc và đường dừa nước. So với các sản phẩm làm ngọt tự nhiên khác, sản phẩm từ dừa nước rất mới mẻ, mùi vị thơm ngon” – anh Tiến nhận xét.
Tuy nhiên, do sản phẩm còn quá mới nên các nhà mua hàng quốc tế còn đang thăm dò, khảo sát thị trường. “Mục tiêu của VietNipa là tìm kiếm khách hàng là các nhà kinh doanh quan tâm sản phẩm organic, sản phẩm thuần chay, sản phẩm tự nhiên thay thế chất làm ngọt tổng hợp… Công ty đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, chứng nhận lẫn quy mô sản xuất, sẵn sàng đáp ứng đơn hàng xuất khẩu bất cứ lúc nào” – anh Tiến tự tin.
Trong khi đó, chị Đoàn Thị Hồng Thắm, CEO Công ty Hygie & Panacee (chuyên các loại bột trà hòa tan từ thảo dược), cũng bắt đầu giới thiệu sản phẩm ra thị trường bên ngoài sau khi đã xây dựng nền tảng ổn định ở trong nước. Chị Thắm tự tin các sản phẩm sử dụng nguyên liệu quen thuộc như gừng, sả, tía tô, húng chanh, cà gai leo, rau om, diếp cá… được lựa chọn từ vùng nguyên liệu đạt chuẩn VietGAP, sản xuất theo dây chuyền công nghệ hiện đại sẽ có cơ hội phát triển ở thị trường nước ngoài.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ DN (BSA), chỉ ra rằng nhiều DN đang bán sản phẩm bản địa như một lợi thế cạnh tranh tốt nhất. Hàng loạt sản phẩm như mật dừa nước, cà pháo, mắm tôm, pudding xoài… được các DN địa phương quy mô nhỏ đào sâu khai thác, kể câu chuyện của mình và sản xuất bằng công nghệ, kỹ thuật mới đang chinh phục người tiêu dùng thế giới.
“Hội chợ Thaifex vừa rồi đã cho thấy DN sẽ có cơ hội thành công nếu biết khai thác tính năng đặc biệt của tài nguyên bản địa, đồng thời phải thường xuyên nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của những phân khúc thị trường khác nhau, địa phương khác nhau” – bà Kim Hạnh nhìn nhận.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này