17:50 - 09/01/2019
Làm nông sản sạch, đam mê thôi chưa đủ
Để có được những sản phẩm hữu cơ, những người làm ra nó không chỉ có đam mê… mà phải có kiến thức, chịu khó lăn lộn…
TS Nguyễn Bá Hùng, được biết đến như là người đầu tiên trồng rau củ hữu cơ tại Việt Nam. Ông đến với nông nghiệp hữu cơ theo cách khá đặc biệt. Tốt nghiệp tiến sĩ ngành di truyền giống thực vật tại viện Nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA), ông trở về Đà Lạt gây dựng nông trại.Năm 2005, khu trại của ông là nhà vườn đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng nhận GlobalG.A.P. và EuroG.A.P. Tuy nhiên, với những tiêu chuẩn này, vẫn phải dùng đến một số loại hoá chất với liều lượng và thời gian cách ly một cách nghiêm ngặt, nên vị tiến sĩ này luôn thôi thúc phải loại bỏ hoàn toàn để có thể hái ăn trực tiếp như trong tự nhiên.
Khác với những người làm nông nghiệp hữu cơ luôn tìm cách sử dụng phân bón hữu cơ hay những chế phẩm sinh học để chăm sóc cây trồng. Ông Hùng, dùng chính sở trường của một nhà sinh vật học. Ông biến khu vườn của mình thành một tiểu sinh thái nằm giữa thiên nhiên. Trong đó, cỏ cây, côn trùng sinh tồn, phát triển bằng đấu tranh sinh học, như việc trồng cây hoa rực rỡ để thu hút côn trùng; côn trùng có ích ăn các loại sâu bệnh. Với những côn trùng có hại, ông dành thời gian nghiên cứu về tập tính, thói quen của nó. Chẳng hạn, với con bọ nhảy vốn được coi là loại côn trùng đáng ghét nhất của các loại cải hữu cơ, chỉ có thể nhảy với độ cao tối đa chừng 50cm, nên ông đưa giá thể lên giàn cao hơn mặt đất 50cm, đồng thời lấy xác cải để dưới đất làm bẫy loại côn trùng này. Nhờ vậy, vườn cải sạch một cách tự nhiên, khách có thể hái ăn ngon lành khi thăm vườn.
Khi TS Nguyễn Bá Hùng bắt đầu trồng những loại rau củ hữu cơ đầu tiên trên cao nguyên Langbiang, thì tại vùng sông nước Cửu Long, một vị tiến sĩ nông nghiệp khác cũng bắt đầu hành trình nông nghiệp hữu cơ của mình. Đó là TS Võ Minh Khải.Ông từng bị mang tiếng là “khùng” khi đang gặt hái thành công xuất khẩu nông sản, lại bỏ ngang và khởi nghiệp ở mãi trong vạt rừng U Minh (Cà Mau). Ông bắt tay vào làm thực phẩm hữu cơ, bắt đầu với cây lúa khi chưa nhiều người biết đến khái niệm “hữu cơ”. Ông Khải kể, lý do khiến ông “khùng” là bởi khi làm xuất khẩu gạo, đi khắp các nước tìm kiếm thị trường, nhận ra một điều, dù Việt Nam xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, nhưng đích đến thường là thị trường có chuẩn khá thấp, như châu Phi hay một số nước Đông Nam Á. Gạo Việt Nam khó vào châu Âu, Mỹ, Nhật… do không đủ tiêu chuẩn an toàn. Ở những nước này, người ta luôn cảnh giác với chất lượng nông sản Việt Nam.Đây là hệ quả từ nền nông nghiệp cứ đắm chìm mãi trong canh tác hoá học, thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đã trở thành nếp, người ta ăn gì cũng tính đến an toàn sức khoẻ.
Tuy quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ, nhưng mọi thứ với ông Võ Minh Khải là vô vàn khó khăn.Ông nhớ khu đất dựng trại thậm chí không có đường vào. Đất đai nhiễm phèn, không có điện, không có nước ngọt, hạ tầng coi như bằng không. Ngay cả những thứ có sẵn như nguồn nước tự nhiên cũng phải trữ, lắng, lọc, loại trừ hoàn toàn nguy cơ ô nhiễm trước khi đưa vào đồng ruộng.Ông nhanh chóng nhận ra, trồng lúa hữu cơ phải được chính các tổ chức từ các nước phát triển công nhận. Ông gửi mẫu đất, mẫu nước sang Đức kiểm tra, bảo đảm đạt yêu cầu hơn 200 chỉ tiêu hoá lý. Cây lúa ông trồng không dùng phân, thuốc hoá học. Việc diệt cỏ cũng phải thuê người nhổ bằng tay, đối phó với dịch bệnh chỉ bằng những mẹo dân gian.
Ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Sài Gòn (Saigon Innovation Hub) chia sẻ, nông nghiệp hữu cơ là một xu hướng. Nông nghiệp Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh với các nước, nhưng phải xác định đây là con đường dài và đòi hỏi tư duy khác biệt. Từng dẫn đoàn người Nhật đến tỉnh Lâm Đồng đầu tư làm nông nghiệp hữu cơ, ông Tước không khỏi ngạc nhiên khi họ mua vài trăm hecta đất, rồi bỏ không trong năm năm chỉ để cho cỏ mọc, với mục đích rõ ràng là để cây cỏ loại bỏ độc tố trong đất một cách tự nhiên, sau đó mới trồng loại cỏ chuyên dụng cho bò ăn, bò ăn loại cỏ hữu cơ đó thì sữa bò không có độc, phô mai không độc. Ông hiểu rằng, để có được sản phẩm hữu cơ, phải mất thời gian.Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ, cần có tính mới, chẳng hạn như sản phẩm mới, cách thức kinh doanh mới, tạo ra xu hướng mới, làm cho xã hội hướng đến tiêu dùng nó.
Ngoài ra, ông cho rằng làm nông nghiệp hữu cơ đam mê thôi chưa đủ, mà phải hiểu nó, đánh giá thị trường và có phương án đưa sản phẩm đi xa hơn. Nhiều người muốn trồng sen sạch, nhưng cũng chỉ nghĩ đến những sản phẩm như sen sấy, trà sen; mà không ai nghĩ đến công nghệ chế biến, chiết xuất.Nếu có công nghệ cao hơn, sẽ có những sản phẩm như thuốc, mỹ phẩm.Hiện trong nông nghiệp đang vắng bóng giải pháp công nghệ, trong khi một giải pháp có thể tạo ra trăm thị trường.
bài, ảnh Thư Đặng (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này