10:26 - 03/01/2019
Đầu năm 2019, Vinamit vừa được chứng nhận hữu cơ của Trung Quốc
Sau ba năm liên tiếp thực hành sản xuất chế biến theo đúng yêu cầu của tiêu chuẩn hữu cơ Trung Quốc, Vinamit vừa được cơ quan đánh giá chứng nhận của Trung Quốc cấp giấy chứng nhận hữu cơ.
Giấy chứng nhận này cấp cho sản phẩm mít hữu cơ (mít tươi và mít sấy).
Điều đáng nói là cách chứng nhận của Trung Quốc hoàn toàn khác các nước, rất khó khăn và chi tiết hơn nhiều. Dù đã được cấp chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ và EU, Vinamit vẫn phải đăng ký để được hướng dẫn và theo dõi quá trình thực hành lần đầu tiên theo tiêu chuẩn hữu cơ trong ba năm liên tiếp, đặt dưới kiểm tra nghiêm ngặt của đoàn đánh giá chứng nhận hàng năm.
Họ chỉ đánh giá chứng nhận những cây đã có trái và có thể thu hoạch, kiểm tra ngay tại nông trại, đếm thực tế tổng số cây và sản lượng trái và chỉ cấp cho đúng diện tích trồng, số cây và sản lượng trái tương ứng. Những loại cây khác (thơm, chuối…) dù trồng trên đất và phương pháp, quy trình tương đồng mà chưa có trái họ cũng chưa chứng nhận. Sản phẩm được chứng nhận được dán logo và đặc biệt có dán nhãn kiểm tra trên bao bì để hải quan Trung Quốc kiểm soát và khấu trừ trên số lượng được cấp chứng nhận.
Thị trường Trung Quốc hiện thiếu sản phẩm hữu cơ trầm trọng, vì đều phải qua quy trình dài ba năm với mọi biện pháp khắc nghiệt nhất. Giấy chứng nhận hữu cơ đầu tiên của Việt Nam mà Vinamit nhận được là kết quả của quyết tâm theo đuổi xuất khẩu chính ngạch, có thể coi là bước đột phá thành công, mở ra thị trường xuất khẩu lớn Trung Quốc.
Việt Nam có chưa tới 100 chứng nhận hữu cơ
Theo bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam mới có 71 chứng nhận hữu cơ của USDA cho các trang trại canh tác nông nghiệp và nhà máy chế biến thực phẩm. Phần lớn trong số này thuộc về các vùng dừa và sản phẩm liên quan đến dừa, lúa gạo, khoai mì, trà, mía đường… Số lượng các trang trại trồng rau quả đạt chứng nhận hữu cơ của USDA chỉ đếm đầu ngón tay.
Một chuyên gia tư vấn nông nghiệp từng có thời gian làm cho một tổ chức chứng nhận quốc tế tại TP.HCM cho biết, đa số diện tích các trang trại ở Việt Nam dao động từ 1 – 5ha, chi phí chứng nhận mỗi năm khoảng 5.000 USD (trên dưới 100 triệu đồng). Số tiền không quá lớn vì đổi lại, nếu có chứng nhận thì giá bán sản phẩm rau hữu cơ cao hơn rau thường tới 30 – 50%.
Ông Lê Văn Toàn, quản lý trang trại hữu cơ tại Long Thành, nhẩm tính 1ha trồng rau hữu cơ có thể cho tối thiểu 100kg rau mỗi ngày, tức là 36.000kg hay 36 tấn mỗi năm. Chi phí chứng nhận hữu cơ cho trang trại mỗi năm là 100 triệu đồng, làm tăng chi phí khoảng 3.000 đồng/kg rau.Trong khi đó, giá rau hữu cơ thường đắt gấp 2 – 3 lần rau thường, nghĩa là cao hơn 10.000 – 30.000 đồng/kg so với rau thường.Điều đó cho dù bỏ tiền khá lớn ra lấy chứng nhận, nhưng giá trị đem lại lớn hơn nhiều.Chưa kể, với trang trại có diện tích từ 2 – 5ha, chi phí chứng nhận cũng tương đương, nên giá thành thực tế thấp hơn giá thành lý thuyết.
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này