14:29 - 04/02/2021
Xem nhà nông Úc làm hữu cơ, nghĩ về Việt Nam
Nông dân canh tác với quy mô lớn thường theo các tiêu chuẩn như NASAA, ACO, USDA/NOP, EU, JAS… còn nông dân ít đất (thường chỉ vài héc ta) khi tham gia canh tác hữu cơ có thể lựa chọn mô hình chứng nhận theo tiêu chuẩn PGS (hệ thống kiểm định có sự tham gia) do IFOAM ban hành và được áp dụng thành công ở một số nơi, như vùng đông nam bang New South Wales (NSW): Bega, Brogo…
Bề dày nông nghiệp hữu cơ Úc
Úc là nước có truyền thống làm nông nghiệp hữu cơ từ thập niên 40 của thế kỷ trước. Theo ông Alan Broughton, phó chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ vùng Bairnsdale, bang Victoria, lịch sử còn ghi lại bài viết về nông nghiệp hữu cơ được đăng vào năm 1945. Theo số liệu của FiBL (năm 2019), diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Úc chiếm khoảng 52% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thế giới. Điều đó khiến tôi suy nghĩ tại sao Úc phát triển nông nghiệp hữu cơ như thế.
Qua trao đổi và tiếp xúc với một số nông dân Úc tại các bang NSW, Victoria và Nam Úc đã và đang canh tác hữu cơ, tôi nhận thấy họ có những điểm chung như sau:
Hầu hết nông dân làm nông nghiệp hữu cơ tại Úc đều có ít diện tích canh tác, thường chỉ sở hữu vài héc ta đến vài chục héc ta đất (nếu ở Việt Nam chừng này là nhiều, nhưng với nước Úc rộng lớn thì chẳng đáng bao nhiêu), trong khi người canh tác theo phương pháp hóa chất (conventional) có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn héc ta.
Nông dân sản xuất hữu cơ thường có lịch sử không tốt về sức khỏe, đặc biệt là thành viên của gia đình họ thường có người mắc bệnh hiểm nghèo (như ung thư) hoặc đã trải qua và bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng hóa chất trong canh tác theo phương pháp hóa chất từ trước, hoặc bị ảnh hưởng bởi cộng đồng canh tác nông nghiệp hóa chất xung quanh.
Họ cũng là những nông dân thường có điều kiện thu nhập ổn định từ vợ hoặc chồng đang làm nghề ổn định như công chức, thầy cô giáo, y tá…
Đặc biệt người làm nông nghiệp hữu cơ có nhận thức rất tốt về bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cho đất và đa dạng sinh học.Cuộc sống của họ rất giản dị.
Họ rất siêng học tập mở mang kiến thức, hiểu sâu về thị trường và thường tự tạo thị trường tiêu thụ nông sản thông qua các kênh chợ truyền thống, cửa hàng bán đồ hữu cơ tại địa phương, các phiên chợ farm cuối tuần, bán theo đơn đặt hàng của nhà hàng hoặc người dân tiêu thụ online thông qua mạng internet.
Điều đáng nói, những nông dân chuyên về nông nghiệp hữu cơ mà tôi từng gặp và trao đổi, từ anh nuôi bò sữa, người trồng rau, trồng tỏi, cây ăn quả, lúa, chăn nuôi bò thịt… tôi chưa thấy ai lo lắng về thị trường tiêu thụ cả. Một anh nông dân nuôi bò sữa hữu cơ tại vùng Gippsland, bang Victoria cho biết từ khi anh chuyển sang hữu cơ hơn 10 năm nay, giá sữa chỉ có tăng, không hề giảm.
Những vùng sản xuất hữu cơ thường có đầy đủ các dịch vụ đầu vào và đầu ra, như cơ sở bán dụng cụ phục vụ canh tác hữu cơ, phụ phẩm; chợ farm (nông trại) để nông dân mang hàng đến bán trực tiếp cho người tiêu dùng; tiệm ăn uống bán thức ăn toàn là sản phẩm hữu cơ… Đây được gọi là hệ sinh thái sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ, kể cả tại địa phương, chợ làng chứ không nhất thiết chỉ có tại thành phố lớn như Sydney, Melbourne…
Hầu hết nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ thường tham gia các hội nghề nghiệp, ví dụ hội nông nghiệp hữu cơ ở các bang, hội cấp địa phương và quốc gia. Hội và hiệp hội nông nghiệp hữu cơ là đơn vị rất quan trọng trong việc đào tạo cho nông dân kiến thức sản xuất, kết nối thị trường và tiếp cận chính sách. Hội còn có thêm bộ phận chứng nhận hữu cơ độc lập (bên thứ ba) tạo điều kiện nông dân tham gia và được tư vấn các loại chứng nhận hữu cơ trong nước và các chuẩn quốc tế.Ví dụ hội NASAA (National Association of Sustainable Agriculture Australia) có thành viên là nông dân khắp nước Úc, và nông dân một số nước Đông Nam Á cũng tham gia.
Ngoài ra, tại Úc mô hình hội nông nghiệp hữu cơ cộng đồng phát triển khá mạnh. Ví dụ tại thủ đô Canberra có hội trồng rau hữu cơ, có 12 vườn cộng đồng tại các khu phố nhỏ (town) để tạo điều kiện cho mọi người đến trồng trọt, học tập, là nơi giáo dục học sinh và huấn luyện người dân thành phố về canh tác xanh, hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam
Gần đây Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách về phát triển nông nghiệp hữu cơ tại nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Đây là điểm rất tích cực.Ví dụ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ ra đời năm 2017, rồi kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 cũng được ban hành vào tháng 6/2020.Tất cả những văn bản trên là khung pháp lý rất quan trọng để phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Khá nhiều địa phương, tỉnh thành đã bắt đầu xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa phương mình, chẳng hạn tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ đến 2025, nêu rõ từng cây, con chủ đạo và khoanh vùng sản xuất hữu cơ, liên kết thị trường tiêu thụ… Tuy nhiên, dễ nhận thấy nhiều người được đào tạo bài bản, và cả nông dân (đặc biệt nông dân trẻ) về quê, nông thôn để thực hiện ước mơ làm nông nghiệp sạch, phần đông chỉ qua mày mò, tự tìm hiểu, lấy trồng trọt là chính, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Việt Nam vẫn còn rất thiếu các nguồn lực tại cấp địa phương để phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Nhiều người muốn và có ý chí làm nông nghiệp sạch, hữu cơ, nhưng cái thiếu là kiến thức kỹ thuật và hệ sinh thái thị trường tiêu thụ sản phẩm. Có một số nhóm, cá nhân nhỏ đã thành công ở quy mô nhỏ, nhưng nhìn chung người nông dân canh tác hữu cơ hiện tại thiếu kiến thức và đặc biệt là kỹ năng sản xuất, phát triển, tiếp cận thị trường để sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có thể phát triển quy mô lớn và vững chắc.
Hơn thế nữa, nông nghiệp hữu cơ đang bị coi như cái gì đó xa lạ, cao siêu trong suy nghĩ của nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý nông nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến hành động và đầu tư trong phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.
Trong nhiều việc cần làm, Việt Nam nên ưu tiên đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ, thông qua việc phát triển các hội đoàn nông nghiệp hữu cơ “nói được, làm được” và các cơ quan khuyến nông cấp địa phương, đào tạo đội ngũ kỹ thuật và kết nối thị trường cho nông dân, đưa chương trình đào tạo nông nghiệp hữu cơ vào các trường đào tạo nghề, cao đẳng và đại học. Đặc biệt là nông dân sản xuất nhỏ, lại có nhiều khả năng chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, cần được đào tạo ngay kiến thức về sản xuất và kỹ năng phát triển trang trại, doanh nghiệp gắn tiêu thụ nông sản hữu cơ. Làm được như vậy, sự phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam sẽ sớm cải thiện và phát triển.
TS Nguyễn Văn Kiền* (theo TGHN)
————–
(*) CEO Mekong Organics PTY LTD, Úc
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này