15:19 - 01/11/2018
Khởi nghiệp nông nghiệp: ‘Chất’ thôi chưa đủ
“Các bạn trẻ khởi nghiệp muốn ra thế giới, hãy quan tâm năm yếu tố: học hỏi, bán hàng, mua hàng, tiếp thị và kết nối”, ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch hội đồng quản trị Vinamit.
Theo chuyên gia đào tạo khởi nghiệp Trương Cẩm Minh, khi dạy những lớp khởi nghiệp, mong muốn của nhiều bạn trẻ khởi nghiệp là muốn đưa sản phẩm ra nước ngoài. Nhưng khi doanh nghiệp khởi nghiệp chưa biết làm tiêu chuẩn, nay gặp đối tác “kết” muốn mua với số lượng lớn, lại không đủ hàng cung cấp.
Những đơn hàng
Phạm Xuân Thành khởi nghiệp với thương hiệu Con Tôm Rừng Cà Mau. Sản phẩm con tôm rừng của Thành được kiểm định tại trung tâm Kiểm định 3 với những tiêu chí an toàn, “không” chì, cadimi, asen hoặc thuỷ ngân…
Trong một cuộc chia sẻ với các chuyên gia và bạn trẻ khởi nghiệp, Thành kể: “Dịp đi hội chợ quốc tế ThaiFex 2018, đem nửa ký tôm khô qua giới thiệu với khách hàng, một đối tác mua gói hàng này. Sau khi kết thúc hội chợ, một doanh nghiệp từ Nhật Bản viết email, nói rằng: tôm rất ngon, ngọt và an toàn, ngon hơn tôm Thái Lan, muốn nhập một container. Đối tác này nói thêm, nếu được, một năm sẽ nhập từ 2 – 3 container tôm khô của công ty Con Tôm”. Nhận được email này, Thành “té ngửa” vì mỗi tháng sản lượng của Con Tôm bán ra thị trường khoảng 200kg, 1 container là “ngoài sức tưởng tượng”.
Ông Nguyễn Minh Hậu, chủ cơ sở sản xuất giống cây ăn trái 6 Ri (Vĩnh Long) trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cũng kể câu chuyện “hụt” hàng đi nước ngoài. Ông Hậu cho biết, trong chuyến đi ThaiFex 2018, khi chia sẻ về cách trồng sầu riêng sạch, có đối tác ăn thử, sau đó đặt mua 3 container sầu riêng (18 tấn cơm sầu riêng/1 container). Nhưng ông Hậu đành tiếc nuối, vì số lượng hiện nay không đủ cung cấp.
Kinh nghiệm khi ra thế giới
Ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch hội đồng quản trị Vinamit cho rằng, trường hợp con tôm của Thành, sầu riêng của ông Hậu… là những cơ hội lớn của doanh nghiệp trẻ khi khởi nghiệp. Ông Viên khuyên: “Khi gặp những trường hợp đó, hãy nói theo cách khôn ngoan: sản lượng nhiều nên cho tôi thời gian, cụ thể là một năm”. Ông Viên còn chỉ ra kinh nghiệm kinh doanh, nếu biết thương lượng, nhấn mạnh vào yếu tố cảm xúc khi đàm phán, con tôm rừng của Phạm Xuân Thành có thể bán với giá rất cao so với giá thị trường.
“Vì hàng tự nhiên không có nhiều, nên các nhà mua hàng sẽ tranh mua.Đừng suy nghĩ bán hàng rẻ, vì đó là cách huỷ diệt doanh nghiệp”, ông Viên nói. Vị chủ tịch Vinamit còn khuyên các doanh nghiệp trẻ “hãy đi ba năm liên tiếp tại các hội chợ chuyên ngành, để tìm xu hướng kinh doanh và học hỏi những điều hay của thiên hạ”.
Trong một cuộc kết nối doanh thương do hội DN.HVNCLC tổ chức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hệ thống bán hàng hiện đại thế giới và Việt Nam trong khuôn khổ triển lãm hàng dinh dưỡng vừa diễn ra tuần trước, bên mua hàng luôn có câu hỏi: “Liệu doanh nghiệp có đủ sản lượng để bán cho chúng tôi không?”
Nếu sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn…, cơ hội luôn luôn rộng mở, đến mức không đủ hàng để bán!
bài, ảnh Trần Quỳnh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này