
09:31 - 11/07/2019
Quy định về nông nghiệp an toàn của Ba Lan
“Poland tastes good” là thương hiệu quốc gia dành cho những sản phẩm truyền thống của Ba Lan, đã được kiểm chứng và đảm bảo xuất sắc về hương vị và chất lượng.

Tác nghiệp tại một trại ong ở Ba Lan. Tại EU, con ong giữ vai trò quan trọng trong việc thụ phấn cho hoa, đảm bảo năng suất vụ mùa.
Chương trình trọng điểm này nhằm thúc đẩy ngành nông sản thực phẩm của Ba Lan, do trung tâm Hỗ trợ nông nghiệp quốc gia (KOWR) chủ trì. Theo đó, các sản phẩm chủ lực gồm: thịt, sữa và sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, rau quả. Phạm vi bài viết này chỉ tập trung vào cách thức Ba Lan bảo vệ hình ảnh nông sản của họ trên thị trường quốc tế. Những thách thức mà các nhóm sản phẩm này của Việt Nam sẽ phải đối mặt khi EVFTA có hiệu lực.
Ngành chăn nuôi của Ba Lan
Thức ăn chăn nuôi là thách thức đáng kể đối với ngành chăn nuôi ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, vì nó ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất và kiểm soát an toàn thực phẩm.
Ví dụ gần ngay trước mắt là Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi hàng năm phải chi nhiều tỷ USD để nhập bánh dầu đậu nành và bắp (nguyên liệu chính), chủ yếu từ Mỹ và Nam Mỹ. Đã có nhiều nghiên cứu, báo cáo về tác động của việc tăng sản lượng các loại nguyên liệu này, cùng với giảm tỷ lệ rừng. Thêm vào đó, biến đổi gien (GMO) cũng đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Ở Ba Lan, nhóm nguyên liệu chính này hoàn toàn được sản xuất trong nước (vì EU cấm nhập khẩu thực vật GMO?). Nhờ vậy mà các tập đoàn chăn nuôi lớn (như Cedrob, Viando) có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi riêng, không chỉ cung cấp thức ăn cho hệ thống trang trại của công ty, mà cho cả các nhà chăn nuôi tham gia chuỗi.
Chăn nuôi: an sinh động vật có tương quan với quản lý dịch bệnh và chất lượng sản phẩm thịt. EU quy định nghiêm ngặt về mật độ nuôi (ký/diện tích nuôi) và kiểm soát thú y trong quá trình nuôi, trước và sau giết mổ. Giám đốc một trại nuôi gà thịt của Cedrob cho biết, trang trại của ông phải hợp đồng với một công ty chuyên cung cấp dịch vụ thú y để quản lý dịch bệnh, và một công ty khác thu gom gà chết.Việc áp dụng chính sách “cùng vào, cùng ra” là một trong những cách giúp trang trại quản lý hiệu quả dịch bệnh. “Cùng vào, cùng ra” ở đây được hiểu là nếu trang trại có mười nhà nuôi, thì cả mười nhà được thả gà con vào gần như cùng thời điểm (chênh lệch không quá ba ngày), và cả mười nhà được trống chuồng cùng lúc.
Gà ở đây được nuôi trên sàn lót rơm, không nuôi thành nhiều tầng như nhiều trại ở Việt Nam.Ông giám đốc cho biết mục đích của việc này là để gà không bị căng thẳng, mật độ nuôi vừa phải cũng sẽ tốt cho vấn đề quản lý dịch bệnh. Có lẽ đây là lý do mà trong cả EU, Ba Lan là quốc gia duy nhất nhiều năm qua không bùng phát dịch gia cầm.
Ngành trồng trọt: ở một hội chợ nông nghiệp địa phương, một ông lão áng chừng 70 tuổi, cô con gái chắc 30 ngoài, làm nông mấy chục năm rồi. Theo ông, nhà nông nhất thiết phải trồng một loại cây trồng khác để cải tạo đất sau khi kết thúc một vụ ngũ cốc. Mấy loại cây trồng này có loại rễ ăn sâu giúp cho đất được tơi, xốp; có loại rễ cây tiết ra mùi xua các loại côn trùng có hại trong đất, hoặc làm cho chúng bị tê liệt; có loại giúp cố định đạm trong đất. Trước khi bắt đầu vụ mới, sẽ có người lấy mẫu đất để phân tích, báo cáo về tình trạng đất, từ đó đưa ra khuyến cáo sử dụng phân bón.
Trong quá trình trồng, cơ quan chức năng ở địa phương sẽ cử nhân viên theo dõi dịch bệnh cây trồng và giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật được phân tích cho mỗi đợt thu hoạch, áp dụng cho cả sản phẩm và đất. Bằng cách này, sản phẩm cuối được đảm bảo là an toàn cho người.
Con ong và cây trồng: ngành trồng trọt ở EU nói chung, Ba Lan nói riêng, con ong giữ vai trò quan trọng trong việc thụ phấn cho hoa, đảm bảo năng suất vụ mùa. Nếu như ong mật được ưa chuộng ở các vườn cây ăn trái, thì “ong cô đơn” lại được yêu thích hơn ở các nhà kính trồng cà chua, dưa leo. Vì những đóng góp này mà ngay trụ sở bộ Nông nghiệp Ba Lan có hẳn những nhà ong đầy màu sắc, một vị hào hứng nói năm vừa rồi văn phòng bộ thu được vài trăm ký lô mật ong từ mấy thùng ong nhỏ xinh này. Còn ở một trang trại sản xuất ong chúa, người chủ làm hẳn một “khách sạn ong cô đơn” với rất nhiều hoa xung quanh, không khác gì một toà lâu đài thu nhỏ. Họ nuôi ong mà cứ như đang làm nghệ thuật!
Bài học Ba Lan: theo người viết, xây dựng và phát triển một cộng đồng sản xuất nông nghiệp an toàn, phát huy ưu thế bản địa, là lựa chọn cho chiến lược cho phát triển nông nghiệp Ba Lan thời hội nhập. Chiến lược này sẽ giúp nhà sản xuất Ba Lan không chỉ giữ vững được thị trường trong nước, mà còn từng bước mở rộng thị phần quốc tế trong tương lai.
Cuối cùng, với EVFTA, giữa cơ hội và thách thức cho nông nghiệp Việt Nam, khó mà nói được phần nào đang thắng thế, khi chúng ta chưa có đầy đủ bằng chứng, trước hết cho thị trường với hơn 90 triệu người tiêu dùng, thấy rằng ta đang có một cộng đồng sản xuất tốt.
Kim Thanh (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Làng xã đồng lòng làm nông nghiệp hữu cơ
Chứng nhận PEFC – CoC cho các sản phẩm gỗ chế biến
Kỳ vọng những ruộng lúa chất lượng cao đầu tiên ở miền Tây
Điều cần biết về phòng vệ thương mại EU
Vải thiều Thanh Hà lên đường xuất ngoại
Tin khác


EU công bố danh sách các tổ chức cấp chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm từ VN

Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này