17:01 - 08/08/2018
Để con gà hội nhập!
Hôm rồi đi coi trại gà ở Gò Công, Tiền Giang, tôi giật mình vì kiểu làm rất gần với trại gà sinh học ở Hà Lan (xứ mình gọi là hữu cơ) mà tôi có dịp ngó nghiêng trong mấy lần đi thực địa với lớp.
Bên đó người ta tận dụng đồng cỏ của bò làm sân chơi cho gà, còn ở mình thì sử dụng vườn nhà, nhưng mình bảnh hơn họ một chút là còn có con mương với giàn mướp, giàn bầu, nhìn thiệt vui mắt.
Tôi hỏi anh trai Gò Công sao không trồng cây xoài, cây mít, ít năm nữa có trái bán, trồng chi mấy cây trứng cá, lá và trái rụng đầy sân dơ èm. Ảnh than, nói trồng cây không kịp lớn, giống gà này tới cỏ nó còn không tha. Tôi cười cười kêu ảnh hay là kiếm lưới quây cái cây lại, không cho gà mổ.
Mấy bữa sau tôi dạy một lớp nhận thức tiêu chuẩn cho chăn nuôi gà (không phải VietGAP), anh chủ nhiệm của hợp tác xã gà (mà tôi đi thăm hôm trước) vỗ đùi cái đét lúc tôi nói tới đoạn tiêu chuẩn quốc tế quy định lớp độn chuồng dày tối thiểu hai phân.
Ảnh nói hồi mới nuôi cách đây non chục năm, ảnh đã nói với xã viên như vậy, mà người ta không chịu, vì tìm mấy tài liệu nuôi thấy toàn khuyên nhà nông làm lớp độn chuồng ít nhứt cũng phải 20 phân, ảnh cho rằng làm dày như vậy lớp dưới chuồng sẽ ẩm và là ổ vi trùng. Tôi nghĩ, vậy ra nông dân mình cũng “ngon” lắm chớ bộ!
Trong ba ngày học, chúng tôi nói với nhau gần như mọi thứ về con gà và con đường tới bếp ăn của nó. Tôi nhận thấy rằng, với gà thả vườn, đa số gà giống không đến từ các lò ấp quy mô công nghiệp. Tôi chưa tìm hiểu liệu có nghiên cứu khoa học nào liên quan đến khả năng kháng bệnh và tốc độ tăng trưởng của các giống gà thả vườn hiện có. Tôi thiết nghĩ điều này là cần thiết, cần có cơ sở cho việc lựa chọn gà giống, vừa đảm bảo đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người nuôi.
Chúng tôi cũng nói về việc gà nuôi tốt, đúng quy trình, nhưng khâu thu gom và giết mổ không biết làm cách nào để ngăn chặn tình trạng trộn gà của nơi khác với gà của các hộ nuôi có đăng ký. Trong tiêu chuẩn quy định phải có trao đổi thông tin giữa lò giết mổ và trang trại về số lượng gà chết khi đến nơi, số gà bị quẹo cánh, quẹo chân, phồng rộp đệm chân. Điều này là quan trọng, vì nó nói lên cách thức gà được bắt, được vận chuyển và giữ ở nơi giết mổtrong điều kiện như thế nào.
Nếu các dữ liệu này được ghi chép đầy đủ, chẳng những giữa người nuôi, thương lái, lò giết mổ đỡ phải tranh cãi khi thịt gà đưa đến nơi bán bị “chê” (có thể dẫn đến giảm giá), mà còn giúp cho từng khâu hiểu rõ và làm tốt phần việc của mình. Tôi thấy không khó để làm việc này, chủ yếu là các bên có chịu làm hay không mà thôi.
Đoạn trao đổi liên quan đến quản lý kháng sinh trong nuôi gà là sôi nổi nhất. Phần lớn người nuôi nhỏ lẻ sử dụng kháng sinh dựa trên kinh nghiệm, hoặc theo khuyến cáo của bác sĩ thú y, hơn là làm kháng sinh đồ, để đánh giá xem nên sử dụng loại kháng sinh nào cho hiệu quả, yêu cầu bắt buộc trong thực hành nuôi gà theo tiêu chuẩn quốc tế. Tôi thấy đây là thách thức lớn cho người nuôi nếu muốn sử dụng kháng sinh một cách an toàn, vì cơ sở thú y có làm kháng sinh đồở mình không phổ biến.
Một khía cạnh khác của vấn đề này là kiểm soát tồn dư kháng sinh trước khi xuất chuồng, học viên nói với tôi là Nhà nước không quy định. Tôi hỏi thăm vài phòng thí nghiệm, thì được cho biết đối với thịt tươi sống chỉ quy định kiểm tra vi sinh vật thôi. Điểm này bất hợp lý. Sử dụng kháng sinh là điều không tránh khỏi, vậy thì gà phải được lấy mẫu và kiểm tra dư lượng trước khi xuất chuồng, chứ cứ nói là đã cách ly theo đúng quy trình rồi cung cấp hồ sơ ghi chép việc sử dụng kháng sinh, là chưa đủ để người tiêu dùng tin tưởng.
Tôi kỳ vọng Chuẩn hội nhập cho chuỗi gà sắp tới của hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ lấp đầy các lổ hổng đã được nhận diện và đánh giá, lấy lại lòng tin người tiêu dùng trong nước, và xây dựng nền tảng cho chuỗi gà xuất khẩu trong tương lai không xa.
bài, ảnh Kim Thanh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này