10:04 - 27/06/2022
Uống cà phê, mặc cà phê
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra cuối tháng 5 rồi tại Bangkok với chủ đề: “Mở rộng mọi cơ hội, kết nối đa chiều và cân bằng mọi khía cạnh”. Trong đó, mô hình kinh tế sinh học – tuần hoàn – xanh (bio-circular, green economy – BCG) là một nội dung trọng tâm của diễn đàn này.
Đa dạng sợi vải
Một hội nghị, triển lãm chuyên đề về mô hình kinh tế sinh học – tuần hoàn – xanh đã diễn ra với nhiều sản phẩm nổi bật của các nước trong khối APEC.Là công ty duy nhất đến từ Việt Nam, Faslink – doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu ngành may mặc – mang đến chiếc áo có sợi vải được làm từ bã cà phê.Với khẩu hiệu “Uống cà phê. Mặc cà phê”, chiếc áo thu hút sự chú ý của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit khi thăm gian triển lãm Faslink.
“70% danh mục sản phẩm của công ty đến từ các công nghệ xanh, không chỉ có chiếc áo cà phê, đội ngũ R&D còn nghiên cứu ra các loại sợi vải làm từ vỏ hàu, lá bạc hà, thân và lá sen, chai nhựa PET. Các sản phẩm này đã được thương mại hóa thành công”, theo lời bà Trần Hoàng Phú Xuân, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc.
Phát biểu tại hội nghị trên, bà bày tỏ: “Là một phần của chuỗi cung ứng thời trang Việt Nam, chúng tôi chọn sản xuất xanh là trách nhiệm của mình đối với thế hệ tương lai. Tại Faslink, chúng tôi tin rằng có một thị trường ngách tiềm năng chưa được khai thác cho hoạt động kinh doanh bền vững. Chúng tôi đã tiên phong thương mại hóa được nhiều loại sợi bền vững thành công và tôi muốn lan toả về điều này tại diễn đàn APEC”.
Nhiều người cho rằng nếu tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững trong kinh doanh sẽ khó có lợi nhuận. Do đó, bà Xuân tự nhận trách nhiệm “sẽ khiến cho thời trang bền vững không chỉ là mục tiêu xã hội mà là tiềm năng kinh doanh có trách nhiệm cần được khai phá”.
Trong cuộc gặp với đoàn 30 doanh nghiệp do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhân sự kiện hội chợ quốc tế Thaifex 2022, ông Nguyễn Thành Huy – Tuỳ viên Thương mại thuộc Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan khẳng định: “Rất tiếc sự kiện APEC chỉ có duy nhất Faslink của Việt Nam có những sản phẩm phát triển bền vững tham gia”.
Ông tùy viên thương mại cảm thấy tiếc. Bởi trong cuộc gặp chỉ với 30 doanh nghiệp của Hội, ông nhận thấy, những sản phẩm túi, giỏ xách, sổ tay… từ ông chủ trẻ Ngô Chí Công của công ty Khởi Minh Thành Công hoàn toàn là một sản phẩm phát triển bền vững, có thể tham dự sự kiện này.
Việc phát triển doanh nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang là mục tiêu của không ít doanh nghiệp, không riêng một doanh nghiệp làm mạnh mẽ như Faslink, hay còn nhỏ như Khởi Minh Thành Công.
Chẳng hạn như, Đồng Tháp có mô hình kinh tế tuần hoàn thu chất thải làm phân bón của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, với mô hình “sông trong ao” để có thể thu các chất thải phục vụ trồng trọt. Quy trình này cho phép một phần bùn thải, chất hữu cơ trong hồ nuôi cá được xử lý làm phân bón. Nước có thể dùng để tái tưới cây sau khi đã xử lý theo phương thức thủy canh.
Hay để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường sau khi thu hoạch lúa, nhất là nguồn rơm rạ trên đồng ruộng, Cỏ May Group đã đầu tư vào nghiên cứu tái sử dụng rơm rạ… Cỏ May Group tạo ra sản phẩm nấm rơm hữu cơ trồng trong nhà kín, không dùng bất kỳ loại hóa chất nào. Giá trị của rơm còn được nâng cao gấp nhiều lần khi nấm rơm được chế biến thành bột dinh dưỡng, nước mắm chay, nấm sấy, nấm tươi… Hay các loại trấu có thể được ép viên dùng làm nhiêu liệu đốt, còn cám dùng để trích ly dầu cám gạo. Bã cám sau trích ly dùng bổ sung cho thức ăn cá tra, tấm thì dùng làm bột, phần thành phẩm là bột nhứt để sản xuất các sản phẩm sau gạo.
Không dừng lại ở tái chế
Nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất những sản phẩm upcycle, tức chuyển đổi sáng tạo các nguyên liệu thải bỏ để tạo ra sản phẩm giá trị hơn ban đầu. Họ không dừng lại ở phong trào recycle – tái chế vật dụng để tận dụng giá trị còn lại của chúng. Nhiều nước APEC gần đây cam kết cao về phát triển bền vững. Thái Lan và Nhật Bản đặt mục tiêu trung hòa carbon vào 2050. Tại Thái Lan, mô hình BCG phát triển khá sôi nổi. Theo tính toán của Bộ Thương mại nước này, nền kinh tế BCG của họ đóng góp khoảng 21% GDP và sử dụng khoảng 16,5 triệu lao động. Mục tiêu đặt ra là con số sẽ cải thiện lên 24% sau 6 năm nữa.
Trong khi đó, Nhật Bản đã hành động với “Chiến lược phát triển xanh”, ban hành tháng 10/2020, trong đó xem việc giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu là cơ hội để tăng trưởng trong tương lai. Nhật Bản chọn ra 14 lĩnh vực then chốt để triển khai bằng 8 nhóm giải pháp như ưu tiên vốn, hỗ trợ thuế, tài chính, điều chỉnh các quy định và tiêu chuẩn, gia tăng hợp tác với viện trường, quốc tế… Họ lập quỹ “Đổi mới sáng tạo xanh” có quy mô 2.000 tỷ yen và giảm thuế đến 10% cho các dự án đầu tư trung hòa carbon.
Hay như Singapore, quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á đưa ra thuế carbon cao nhất thế giới, nhưng chính phủ tuyên bố sẽ mạnh tay hơn.
Khi dịch Covid bùng phát, kinh tế tuần hoàn không còn là ý tưởng nữa mà đã dấu hiệu định hình rõ nét hơn trong chính sách của các chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp khối APEC.Và doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt xu hướng này để tìm ra những hướng đi riêng cho mình trong giai đoạn mới.
Ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của đề án là góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về zero vào năm 2050. Đồng thời, tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế. Trong đó nhấn mạnh việc nghiên cứu, lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng… Tăng cường nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu thập, sử dụng, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông toàn diện, hài hòa gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn…
Vân Quỳnh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này