09:40 - 22/02/2022
Trái tim Mekong rối nhịp
Năm nay, có thể là năm thứ 4 liên tiếp vùng hạ lưu sông Mekong bị khô hạn nghiêm trọng. Nhận diện nguyên nhân không khó, nhưng vấn đề quan trọng hơn là ứng phó ra sao khi trái tim Mekong đang rối nhịp?
Chuyện xưa, chuyện nay
Ở vùng sông nước miền Tây, nước có mặt khắp nơi, hiện diện trong mọi mặt đời sống người dân. Tài nguyên nước tạo ra nền nông nghiệp, thủy sản, giao thông, du lịch với nhiều lợi thế cạnh tranh cho vùng này mang tầm khu vực và trên thế giới.
Văn minh lúa nước, văn minh sông nước, miệt vườn, văn hóa sông nước là hồn cốt của người đồng bằng. Nước có vai trò cực kỳ quan trọng suốt chiều dài lịch sử hình thành vùng đất này với sự kiến tạo phù sa, các trụ cột kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.
Nếu trước đây ai hỏi “nước ở đâu?” đối với vùng ĐBSCL bị xem là vớ vẩn, nay nó đã trở thành đề tài của những hội thảo khoa học thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, là vấn đề thực tiễn bức thiết.
Trận khô hạn, xâm ngập mặn lịch sử trăm năm đã xảy ra vào năm 2016, nhưng chỉ 4 năm sau lại xảy ra trận hạn mặn nghiêm trọng khác vào năm 2020 không đợi đến chu kỳ dài hơn. Tình trạng “khát nước giữa vùng sông nước” không còn là chuyện hiếm, thiếu nước lợi, thừa nước hại trở nên phổ biến.
Nhìn rộng ra, khu vực hạ lưu sông Mekong bao gồm phần lãnh thổ của 4 quốc gia Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan chiếm đến 77% tổng diện tích 810.000km2 lưu vực toàn Mekong, vùng sông nước với chế độ thủy văn phong phú, hệ sinh thái nước ngọt đa dạng bậc nhất trên thế giới.
Đặc biệt, biển hồ Tonlé Sap ở Campuchia là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á, khu dự trữ sinh quyển thế giới có vai trò quan trọng điều tiết thủy văn, làm giảm dòng chảy mùa lũ, tăng dòng chảy mùa kiệt khu vực hạ Mekong và ĐBSCL. Nhưng liên tục nhiều năm qua, trái tim Mekong đang rối nhịp.
Cùng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, chính con người, các quốc gia đầu nguồn với các kiểu làm đập thủy điện treo “những túi nước khổng lồ” trên đầu Mekong, “trích máu dòng sông” bằng các dự án chuyển nước dòng chính, hay khai thác cát bừa bãi, khoan giếng nước ngầm tràn lan… đã tạo ra hiện tượng sông khát vì khô hạn, nước đói vì thiếu phù sa phải ăn vào bờ gây sạt lở, sụt lún đất.
Sông cạn, thiếu nước ngọt, thiếu lượng phù sa, theo quy luật “cân bằng tự nhiên” nước biển vượt qua các cửa sông lấn sâu vào nội địa, gây hạn mặn gay gắt. Tình trạng này còn làm tổn thương nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, các món đặc sản vùng miền ngày càng khan hiếm, mai một văn hóa miền sông nước.
Than vãn hay tự cứu minh?
Sông Mekong được nhìn nhận là tài sản chung, không chỉ của các quốc gia lưu vực sông, còn là tài sản của nhân loại. ĐBSCL và lưu vực Mekong nói chung có ý nghĩa lớn trong khu vực và trên thế giới về an ninh lương thực và an ninh nguồn nước. Mọi hành động đe dọa “sinh mạng” dòng sông này đều bị cộng đồng quốc tế phản đối.
Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế quan tâm giúp đỡ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, BĐKH và các vấn đề khác của các nước đang phát triển. Kết quả giải quyết mâu thuẫn nguồn nước sông Mekong như thế nào sẽ có tác động lớn đến việc làm phân hóa, chia rẽ hay tăng cường hợp tác, tình đoàn kết và thống nhất giữa các quốc gia Đông Nam Á.
Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH” đã xác định tầm nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển vùng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, bảo đảm cuộc sống khá giả của người dân ĐBSCL.
Đó là tư duy đột phá, thích ứng thuận theo tự nhiên và quy hoạch không gian tích hợp. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được ban hành cũng theo định hướng đó.
Cách tiếp cận ứng phó trước nhiều thay đổi của vấn đề nước sông Mekong cần chiến lược tổng thể “cân bằng nước”, nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên nước. Thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiêu dùng nước theo hướng phát triển nền công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, giảm thâm canh, giảm đầu vào, tăng giá trị và chất lượng đầu ra các chuỗi giá trị nông sản.
Sản xuất nông nghiệp với “3 chuyển dịch”: chuyển dịch thời vụ để né hạn, mặn, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa, kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công.
Hệ thống thủy lợi chủ yếu để thoát lũ, nay chuyển sang trữ ngọt và dùng nước tiết kiệm. Bên cạnh nước ngọt, nước mặn, lợ cũng là tài nguyên phát triển kinh tế biển, ven biển. Các dự án điều tiết nước, kiểm soát mặn ngọt kịp đưa vào sử dụng đã giúp các địa phương trong vùng phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn hiệu quả.
Cống âu thuyền Ninh Quới nằm trên kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp góp phần điều tiết mặn ngọt cho 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang, ngăn tác hại tình trạng xâm nhập mặn vùng lúa, hoa màu trong tiểu vùng. Tiểu dự án Măng Thít ở Vĩnh Long, Trà Vinh, dự án Bắc Bến Tre, trạm bơm Xuân Hòa ở Tiền Giang cũng đã kịp hoàn thành vào cuối năm 2019, bước đầu ứng phó hạn mặn. Gần đây nhất là đại công trình, hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được đưa vào sử dụng, kiểm soát mặn ngọt biển Tây, tiểu vùng Tây sông Hậu, Tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau.
Những giải pháp công trình mang tính kỹ thuật, công nghệ để ứng phó trước tác động của BĐKH, sụt lún, hạn mặn là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn vẫn là chất lượng quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, bố trí dân cư, tổ chức sản xuất đặt trong bối cảnh tổng thể, tính đến những mục tiêu ứng phó dài hạn. Tuy nhiên, cũng không quên những mục tiêu trước mắt là người dân phải sống, con em phải đi học, tạo sinh kế cho người dân trong an toàn trước nhiều thách thức đầu nguồn, tác động nội vùng khi “trái tim Mekong” vẫn đang rối nhịp.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này