09:31 - 11/10/2019
Dự án khởi nghiệp được hỗ trợ xây dựng thương hiệu
Lần đầu tiên, năm doanh nghiệp khởi nghiệp về nông nghiệp của TP.HCM nhận được gói hỗ trợ về xây dựng và phát triển thương hiệu.
Trong số đó, có hai dự án là Mật dừa nước Ông Sáu và Bột rau sấy lạnh Quảng Thanh đã lọt vào bán kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” 2019.
Điểm yếu của khởi nghiệp là thương hiệu
Tốt nghiệp ngành nông học trường ĐH Nông lâm TP.HCM, từng làm việc tại một ngân hàng thương mại lớn với mức lương khá cao, nhưng Lâm Ngọc Tuấn (quận 9, TP.HCM) lại quyết định bỏ việc để trồng rau sạch. Vốn có sẵn những kiến thức từ chuyên ngành đã học, cuối năm 2015, Tuấn quyết định khởi nghiệp trồng rau thuỷ canh trên mảnh đất khoảng 1.000m2 của gia đình. Để có vốn đầu tư, Tuấn năn nỉ gia đình “cắm” một số tài sản vay 1,9 tỷ đồng với lãi suất 10,5%.
Sau gần bốn năm gầy dựng, nay Tuấn chia sẻ mình đã sản xuất được tới 3,5 tấn rau thuỷ canh mỗi ngày, được hệ thống Metro bao tiêu. Bán được rau vào siêu thị với số lượng ổn định là mơ ước của Tuấn, nhưng do chi phí khấu hao, thời gian thu hồi công nợ lên tới 45 – 60 ngày, khiến bạn trẻ này lại gặp khó khăn dòng tiền xoay vòng chậm, ảnh hưởng đến việc thu chi hàng tháng.
Với Phan Minh Tiến, ông chủ cơ sở dừa nước Ông Sáu (huyện Cần Giờ) khởi nghiệp bằng sản xuất sản phẩm mật dừa nước, dù đang có lợi nhuận, nhưng Tiến vẫn cho rằng dự án đang gặp khó khăn về việc thương mại hoá sản phẩm, tìm kiếm nhiều nhà phân phối, để giúp đưa sản phẩm mới lạ này đến với người tiêu dùng rộng rãi hơn. Tiến từng tốt nghiệp khoa Công nghệ hoá, trường ĐH Bách khoa TP.HCM, có kiến thức nền về hoá thực phẩm, nên việc nghiên cứu, chiết xuất mật từ cây dừa nước và tạo ra một sản phẩm độc đáo, 100% từ tự nhiên với anh chàng này là điều không quá khó. Hiện tại, mỗi ngày mật dừa nước Ông Sáu sản xuất khoảng 10 lít mật cô đặc, tương đương với 50 chai. Doanh thu đạt được trên dưới 200 triệu đồng/tháng, nhưng Tiến luôn nung nấu quyết tâm phải mở rộng sản xuất, nâng chất lượng, số lượng mật dừa nước bởi nguồn nguyên liệu và khả năng nhân lực của cơ sở còn rất lớn. Tiến cũng mong muốn khi mở rộng quy mô sản xuất sẽ giúp được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Một dự án khác, đó là của Trần Văn Tấn (Nhà Bè) sản xuất nấm bào ngư. Năm 2015, Tấn thuê đất để trồng nấm bào ngư xám. Bắt đầu với số vốn gia đình tự có, Tấn mạnh dạn thành lập trang trại với tên là Nghĩa Nhân, tự tay mình mua từng cây sắt, cây gỗ về đóng kệ trồng nấm, rồi mày mò mua 100.000 bịch phôi giống về trồng. Quy trình làm nấm khép kín đã mang lại cho gia đình Tấn nguồn thu nhập. Tấn tâm sự: hiện mỗi ngày, trang trại của mình cung cấp ra thị trường từ 200 – 300kg nấm thành phẩm cho hệ thống cửa hàng rau sạch, các nhà hàng và chợ đầu mối Bình Điền với giá sỉ từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo Tấn, khi trang trại sản xuất ở quy mô nhỏ như thế này thì có thể quản lý được, còn muốn làm lớn hơn, xây dựng thương hiệu, tạo tên tuổi để cạnh tranh, chắc sẽ không dễ chút nào.
Tạo ra hệ sinh thái sản phẩm khởi nghiệp
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp trên địa bàn, giữa năm 2019, trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) kết hợp với trung tâm Tư vấn và hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thuộc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, xây dựng kế hoạch tập huấn cho hàng trăm đơn vị của các quận, huyện. Cuối khoá tập huấn, có ba doanh nghiệp và hai hợp tác xã (HTX), đó là HTX rau sạch Song Hy và bột rau sấy lạnh Quảng Thanh, được chọn hỗ trợ tư vấn xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm.
Ông Ngô Đình Dũng, giám đốc điều hành công ty Tư vấn Giải pháp Tổng thể (ISM), một trong những chuyên gia trong nhóm tư vấn, cho rằng: hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp có hai cấp độ khó khăn. Thứ nhất, khi họ làm ra sản phẩm thì chỉ lo bán hàng, nhưng được một thời gian sẽ phải đối mặt với khó khăn là cần sản xuất tiếp cái gì để bán, làm sao tăng giá trị cho sản phẩm và tăng lợi nhuận.Khó khăn thứ hai là làm sao để nâng cao hình ảnh thương hiệu.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp vẫn còn loay hoay, không biết làm sao để tăng được doanh số bán hàng, nâng cao giá trị. Các dự án chỉ mong có doanh số, chứ chưa nghĩ ra vấn đề mấu chốt là xây dựng được chất lượng, thương hiệu, sau đó mới là doanh số. Ít khi các doanh nghiệp nghĩ đến việc nâng cấp, xử lý để biến sản phẩm trở nên cao cấp hơn, bảo quản được lâu hơn. Ví dụ, sấy khô nông sản, rau củ để thành món ăn vặt, chiết xuất dược liệu, hay biến sản phẩm thành một món quà tặng.
“Khi chiến lược phát triển sản phẩm gặp khó. Vậy làm sao để nâng cao giá trị so với ban đầu, qua đó tăng doanh thu, tăng lợi nhuận? Ngay như bột rau má sấy lạnh Quảng Thanh, dù hiện nay sản phẩm được đóng bao bì nhỏ, tiện lợi, nhưng mới chỉ định vị thương hiệu là bột nước giải khát. Trong khi đó, sản phẩm này có thể chiết xuất ra những dòng khác để phục vụ làm đẹp, hoặc là chế biến thành thực phẩm chức năng để làm sáng da, thanh nhiệt… Đây chính là điểm yếu không chỉ của doanh nghiệp khởi nghiệp, mà đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang trong tình trạng tương tự”, ông Ngô Đình Dũng khẳng định.
Tư vấn bằng cách nào?
Với những hạn chế nêu ra, theo ông Ngô Đình Dũng, các dự án này sẽ được tư vấn, hỗ trợ. Đầu tiên, các chuyên gia sẽ hỗ trợ năm doanh nghiệp được chọn, từ đó khảo sát người tiêu dùng, nhằm đánh giá lại khuynh hướng tiêu dùng của họ đối với sản phẩm mà doanh nghiệp đang cung cấp. Từ những yếu tố nổi trội mà người tiêu dùng đang quan tâm, tổ tư vấn sẽ cùng với doanh nghiệp nghiên cứu, tìm ra giải pháp sản xuất, phát triển thương hiệu. Bên cạnh đó, khâu quan trọng nhất là nhóm tư vấn sẽ giúp doanh nghiệp định vị lại hình ảnh thương hiệu. Ví dụ, dự án mật dừa nước của Phan Minh Tiến (Cần Giờ), qua khảo sát thì thấy người tiêu dùng nghĩ rằng đây là sản phẩm nước giải khát, chứ không phải là sản phẩm dinh dưỡng. “Sắp tới, chúng tôi sẽ cùng với Tiến định vị lại để nâng cao giá trị”, ông Dũng chia sẻ.
Khi định vị đúng sản phẩm thuộc dạng nào, công việc tiếp theo là nhóm tư vấn sẽ chỉ cho các doanh nghiệp là marketing, truyền thông, bao bì, viết câu chuyện về sản phẩm… “Đối với doanh nghiệp sản xuất rau sạch, rau an toàn…, chúng tôi phải giúp họ tìm được phân khúc khách hàng tốt, bởi sản phẩm của họ hiện chỉ mang tính phổ thông, do đó, cần được nâng cấp. Thay vì rau tươi sơ chế để cung cấp cho thị trường, thì doanh nghiệp cần có cách thức để đưa rau lên một đẳng cấp mới, như rau dùng cho ăn kiêng, thêm xốt, gia vị… để phục vụ cho nhân viên công sở”, ông Dũng đúc kết.
Gói tư vấn diễn ra từ nay cho đến giữa tháng 12/2019. Các chuyên gia sẽ có các hình thức tư vấn trực tiếp tại doanh nghiệp, tư vấn online hoặc mở lớp học tập trung cho năm doanh nghiệp này. Chuyên gia sẽ đến khảo sát trực tiếp từng doanh nghiệp để hiểu được mong muốn của doanh nghiệp, thực lực của doanh nghiệp như thế nào, qua đó đưa ra chiến lược xây dựng thương hiệu phù hợp.
bài và ảnh Anh Tuấn (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Nông dân công nghệ cao ở Trung Quốc
Thái Lan cho vay nợ bằng cầm cố cây trồng
Bộ Công Thương giải trình chuyện ‘không tiếp thu’ góp ý của Bộ Tài chính
Long An kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ tiêu thụ thanh long
TS Dương Văn Ni: Sinh kế bền vững cho người đồng bằng
Tags:dự án khởi nghiệp
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này