09:18 - 24/10/2019
Bà Phạm Chi Lan: Mất độc quyền trái thanh long là bài học quá đắt
Thập niên 1990 người Đài Loan rất quan tâm trái thanh long đỏ vùng Bình Thuận bởi “màu đẹp, vị ngon và lạ với họ”. Trong khi đó, người Việt hoàn toàn không ý thức mình có nguồn giống cây trồng quý.
“Cây thanh long có nguồn gốc từ Nam Mỹ, Việt Nam là một trong những nước trồng đầu tiên ở các quốc gia châu Á, nhưng giờ đây, ngay cả Trung Quốc, Đài Loan cũng phát triển được trái thanh long có giá trị cao hơn từ nguồn giống của Việt Nam. Trong khi Việt Nam sản xuất dư thừa và có lúc đổ cho bò ăn thì thật đau lòng…”, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhắc lại bài học mất độc quyền cây thanh long đắt giá khi trò chuyện với TGHN.
Bà kể: thập niên 1990 người Đài Loan rất quan tâm trái thanh long đỏ vùng Bình Thuận bởi “màu đẹp, vị ngon và lạ với họ”. Trong khi đó, người Việt hoàn toàn không ý thức mình có nguồn giống cây trồng quý, và quý ở đây được định nghĩa là “sản lượng ít nhưng chất lượng cực cao”.
Thanh long sau đó được nhân giống, phần lớn là loại ruột trắng, ở hàng chục tỉnh/thành, dù không có lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng nên chất lượng ngang nhau mà không có sự nổi bật. Nhiều tỉnh/thành còn quan niệm “đây là cây xoá đói giảm nghèo”. Vì thế, người dùng trong nước không thể phân biệt đâu là thanh long từ Bình Thuận hay từ Long An, Tiền Giang hay từ các tỉnh ở phía Bắc.
Hơn nữa, người Việt cũng không quan tâm bảo vệ nguồn giống quý. “Chúng ta quá khờ dại khi đến đâu cũng nói đây là giống quý nhưng dễ trồng. Có những lúc, các chuyến chuyên cơ của phái đoàn nước ngoài tràn ngập thanh long Việt Nam và những đoạn giống. Họ mang về và chúng ta cũng không ý thức bảo vệnguồn giống”, bà Lan kể.
Việt Nam cũng chưa quan tâm đến giá trị chữa bệnh của trái thanh long. “Một vị đại sứ Singapore hỏi tôi tìm mua thanh long Việt Nam cho người thân ở Singapore, vì nó có thể chữa chứng đi tiểu đêm. Đến nay, các cơ quan nghiên cứu Việt Nam vẫn chưa thật sự bắt tay thực hiện các công trình nghiên cứu về khả năng chữa bệnh của cây trái Việt Nam, tiến hành thử nghiệm lâm sàng và công bố với thế giới”, bà Lan kể.
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Việt Nam chúng ta từ bao đời nay làm nông với quan niệm xa xưa như vậy. Trước đây, nước là nguồn tài nguyên vô tận, nay đã khác. Hai yếu tố kế đến cũng thay đổi. Đã đến lúc chúng ta chú trọng và nên nói nhất giống tốt, nhì phân hữu cơ – những yếu tố tạo nên giá trị gia tăng mới cho hàng nông sản Việt Nam trong tương lai”, bà Lan hóm hỉnh.
Bà nhắc lại câu chuyện xuất khẩu nông sản thập niên 1970 – 1990 sang các nước Đông Âu. “Chúng ta cứ xuất mãi dứa, nhãn, vải trong hộp từ năm này sang năm khác. Thời cuộc thay đổi, thị trường cũ không còn, nhưng những lon dứa, nhãn và vải vẫn như cũ và chúng ta bỏ luôn thị trường. Giờ thì thanh long, nhãn, vải và xoài Việt Nam đã vào được các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Australia, Canada và EU. Nhưng chúng ta vẫn không nên quá mừng, bởi giá trị gia tăng, vượt trội của Việt Nam chưa được người tiêu dùng của các thị trường này nhớ đến”, bà Lan kết thúc câu chuyện.
Phải đóng dấu tiêu chuẩn cho thanh long Việt
Tại hội thảo chuyên đề “Các giải pháp phát triển thanh long bền vững” mới đây tại Bình Thuận, PGS.TS. Mai Thành Phụng, trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho biết, hiện nay có 60/63 tỉnh thành trong cả nước trồng thanh long, trong đó ba tỉnh có diện tích lớn nhất là Bình Thuận khoảng 30.000ha, Long An trên 11.000ha và Tiền Giang gần 8.000ha. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, vấn đề của thanh long là bảo đảm chất lượng và thị trường tiêu thụ. Theo đó, cần áp dụng quy trình canh tác, sử dụng giống tốt, vệ sinh đồng ruộng, quản lý tổng hợp với các loại sâu rầy dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chuyển sang sử dụng các thuốc sinh học, phân bón hữu cơ, sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất… Các nhà chuyên môn khuyến khích, để thanh long Việt Nam đủ sức cạnh tranh và thâm nhập được vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… nhà nông nên hướng đến mô hình hợp tác xã, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalG.A.P., các tiêu chuẩn hữu cơ…
Theo TGHN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này